Việt Nam lên án những hành động bạo lực gây đau thương, chết chóc

Việt Nam cho rằng cần phải loại trừ các nguyên nhân sâu xa của các cuộc xung đột, bất ổn và căng thẳng là áp bức, đói nghèo, bất công, kỳ thị về chủng tộc, văn hóa và tôn giáo.  

Nhân dịp tham dự phiên họp lần thứ 122 Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) tại Bangkok, Thái Lan từ ngày 27/3 – 1/4, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã có bài phát biểu tại phiên họp toàn thể Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới. Sau đây là toàn văn bài phát biểu:

Thưa Ngài Chủ tịch,

Thưa các quý Bà, quý Ông,

Thay mặt Quốc hội và nhân dân Việt Nam, tôi xin gửi tới Ngài Chủ tịch và các quý vị tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 122 lời chào trân trọng và những tình cảm hữu nghị thắm thiết nhất. Chúng tôi chân thành cám ơn Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Thái Lan đã dành cho Đoàn chúng tôi sự tiếp đón nhiệt tình, trọng thị và sự chuẩn bị chu đáo cho Đại hội đồng IPU lần này.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tại IPU 122

Thưa Ngài Chủ tịch,

Thưa các quý vị đại biểu,

Thảo luận về chủ đề “Nghị viện với vai trò trung tâm trong hòa giải chính trị và quản trị tốt” là dịp để chúng ta xem xét và đánh giá những tiến bộ, cũng như những khó khăn, thách thức mà nghị viện các nước thành viên đang phải đối mặt với nỗ lực hòa giải nhằm xóa bỏ và giải quyết tận gốc rễ những nguyên nhân của chiến tranh, xung đột và chia rẽ dân tộc. Đồng thời, chủ đề lần này của Hội nghị cũng đề cập tới một trong những vấn đề quan trọng là quản trị quốc gia như một nhiệm vụ hàng đầu và cần thiết của các quốc gia, nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định, sự công bằng, minh bạch - những yếu tố góp phần quan trọng thúc đẩy vai trò của nghị viện trong hòa giải chính trị.

Nhân loại bước vào thế kỷ 21 với nhiều kỳ vọng về một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển trước những vận hội to lớn. Tuy nhiên, ngay từ những năm đầu của thế kỷ này, chúng ta lại phải đương đầu với thách thức lớn như khủng bố, nguy cơ chiến tranh, các cuộc xung đột và căng thẳng kéo dài ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó dư luận quốc tế hiện nay rất quan tâm tới diễn biến phức tạp gần đây tại Trung Đông, một số vùng thuộc khu vực Trung Phi, Bán đảo Triều Tiên,... Việt Nam lên án những hành động bạo lực gây đau thương, chết chóc cho những người dân vô tội. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan khắc phục những bất đồng bằng đối thoại và thương lượng hòa bình trên tinh thần hòa giải dân tộc. Quốc hội Việt Nam chia sẻ quan điểm chung của các nước cho rằng cần phải phối hợp hành động nhằm loại trừ các nguyên nhân sâu xa của các cuộc xung đột, bất ổn và căng thẳng là áp bức, đói nghèo, bất công, kỳ thị về chủng tộc, văn hóa và tôn giáo.

Hội đàm giữa đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam và Australia

Việt Nam mong muốn những nhà lãnh đạo Chính phủ và Quốc hội các nước ở những nơi có tình hình căng thẳng tăng cường đối thoại với các lực lượng chính trị, kể cả những lực lượng đối kháng nhằm vượt qua những khác biệt, chấp nhận hòa giải, cùng nhau hợp tác vì sự ổn định và phát triển, vì lợi ích của nhân dân và cải thiện kinh tế đất nước.

Việt Nam tin tưởng rằng, diễn đàn IPU có thể tạo nhiều cơ hội cho các nghị sỹ chúng ta cùng chia sẻ, đóng góp các sáng kiến nhằm tìm ra các giải pháp hữu hiệu để nâng cao vai trò trung tâm hòa giải chính trị của nghị viện các nước.

Thưa Ngài Chủ tịch,

Liên quan đến vấn đề Nghị viện và quản trị tốt, chúng tôi cho rằng công tác quản trị quốc gia theo nguyên tắc dân chủ ở các nước đang phát triển đã được nêu rõ trong Tuyên bố của các nhà lãnh đạo thế giới về các mục tiêu thiên niên kỷ tại Hội nghị Thượng đỉnh Thiên niên kỷ năm 2000. Ở đó, các nhà lãnh đạo trên thế giới đã bày tỏ quyết tâm “nỗ lực hết mình nhằm xúc tiến nền dân chủ và tăng cường chế độ pháp quyền, cũng như tôn trọng tất cả các quyền con người và quyền tự do cơ bản được quốc tế công nhận, trong đó có quyền tham gia phát triển”. Thách thức đối với tất cả các nước là xây dựng các thiết chế hữu hiệu và quy trình phù hợp nhất để có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu của mọi tầng lớp nhân dân.

Trong lĩnh vực quản trị công, bảo đảm nguyên tắc pháp quyền và chống tham nhũng là những vấn đề được người dân hết sức quan tâm. Nhà nước Việt Nam nhận thức rằng, sự tham gia, đóng góp ý kiến tích cực của nhân dân vào những công việc chung của xã hội, cộng đồng là yếu tố quan trọng để xây dựng một hệ thống quản trị quốc gia tốt. Ở Việt Nam, trong khi còn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong các mục tiêu phát triển của mình, vấn đề nâng cao nhận thức, trình độ dân trí của người dân, tạo cơ hội để họ đóng góp trí tuệ, sức lực của mình cho sự nghiệp xây dựng và phát triển chung của đất nước luôn được Nhà nước quan tâm, ưu tiên thực hiện. Chính vì vậy, trong vòng 10 năm trở lại đây nhờ có định hướng và đường lối đúng đắn trong quản lý của Chính phủ, hành chính công tại Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, chỉ số quản trị quốc gia của Việt Nam từ năm 1998 - 2009 đạt mức quản trị quốc gia tốt. Từ khi phát động chủ trương đổi mới vào năm 1986, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đầy ấn tượng về phát triển con người. Ngoài việc giảm 50% tỷ lệ nghèo từ năm 1990, Việt Nam còn đạt được tiến bộ ở nhiều khía cạnh liên quan đến an sinh của người dân. Tuy nhiên, trong khi đất nước tiếp tục tiến bước trên con đường thực hiện thành công nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ thì khoảng cách về kinh tế - xã hội cũng trở nên rõ ràng hơn giữa các nhóm dân cư và giữa các vùng. Như đã được đánh giá trong kế hoạch và chiến lược quốc gia, để thu hẹp những khoảng cách như vậy đòi hỏi phải có nỗ lực thường xuyên nhằm cải thiện các cơ cấu và hệ thống quản trị quốc gia.

Trong những khía cạnh then chốt nhằm đạt được một nền quản trị quốc gia tốt là cải cách hành chính, chế độ pháp quyền và tăng cường năng lực của cơ quan dân cử, việc tăng cường năng lực của Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong việc thực thi các chức năng cơ bản của mình là một lĩnh vực chủ chốt trong tổng thể công cuộc cải cách quản trị quốc gia tại Việt Nam. Trong thời gian qua, chức năng, quyền hạn của Quốc hội Việt Nam đã được tăng cường, Quốc hội đã có nhiều đổi mới nhằm thực hiện tốt các chức năng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.  

Thưa Ngài Chủ tịch,

Hơn một thế kỷ qua kể từ ngày thành lập, IPU đã không ngừng phát triển và trở thành một diễn đàn nghị viện quốc tế vô cùng quan trọng và đầy uy tín, đóng góp tích cực vào việc củng cố và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau vì một thế giới hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Tôi hy vọng rằng, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 122 sẽ thành công rực rỡ, đặt dấu ấn quan trọng và nhiều ý nghĩa cho sự tiếp tục phát triển của mình trong đời sống chính trị quốc tế.

** Bên lề phiên họp lần thứ 122 Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới IPU đang diễn ra tại thủ đô Bangkok, Thái Lan, đoàn đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dẫn đầu đã có cuộc gặp song phương với đoàn đại biểu quốc hội Australia do Chủ tịch Quốc hội Harry Jenkins dẫn đầu.

Trao quà lưu niệm cho Chủ tịch Quốc hội Australia

Tại cuộc gặp, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Uông Chu Lưu đã thông báo với đoàn đại biểu quốc hội Australia tình hình phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam trong vòng 10 năm qua, đặc biệt là năm 2009. Năm 2009, mặc dù chịu tác động của khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu nhưng Việt Nam vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 5,3%, kinh tế vĩ mô cơ bản đạt được sự ổn định. Chính phủ và nhà nước Việt Nam quan tâm đến vấn đề phúc lợi và an sinh xã hội. Hiện công tác xóa đói giảm nghèo của Việt Nam đang đẩy mạnh giai đoạn hai, tập trung thực hiện cho 62 huyện nghèo nhất nước. Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cũng thông báo với đoàn đại biểu quốc hội Australia về những đổi mới và thành tích của Quốc hội Việt Nam trong những năm qua.

Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu khẳng định: “Quốc hội Việt Nam ngày càng đổi mới và năng động hơn. Chúng tôi đang tập trung vào việc hoàn thiện thể chế của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng nhà nước pháp quyền, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Trước đây, mỗi năm Quốc hội Việt Nam chỉ thông qua được 3 đến 4 luật. Năm 2009, Quốc hội Việt Nam thông qua 19 đạo luật. Tuy nhiên, so với nhu cầu phát triển kinh tế đất nước thì vẫn chưa đáp ứng đủ. Cho nên nhiệm vụ lập pháp vẫn là nhiệm vụ trọng tâm của Quốc hội trong những năm tới đây. Quốc hội Việt Nam cũng tăng cường hoạt động giám sát đối với hoạt động của Chính phủ và các cơ quan nhà nước khác. Tập trung vào giám sát sử dụng ngân sách của nhà nước, giám sát việc thực hiện phóng chống tham nhũng, cải cách hành chính”. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu lưu cũng đánh giá cao sự hỗ trợ về mặt pháp luật của Australia đối với Việt Nam trong thời gian gần đây.

Về phía Chủ tịch Quốc hội Australia Harry Jenkins MP đánh giá cao thành tích của Việt Nam trong việc phát triển kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa và xây dựng nhà nước pháp quyền. Chủ tịch quốc hội  Harry cho rằng, Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc giúp Australia gần gũi hơn với các nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Á – Thái Bình Dương. Chủ tịch Quốc hội Harry đánh giá cao vai trò quan trọng của quốc hội hai nước Australia và Việt Nam trong việc tăng cường mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa chính phủ và nhân dân hai nước.

Chủ tịch Quốc hội Australia Harry Jenkins MP cho biết, cộng đồng người Việt Nam tại Australia có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của Astralia cũng như là của Việt Nam. Đặc biệt là từ khi Việt Nam tiến hành đổi mới, cộng đồng người Việt Nam tại Australia có nhiều điều kiện hơn đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Hợp tác giữa Việt Nam và Australia trong lĩnh vực giáo dục ngày càng phát triển, hiện có khoảng 20.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Australia và hàng chục ngàn sinh viên đang theo học tại trường đại học của Australia tại Việt Nam . Những sinh viên này không những là nhân lực quan trọng cho đất nước mà còn là cầu nối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước .

Trước đó, đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã có các cuộc tiếp xúc song phương với đoàn đại biểu Quốc hội Thái Lan, Lào, Campuchia và Belarus./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên