Việt Nam nỗ lực đảm bảo quyền phụ nữ, thu hẹp khoảng cách giới

VOV.VN - Việt Nam được thế giới công nhận là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Trong những năm qua, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá đạt nhiều thành tựu trong việc bảo vệ và chăm lo cho phụ nữ và trẻ em. Nhiều vụ bạo lực trên cơ sở giới đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em được các cơ quan truyền thông và người dân phản ánh, đưa ra ánh sáng để đòi lại công bằng cho nạn nhân.

Thực hiện chiến lược Quốc gia về bình giới, thời gian qua, cơ hội việc làm trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội giữa nam và nữ bình đẳng hơn, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Việt Nam được thế giới công nhận là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Buổi sinh hoạt tại Câu lạc bộ nam giới tiên phong phòng chống bạo lực tại xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng có rất nhiều người cùng tham gia với các nội dung nhằm thay đổi nhận thức của cộng đồng về phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Được triển khai từ năm 2014 tại 3 xã thuộc huyện Hòa Phong, với sự hỗ trợ của Tổ chức UN Women, từ năm 2017 đến năm 2020, dự án được mở rộng thêm trên địa bàn 8 xã, phường thuộc quận Hải Châu và huyện Hòa Vang. Đây là điểm sáng của Liên hiệp phụ nữ thành phố Đà Nẵng trong nỗ lực huy động cộng đồng, nhất là lực lượng nam giới trong phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Sinh hoạt trong Câu lạc bộ nam giới tiên phong phòng chống báo lực từ năm 2017, ông Táng Kim, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang cho biết: “Buổi sinh hoạt có nhiều nội dung như tổ chức các trò chơi, văn hóa văn nghệ lồng ghép. Chúng tôi truyền đạt những kiến thức đã được tập huấn ở thành phố cho các thành viên trong câu lạc bộ. Khi đã được hướng dẫn và tập huấn, các thành viên nhận thức và tự tuyên truyền trong gia đình, trong xóm làng. Nên hiện tượng bạo lực ở trong xóm thôn được hạn chế rất rõ rệt”.

Nhiều mô hình hay về phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái được triển khai rộng khắp ở nhiều địa phương. Mô hình Câu lạc bộ “Hạt nhân thay đổi” ở tỉnh Điện Biên cũng đang thu hút được nhiều người bao gồm cả phụ nữ và nam giới tham gia, thay đổi nhận thức của họ, cùng chia sẻ công việc gia đình và xã hội.

Chị Nguyễn Thị Lành (Bản Kéo, xã Bá Quang, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) cho biết: “Các chương trình của Nhà nước và các dự án tuyên truyền khiến chị em cũng mạnh dạn hơn nhiều. Họ tiếp cận được các dịch vụ và dám nói ra. Do đó, tình trạng bạo lực cũng có chiều hướng giảm đi”.

Anh Lường Văn Thường (Bản Kéo, xã Bá Quang, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) bày tỏ: “Mình có sức khỏe hơn phụ nữ nên dễ chia sẻ công việc. Khi vợ vắng nhà thì mình sẽ chăm sóc con. Mình chia sẻ với nhau những công việc nhỏ nhất như thế thì mình sẽ thấy hạnh phúc hơn, vui hơn”.

Đó là hai trong những mô hình hiệu quả trong công tác bảo vệ và chăm sóc phụ nữ và trẻ em đang được triển khai tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Điện Biên, phần nào giảm bớt tình trạng bạo lực và xâm hại phụ nữ và trẻ em trong những năm gần đây. Nhiều mô hình can thiệp do Hội Liên hiệp hội phụ nữ các cấp xây dựng đã phát huy hiệu quả, hỗ trợ cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng để phụ nữ, trẻ em ứng phó với những nguy cơ mất an toàn. Mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, mô hình tư vấn giáo dục trước hôn nhân, tổ tư vấn tại cộng đồng, câu lạc bộ xây dựng gia đình 5 không 3 sạch... đã và đang phát huy hiệu quả tích cực trong công tác chăm sóc, bảo vệ và nuôi dưỡng trẻ em.

Bên cạnh đó, nhiều mô hình phát triển kinh tế, chăm lo, đồng hành hỗ trợ phụ nữ và trẻ em nghèo, yếu thế như: phong trào “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế”, “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm”; “Hũ gạo tình thương”…cũng đang phát huy hiệu quả. Mô hình “Ngôi nhà bình yên” của Liên hiệp Hội phụ nữ Việt Nam cũng đã khẳng định hiệu quả trong bảo vệ và giúp đỡ phụ nữ và trẻ em đối phó với những nguy cơ.

Bà Dương Thị Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển cho biết: “Phương pháp hoạt động của Ngôi nhà bình yên hoàn toàn dựa trên quyền của phụ nữ và trẻ em. Chúng tôi giải thích cho họ, cung cấp cho họ đầy đủ các thông tin để họ là người quyết định xem họ sẽ đến Ngôi nhà bình yên, ở trong bao lâu, họ quyết định mối quan hệ với người gây ra bạo lực với họ như thế nào; họ quyết định về sinh kế của mình ra sao để khi bước ra khỏi Ngôi nhà bình yên, họ làm chủ được cuộc sống”.

Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẳng định: Thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là chủ trương của Đảng và Nhà nước, được ghi nhận trong Hiến pháp ngay từ khi thành lập nước. Việt Nam đã hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng giới; ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện sự tiến bộ và bình đẳng của phụ nữ, như: Luật Bình đẳng giới năm 2006, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân; Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020, Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020...

Theo ông Đào Ngọc Dung, Đảng và Nhà nước vẫn kiên định mục tiêu tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

“Rõ ràng là chúng ta có tiến bộ rất lớn nhưng đóng góp nhiều ở đây là ai, đó chính là mọi người và trước hết là người phụ nữ và người chồng của người họ. Trong đó có đóng góp quan trọng của các cơ quan chuyên trách và các cơ quan của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã kiên trì, bền bỉ làm những công việc này bởi nhận thức không phải ngày một ngày hai chuyển biến được. Được như bây giờ là quá trình rất dài để tiến bộ. Bình đẳng giới ở đây chúng ta phải hiểu rằng không phải cho phụ nữ mà cho cả nam giới và điều hiệu quả nhất là cuối cùng phải làm sao để bình đẳng giới ngày càng hiện hữu trong cuộc sống của chúng ta” -Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nói.

Đánh giá về những nỗ lực của Việt Nam trong công tác bảo vệ và chăm sóc phụ nữ và trẻ em, bà Elisa Fernandez Saenz - Trưởng đại diện UN Women cho rằng: "Việt Nam đạt được tiến bộ đáng kể trong việc giảm thiểu tình trạng bạo lực đối với phụ nữ thể hiện qua nỗ lực gần đây của chính phủ trong thông qua chương trình quốc gia về phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025 và chương trình quốc gia phòng chống bạo lực gia đinh, trong tình hình mới đến năm 2030.

Bên cạnh các chương trình khác, những nỗ lực như thế này được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa cơ quan Nhà nước và các tổ chức xã hội, tăng cường lên tiếng bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Điều này sẽ góp phần bảo đảm các vụ việc liên quan đến phụ nữ, trẻ em được phát hiện, khởi tốt, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, đúng quy định của pháp luật".

Ngoài những nỗ lực của Chính phủ cùng các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế, để có thể đi đến giải quyết ngọn ngành các vấn đề do bất bình đẳng giới gây ra còn cần sự thay đổi trong quan điểm, nhận thức của mỗi người dân Việt Nam trong vấn đề bình đẳng giữa nam và nữ.

Do đó, rất cần có sự chung tay của mỗi người dân cùng phối hợp với chính quyền  hoàn thành các mục tiêu đã đề ra nhằm xây dựng một xã hội Việt Nam mà nam giới, nữ giới, trẻ em trai và trẻ em gái đều được hưởng cuộc sống bình đẳng, an toàn, góp phần phát triển Việt Nam tiến bộ, toàn diện và bền vững./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên