Việt Nam đóng góp thúc đẩy hợp tác APEC trên nhiều lĩnh vực
VOV.VN - Trong 15 năm tham gia, Việt Nam luôn là thành viên năng động, đóng góp tích cực và hiệu quả cho hợp tác APEC.
Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (Asia - Pacific Economic Cooperation, gọi tắt là APEC) lần thứ 21 sẽ tổ chức tại Bali, Indonesia, từ ngày 6 - 8/10/2013.
Nhận lời mời của Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang sẽ tham dự Hội nghị các nhà Lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần 21.
Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (Ảnh: Bùi Hùng) |
Nhân dịp này, phóng viên VOV online phỏng vấn Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn về kết quả hợp tác của các thành viên APEC và vai trò của Việt Nam trong APEC.
PV: Thưa ông, kể từ khi thành lập đến nay, APEC đã đóng góp tích cực trong kết nối khu vực. Vậy kết quả nổi bật của hợp tác APEC là gì?Xin Thứ trưởng cho biết rõ về những kết quả hợp tác đó.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: APEC được thành lập năm 1989 trong xu hướng gia tăng hợp tác sau chiến tranh Lạnh. Trong gần 25 năm qua, APEC chính là động lực thúc đẩy sự phát triển năng động của châu Á – Thái Bình Dương, thúc đẩy xu hướng liên kết kinh tế khu vực. APEC cũng có vai trò hết sức quan trọng góp phần phát triển vào hệ thống thương mại đa phương và Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Kết quả nổi bật là APEC đã thực hiện hiệu quả Mục tiêu Bogor, được thông qua năm 1994, nhằm thúc đẩy tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại đầu tư đến năm 2010 đối với các thành viên phát triển và đến 2020 đối với các thành viên đang phát triển.
Trong 2 thập kỷ, mức thuế trung bình trong khu vực giảm gần 1/2, thương mại tăng gần 6 lần, chi phí giao dịch thương mại được cắt giảm đáng kể, thông qua 2 lần APEC thực hiện mục tiêu giảm chi phí thương mại 5% vào các năm 2006 và 2010.
APEC cũng triển khai nhiều chương trinh hợp tác về cải cách cơ cấu, thuận lợi hóa đầu tư, hợp tác tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Bước sang thế kỷ 21, hợp tác kinh tế, thương mại trong APEC ngày càng đi vào chiều sâu, với những nội hàm phát triển mới và các vấn đề thương mại, đầu tư “thế hệ mới”.
APEC là diễn đàn hợp tác đa phương đầu tiên đạt thỏa thuận về cắt giảm thuế xuống dưới 5% vào năm 2015 đối với 54 mặt hàng môi trường, vấn đề mà WTO thúc đẩy hơn một thập niên qua chưa đạt kết quả. APEC cũng đề ra mục tiêu nâng cao 10% chất lượng chuỗi cung ứng vào năm 2015 và hiện các thành viên đang nỗ lực thực hiện.
Kết quả quan trọng thứ hai là APEC đã hợp tác hiệu quả và đóng góp tích cực vào các nỗ lực nhằm ứng phó với thách thức toàn cầu.
Từ đầu những năm 2000, nội dung hợp tác APEC được mở rộng sang các lĩnh vực an ninh con người, chống chủ nghĩa khủng bố, y tế, giáo dục, ứng phó với thiên tai…
Để phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng vừa qua, APEC đẩy mạnh hợp tác ứng phó với các thách thức toàn cầu, thúc đẩy mô hình tăng trưởng xanh và bền vững, thực hiện Chiến lược tăng trưởng mới, giải quyết các thách thức về an ninh lương thực – nước – năng lượng, tăng cường hợp tác ứng phó với thiên tai và tình trạng khẩn cấp…
Có thể nói sau gần 25 năm, APEC tiếp tục là cơ chế hợp tác quan trọng, là ưu tiên trong triển khai chính sách đối ngoại của các thành viên, nhất là các nước lớn, tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Các thành viên tiếp tục coi trọng hợp tác trong khuôn khổ APEC, coi đây là một trong những cơ chế không thể thiếu để xây dựng hợp tác khu vực theo hướng đa tầng nấc, duy trì vai trò đầu tàu của châu Á – Thái Bình Dương và hướng tới hình thành Khu vực thương mại tự do toàn cầu châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP).
PV: Việt Nam trở thành thành viên chính thức của APEC tháng 11/1998, và đã có những đóng góp tích cực cho tổ chức này. Xin thứ trưởng cho biết chủ trương và những đóng góp của Việt Nam trong APEC?
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Việt Nam trở thành thành viên chính thức của APEC tháng 11/1998, đánh dấu bước triển khai quan trọng chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
APEC là diễn đàn quan trọng, gắn bó chặt chẽ, mật thiết của chúng ta trên mọi mặt kinh tế đối ngoại, an ninh và phát triển. Đây là khu vực có đầu tư trực tiếp lớn nhất với khoảng 65% tổng số vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 60% giá trị xuất khẩu, 80% giá trị nhập khẩu và 75% lượng khách du lịch quốc tế Việt Nam.
APEC cũng là kênh hiệu quả để chúng ta đẩy mạnh hợp tác và làm sâu sắc quan hệ song phương với các thành viên, trong đó có những đối tác chiến lược, đối tác toàn diện của Việt Nam. APEC là nơi chúng ta phát huy vai trò, nâng cao vị thế đất nước.
Trong 15 năm tham gia, Việt Nam luôn là thành viên năng động và có trách nhiệm, đóng góp tích cực và hiệu quả cho hợp tác APEC.
Thành công quan trọng nhất là chúng ta đã đảm nhiệm xuất sắc vai trò chủ tịch APEC năm 2006, tổ chức thành công hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 14 (2006) và hơn 100 sự kiện lớn nhỏ khác, với kết quả nổi bật là xác định triển vọng dài hạn hướng tới FTAAP, thông qua Chương trình Hành động Hà Nội nhằm thực hiện mục tiêu Bogor và các biện pháp cải cách tổng thể…
Việt Nam đã đề xuất 70 sáng kiến trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, hợp tác kinh tế - kỹ thuật, đối phó với tình trạng khẩn cấp, y tế, chống chủ nghĩa khủng bố…
Việt Nam cũng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch/Phó Chủ tịch của nhiều Nhóm công tác chủ chốt và sắp tới sẽ tổ chức Hội nghị Bộ trưởng APEC về Phát triển nguồn nhân lực vào năm 2014.
PV: Việt Nam đã tham gia chủ động, tích cực, đóng góp thúc đẩy hợp tác APEC trên nhiều lĩnh vực. Vậy trong Hội nghị cấp cao APEC 21, Việt nam sẽ đóng góp những gì thưa ông?
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Đoàn Lãnh đạo Cấp cao của Việt Nam tham gia Hội nghị cấp cao APEC 21 nhằm tiếp tục triển khai mạnh mẽ đường lối của Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, coi trọng vai trò tại các cơ chế hợp tác ở châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời chính thức tuyên bố đăng cai Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 22 vào năm 2017.
Các hoạt động của Lãnh đạo ta trong dịp tham dự Hội nghị Cấp cao APEC 21 cũng sẽ góp phần cụ thể hóa và triển khai quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam với Indonesia, tăng cường quan hệ song phương của ta với các thành viên chủ chốt trong APEC./.
PV: Xin cám ơn ông./.