Việt Nam đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an
Đại sứ Đặng Đình Quý chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong việc tăng cường vai trò và sự tham gia của phụ nữ Việt Nam trong suốt quá trình tái thiết và phát triển.
Ngày 29/10, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tổ chức phiên thảo luận mở về “Phụ nữ, Hòa bình và An ninh,” trong đó tập trung rà soát và đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 1325 và các nghị quyết có liên quan trong bối cảnh chuẩn bị kỷ niệm 20 năm ra đời Nghị quyết này.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc. (Ảnh: Hữu Thanh/TTXVN) |
Theo phóng viên TTXVN tại Liên Hợp Quốc, dưới sự chủ trì của Nam Phi, nước Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 11/2019, cuộc thảo luận có sự tham gia phát biểu của trên 90 nước thành viên Liên hợp quốc.
Phát biểu tại phiên thảo luận mở, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nêu bật những kết quả đạt được về việc thúc đẩy sự tham gia và vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong các tiến trình hòa bình (đặc biệt tại Yemen, Guinea-Bisau và Syria), thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.
Tuy nhiên, ông Guterres cũng chỉ rõ các thách thức đặt ra cho phụ nữ trong xung đột vũ trang như bạo lực tình dục, tác động của biến đổi khí hậu, tỷ lệ tham gia vị trí lãnh đạo và các hoạt động gìn giữ hòa bình của phụ nữ còn thấp.
Theo báo cáo của Tổng thư ký, phụ nữ chỉ chiếm 4,2% quân số trong các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.
Trong năm 2018, mặc dù tỷ lệ trung bình phụ nữ trong quốc hội trên toàn thế giới tăng lên 24,3% thì ở các nước có xung đột và hậu xung đột, tỷ lệ này chỉ ở mức 19%.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cũng kêu gọi các nước triển khai cam kết, chú trọng thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Tại phiên họp, các nước thành viên Liên Hợp Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của mục tiêu bảo đảm bình đẳng giới và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các tiến trình ra quyết định trong bối cảnh chuẩn bị kỷ niệm nhiều sự kiện lớn, bao gồm kỷ niệm 75 năm thành lập Liên Hợp Quốc, 25 năm thông qua Tuyên bố và Chương trình hành động Bắc Kinh, và 20 năm thông qua nghị quyết 1325 của Hội đồng Bảo an.
Các nước chia sẻ những thực tiễn tốt, các sáng kiến đang được triển khai nhằm thực hiện đầy đủ và hiệu quả chương trình nghị sự Phụ nữ, Hòa bình và An ninh; đồng thời nhấn mạnh ưu tiên ngăn ngừa xung đột và giải quyết các thách thức đang nổi lên.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã phát biểu đánh giá cao những nỗ lực không mệt mỏi của các quốc gia, Liên Hợp Quốc và các tổ chức khu vực và quốc tế trong quá trình thực hiện chương trình nghị sự Phụ nữ, Hòa bình và An ninh.
Để thực hiện hiệu quả chương trình này, Đại sứ cho rằng ý chí chính trị của các quốc gia thành viên trong việc thực hiện các cam kết và hành động cụ thể, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế qua trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, đóng vai trò tiên quyết.
Đại sứ nhấn mạnh sự tham gia của phụ nữ trong mọi giai đoạn của các tiến trình Hòa bình, đặc biệt trong quá trình tái thiết hậu xung đột.
Ông cũng chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong việc tăng cường vai trò quan trọng và sự tham gia của phụ nữ Việt Nam trong suốt quá trình tái thiết và phát triển sau khi đất nước giành được độc lập và thống nhất, như là việc tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, rà phá bom mìn và vật liệu chưa nổ, góp phần tích cực vào việc bảo đảm an toàn và sinh kế cho các cộng đồng dân cư.
Tại phiên thảo luận mở, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết 2492 bằng đồng thuận. Nghị quyết tập trung kêu gọi các quốc gia và cộng đồng quốc tế thành viên cam kết thực hiện chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh và các ưu tiên về đảm bảo và thúc đẩy sự tham gia đầy đủ, công bằng và ý nghĩa của phụ nữ trong các tiến trình hòa bình./. Toàn văn bài phát biểu PTT Phạm Bình Minh tại Liên Hợp Quốc