Xoa dịu nỗi đau ở vùng đất đầu tiên hứng chịu thảm họa chất độc da cam/ dioxin

VOV.VN - Những năm qua, để xoa dịu nỗi đau da cam ở vùng đất đầu tiên hứng chịu thảm họa chất độc da cam/ dioxin, Đảng, Nhà nước, nhà hảo tâm đã có nhiều việc làm thiết thực hỗ trợ cả về tinh thần và vật chất để những người mang nỗi đau da cam ở tỉnh Kon Tum vươn lên trong cuộc sống.

Cách đây 60 năm, Kon Tum là tỉnh đầu tiên quân đội Mỹ rải chất độc hóa học da cam/dioxin. Chiến tranh đã lùi xa nhưng ở vùng đất này, hiện có khoảng 8.000 người nghi bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Trong đó, gần 900 người đang hưởng chế độ nạn nhân chất độc da cam, gần 550 người là thế hệ thứ hai, thứ ba bị ảnh hưởng và có dị tật bẩm sinh phải nhận trợ cấp hàng tháng.

Giữa cơn mưa lớn, trong ngôi Nhà tình nghĩa ở thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, cựu chiến binh Y Blỷ, 71 tuổi, người chứng kiến tàu bay quân đội Mỹ rải chất độc hóa học, cho biết, sau nhiều lần bị rải chất độc, những dãy đồi dọc Quốc lộ 14, rồi ở địa phận các xã: Rờ Kơi, Sa Nhơn, Hơ Moong… cây cối trơ trụi đến giờ. Bản thân bà khi ấy không kịp tìm chỗ trú, bị chất độc màu trắng đục như nước cơm rơi ướt đầu nên bệnh tật đeo bám hàng chục năm nay.

Chồng là liệt sỹ, mình mang bệnh tật do chiến tranh để lại, điều khiến bà Y Blỷ không gục gã chính là sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, chính quyền, các Hội, Đoàn thể từ huyện đến tỉnh. Hiện tại, mỗi tháng bà Y Blỷ được nhận trợ cấp hơn 2 triệu đồng. Bà cũng được ưu tiên xây Nhà tình nghĩa giúp cuộc sống thêm ổn định. Trong ngôi nhà ấm cúng, cựu chiến binh Y Blỷ nói thế này.

 “Cảm ơn Đảng, Nhà nước. Tôi không có Đảng, Nhà nước tôi chết lâu rồi. Huyện cũng quan tâm lắm. Bí thư, Phó Chủ tịch, Chủ tịch huyện họ đến thăm luôn. Bà con hàng xóm, các làng khác cũng khó khăn, Nhà nước quan tâm như vậy mình cũng thấy không có cái gì mà phải yêu cầu thế này, thế kia”, bà Y Blỷ cho biết.

Huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum hiện có 31 nạn nhân chất độc da cam/dioxin đang hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước. Trong đó, 17 người từng tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, còn lại 14 trường hợp là con đẻ của người tham gia kháng chiến.

Ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện cho biết, cùng với thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách đối với người nhiễm chất độc hóa học, đơn vị cũng có nhiều hình thức giúp đỡ các gia đình phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

 “Phòng đã tham mưu cho UBND huyện triển khai đồng bộ các chính sách, đặc biệt chính sách vay vốn thông qua kênh Ngân hàng Chính sách Xã hội để giảm bớt những khó khăn trong phát triển kinh tế. Qua thực hiện chính sách vay vốn và thực hiện đồng bộ các chính sách nhà ở, y tế, cơ bản đến nay, 17 đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có cuộc sống ổn định, có nhà kiên cố, không có đối tượng nào nhà dột nát, hư hỏng”, ông Lê Văn Phúc cho biết.

 Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Bình, nhà ở thôn 2, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy khẳng định, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của chính quyền, các Hội và Đoàn thể các cấp đã giúp những người bị nhiễm chất độc da cam như ông xoa dịu được nỗi đau để vươn lên trong cuộc sống.

 “Chính sách Nhà nước hỗ trợ đối với người có công, thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc hóa học rất nhiều. Ưu đãi về giáo dục, về đất ở, cải thiện đời sống rồi nhà ở. Các chính sách Bảo hiểm y tế, rồi trợ cấp hàng tháng, rất nhiều chính sách thì rất hiệu quả. Tôi có 3 đứa con thì hiện nay các cháu đi học được Nhà nước ưu tiên trong thi Đại học rồi học tập được miễn giảm hết, hỗ trợ rất lớn cho các cháu trưởng thành”, ông Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.

Với nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả, trong những năm qua, Quỹ Vì nạn nhân chất độc da cam tỉnh Kon Tum đã nhận được trên 2.500 lượt cá nhân, tập thể ủng hộ với tổng số tiền hơn 9 tỷ đồng. Từ số tiền này, Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin các cấp của tỉnh Kon Tum đã kịp thời thăm hỏi, động viên nạn nhân và gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Bà Nguyễn Thị Bình, Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh Kon Tum, cho biết: “Chúng tôi cũng là cầu nối giữa các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đến với các nạn nhân bằng các hoạt động thiết thực, như là thăm hỏi, động viên các nạn nhân chất độc da cam. Ngoài ra, các hoạt động khác như hỗ trợ nhà đối với các nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Hỗ trợ các nguồn vốn cho vay không tính lãi phát triển kinh tế cho các nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn. Đó là những hoạt động mà chúng tôi được đánh giá rất cao và rất thiết thực đối với nạn nhân chất độc da cam”. 

Tại tỉnh Kon Tum, ngày càng có thêm nhiều gia đình nạn nhân chất độc da cam/ dioxin vươn lên trong lao động sản xuất, chiến thắng bệnh tật, đói nghèo. Tiêu biểu như gia đình ông Lê Hồng Chấm, xã Diên Bình, huyện Đăk Tô; bà Trần Thị Cảnh, xã Sa Nghĩa, huyện Sa Thầy; ông A Đầng, xã Đắk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy; ông Lý Quang Sận, ông Trịnh Quang Thạo, xã Đắk Blà, thành phố Kon Tum…

Ngày 10/8 năm nay, nhân kỷ niệm 60 năm Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, 41 nạn nhân và gia đình nạn nhân chất độc da cam ở tỉnh Kon Tum được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã vượt khó, vươn lên trong cuộc sống. Đây là sự ghi nhận, động viên khuyến khích kịp thời các cá nhân và gia đình đã vượt qua nỗi đau da cam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Quảng Ninh mở rộng hỗ trợ cho thân nhân, người nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam
Quảng Ninh mở rộng hỗ trợ cho thân nhân, người nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam

VOV.VN - Cùng với nhiều hoạt động chung tay hỗ trợ, chăm lo trực tiếp cho nạn nhân chất độc da cam dioxin trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực mở rộng đối tượng ưu tiên là thân nhân, người nuôi dưỡng nạn nhân da cam với nhiều hình thức khác nhau.

Quảng Ninh mở rộng hỗ trợ cho thân nhân, người nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam

Quảng Ninh mở rộng hỗ trợ cho thân nhân, người nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam

VOV.VN - Cùng với nhiều hoạt động chung tay hỗ trợ, chăm lo trực tiếp cho nạn nhân chất độc da cam dioxin trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực mở rộng đối tượng ưu tiên là thân nhân, người nuôi dưỡng nạn nhân da cam với nhiều hình thức khác nhau.

Di chứng chất độc da cam - nỗi đau còn đó
Di chứng chất độc da cam - nỗi đau còn đó

VOV.VN - Chất da cam/dioxin đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, không chỉ huỷ hoại môi trường, các hệ sinh thái mà còn tác hại đến sức khỏe con người Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Di chứng chất độc da cam - nỗi đau còn đó

Di chứng chất độc da cam - nỗi đau còn đó

VOV.VN - Chất da cam/dioxin đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, không chỉ huỷ hoại môi trường, các hệ sinh thái mà còn tác hại đến sức khỏe con người Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Ấm áp Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam ở Sơn La
Ấm áp Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam ở Sơn La

VOV.VN - Hội Chữ thập đỏ tỉnh Sơn La vừa tổ chức chợ nhân đạo “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” xuân Tân Sửu năm 2021.

Ấm áp Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam ở Sơn La

Ấm áp Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam ở Sơn La

VOV.VN - Hội Chữ thập đỏ tỉnh Sơn La vừa tổ chức chợ nhân đạo “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” xuân Tân Sửu năm 2021.