Việt Nam là nước có nhiều danh hiệu UNESCO
Bạn bè quốc tế đánh giá cao vị thế của Việt Nam và hoạt động của Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO
Tại Phiên họp lần thứ 184 Hội đồng Chấp hành UNESCO đang diễn ra ở thủ đô Paris (Pháp), nhiều nội dung quan trọng liên quan tới những vấn đề lớn của thế giới như giáo dục, môi trường, nghèo đói, bạo lực... được đưa ra bàn thảo. Đại diện các nước thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO tham dự phiên họp, trong đó có đoàn Đại biểu Việt Nam.
Nhân dịp này, phóng viên VOV thường trú tại Pháp phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn về các hoạt động của phiên họp này và quan hệ giữa UNESCO với Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn
** Thưa Thứ trưởng, phiên họp của Hội đồng Chấp hành UNESCO lần này đề cập nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc trên thế giới. Xin ông khái quát đôi nét?
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Phiên họp của Hội đồng Chấp hành UNESCO đề cập nhiều vấn đề: chương trình cải cách cơ cấu tổ chức bộ máy của Tổng Giám đốc mới của UNESCO, chương trình về tài chính cùng một số hoạt động của UNESCO... ; những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh ở các nước, trong đó có Haiti, Brazil. Bài phát biểu của đại diện các nước dự phiên họp cũng đề cập tới vấn đề ở Haiti và Brazil.
Tôi cho rằng, những vấn đề được đặt ra ở phiên họp lần này là rất thiết thực, đặc biệt là việc cải tổ bộ máy của Tổng Giám đốc mới, đòi hỏi phải có cái nhìn cụ thể đối với xu hướng phát triển của thế giới, đặc biệt là các nước thế giới thứ ba, các nước đang phát triển. UNESCO đang dần đi vào những hoạt động có hiệu quả, giảm bớt chi phí cho những hoạt động không đem lại hiệu quả nhiều, nhất là đối với các nước đang phát triển.
Song song với vấn đề đó, các nước cũng quan tâm tới vấn đề thiên tai dịch bệnh đang xảy ra trên toàn cầu. Các nước đều chia sẻ mất mát đối với Haiti, Brazil. Các nước cũng kêu gọi Tổng Giám đốc mới - bà Irrina Bokova có sự nhìn nhận, đánh giá sao cho cơ cấu bộ máy tổ chức của UNESCO lần này thực sự đem lại hiệu quả thiết thực, không cồng kềnh, lãng phí. Đó là những điều mới được đưa ra tại phiên họp lần này.
** Thưa Thứ trưởng, tại phiên họp lần này, đoàn Việt Nam đã đưa ra những đề xuất hay ý kiến đóng góp gì đối với hoạt động chung của UNESCO?
Hoàng thành Thăng Long |
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Hòa chung với tiếng nói của các quốc gia khác về những thảm họa xảy ra ở các quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng chia sẻ sự mất mát và đồng tình với các quốc gia là cần phải có sự giúp đỡ tích cực đối với Haiti, Brazil. Chúng ta cũng nêu quan điểm của mình đối với vấn đề ổn định cải cách bộ máy của Liên Hợp Quốc nói chung; những việc mà chúng ta đã làm được, nhất là những việc đã triển khai trong nửa đầu «Thập kỷ Phát triển giáo dục bền vững». Trên thực tế, chúng ta đã có được một số thành tựu, kinh nghiệm, và chúng tôi đưa ra để trao đổi với các bạn quốc tế những việc mà chúng ta đã làm để vừa tham khảo vừa rút kinh nghiệm.
Thực tế cho thấy, Việt Nam là quốc gia phát triển rất tốt trong lĩnh vực phát triển bền vững. Chúng ta đã xác định mục tiêu từ nay tới năm 2015, cố gắng đạt những hiệu quả thiết thực để cùng với các bạn trao đổi, để những năm tới đây, 2011-2012, chúng ta có những thành tựu cụ thể trong lĩnh vực phát triển bền vững, đưa kiến thức phát triển bền vững này vào giáo dục phổ thông của chúng ta từ bậc tiểu học, từ đó xác định bước đi lâu dài hơn, trong đó trình độ dân trí cần phải được nâng cao đồng đều.
Vấn đề nữa đang được các nước quan tâm là bảo vệ môi trường. Phát triển kinh tế song song với bảo vệ môi trường và phát triển dân trí thì mới bền vững. Việt Nam cũng có những sáng kiến và đạt được nhiều thành tích trong những năm qua. Điều này chúng ta cũng đã đưa ra tại phiên họp này để các bạn quốc tế đánh giá, tham khảo và cùng trao đổi. Có những quốc gia coi kinh nghiệm của Việt Nam là rất quý báu và họ đã trao đổi với đoàn chúng ta để tìm hiểu những việc chúng ta đã làm.
Hiện nay chúng ta đang rất quan tâm tới phát triển giáo dục bền vững, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu. Chúng ta cũng thông báo cho các nước thành viên biết rằng, Việt nam là 1 trong 5 nước bị ảnh hưởng rất mạnh của biến đổi khí hậu, khiến mực nước biển dâng cao. Chúng ta đã làm gì, chúng ta cần gì thì quốc tế phải hỗ trợ. Những vấn đề này chúng ta cũng đã nêu ra tại phiên họp.
** Thưa Thứ trưởng, với những kết quả mà chúng ta thu được trong các hoạt động của UNESCO cũng như trong khuôn khổ các chương trình hợp tác, hỗ trợ của tổ chức này, Thứ trưởng có đánh giá như thế nào về triển vọng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với UNESCO?
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Tất cả các bạn bè quốc tế mà chúng tôi có dịp gặp gỡ trao đổi trong phiên họp lần này đều có đánh giá cao vị thế, uy tín của Việt Nam. Họ cũng đánh giá cao hoạt động của Phái đoàn thường trực của Việt Nam bên cạnh UNESCO. Chúng ta đã có những di sản đã được UNESCO công nhận và được thế giới ngưỡng mộ.
Tôi cho rằng, quan hệ giữa Phái đoàn thường trực Việt Nam với Tổng hành dinh của UNESCO tại Paris luôn tốt đẹp. Trên cơ sở chúng ta ngày càng có nhiều di sản văn hóa, di sản vật thể, di sản phi vật thể và những danh hiệu mà UNESCO công nhận, Việt Nam đang là một trong những nước vươn lên, có nhiều danh hiệu của UNESCO. Bạn bè quốc tế khâm phục, kính trọng chúng ta bởi vị thế, lịch sử ngàn năm văn hiến, truyền thống lịch sử của dân tộc ta, đồng thời bạn bè thấy được việc quan tâm bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc, cũng như những địa danh lịch sử mà chúng ta kiến nghị UNESCO đã công nhận hoặc tới đây sẽ công nhận.
Bạn bè đánh giá rất cao năng lực của chúng ta, tiềm năng của Việt Nam. Vì thế tôi cho rằng, một trong những thế mạnh của Việt Nam là biết vươn ra với thế giới và hội nhập một cách vững vàng, đồng thời chúng ta đã có những tiếng nói ủng hộ hết sức quan trọng trong việc chúng ta đề cử những địa danh, những hồ sơ tiến cử các công trình cũng như di sản được thế giới công nhận. Sau Hoàng thành Thăng long sẽ còn nhiều danh mục di sản khác mà chúng ta có thể đề nghị UNESCO công nhận, bởi đất nước ta xứng đáng như vậy.
** Xin cảm ơn Thứ trưởng!/.