"Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng quyền lực mềm"

Giáo sư Joseph Nye thuộc Trường Đại học Harvard khẳng định tại buổi toạ đàm "Quyền lực mềm trong quan hệ quốc tế hiện đại"  tổ chức chiều 13/1, tại Hà Nội.

Buổi toạ đàm có sự tham gia của  các học giả trong nước, các cán bộ lãnh đạo về công tác đối ngoại  và  một số sinh viên xuất sắc của Học viện Ngoại giao.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân chủ trì buổi tọa đàm.

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh đây là một cơ hội quý để các học giả, cán bộ làm công tác đối ngoại Việt Nam trao đổi trực tiếp với vị Giáo sư đã sáng tạo ra thuyết "quyền lực mềm" - một khái niệm được bàn thảo và ứng dụng rộng rãi trên thế giới trong hơn 2 thập kỷ qua.

Giáo sư Joseph Nye cũng là chuyên gia trên nhiều lĩnh vực trong quan hệ quốc tế. Năm 2008, Giáo sư xếp thứ 6 trong số các học giả có ảnh hưởng lớn nhất trong vòng 20 năm qua và là người có ảnh hưởng lớn nhất đến chính sách đối ngoại của Mỹ.

Trong phần thuyết trình của mình, Giáo sư đã đề cập đến khái niệm quyền lực mềm là khả năng để đạt được điều mình muốn mà không cần dùng đến sự đe dọa, cưỡng chế hoặc cho tiền. Đó là cách thu hút, thuyết phục để người khác cũng muốn điều mình muốn.

Giáo sư Joseph Nye cho rằng sức mạnh mềm của một quốc gia được xây dựng trên các yếu tố giá trị văn hóa, chính sách ngoại giao và hình ảnh về chính trị văn hóa của quốc gia đó.

Bằng những câu chuyện cụ thể, thực tế, dễ hiểu về những mối quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia trên thế giới, Giáo sư đã phân tích, giải thích và chứng minh về thuyết quyền lực mềm.

Giáo sư cũng trả lời nhiều câu hỏi của các đại biểu tham dự tọa đàm xung quanh thuyết này, đồng thời khẳng định Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng quyền lực mềm bởi những thuận lợi và cơ hội hiện nay.

Vấn đề là Việt Nam cần xây dựng hình ảnh của mình, tạo nên những ảnh hưởng để thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, để các nước trong khu vực và trên thế giới biết đến và tin tưởng.

Theo Giáo sư, việc Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN trong năm 2010 là một trong những cơ hội để khẳng định mình khi Việt Nam thể hiện là một quốc gia chủ trương phát triển bền vững và quan tâm đến biến đổi khí hậu.

Việt Nam cũng có thể thúc đẩy xu hướng đi đầu trong cung cấp các dịch vụ cho khu vực nông thôn, sử dụng Internet để phát triển, quan tâm đến giáo dục, sử dụng những công nghệ mới trong phát triển./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên