Việt Nam sẽ thực hiện báo cáo định kỳ về nhân quyền

Báo cáo đánh giá tổng quát định kỳ về nhân quyền đầu tiên sẽ được Việt Nam trình lên Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc vào tháng 5/2009.

Nhằm chuẩn bị tốt cho quá trình soạn thảo và bảo vệ báo cáo này, Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức cuộc hội thảo quốc tế về Hội đồng nhân quyền và Cơ chế kiểm điểm định kỳ của Liên Hợp Quốc, với sự tham gia của đại diện nhiều quốc gia, các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước nhằm tìm hiểu và chia sẻ những kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Tham gia hội thảo được tổ chức sáng 25/11, tại Hà Nội, có đại diện Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền Liên Hợp Quốc, đại diện Văn phòng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam, Thuỵ Sỹ, Philippines, Indonesia cùng nhiều tổ chức quốc tế trong và ngoài nước.

Mục đích của Hội thảo này là cung cấp cho Chính phủ Việt Nam những hướng dẫn liên quan, giúp Việt Nam chuẩn bị báo cáo Đánh giá tổng quát định kỳ đầu tiên.

Ông Jesper Morch - điều phối viên của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đã có những đánh giá tích cực về tình hình thực hiện nhân quyền tại Việt Nam. Ông Morch cho rằng: “Việt Nam đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của mình đối với việc thúc đẩy và tôn trọng quyền con người. Việt Nam đã ký hầu hết những công ước quốc tế quan trọng về quyền con người. Mới đây nhất, Việt Nam đã trở thành quốc gia thành viên thứ 118 ký Công ước về quyền của Người khuyết tật. Chính phủ cũng đang tích cực soạn thảo luật về người khuyết tật”.

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền cho người dân trên mọi mặt của cuộc sống và trên mọi miền đất nước. Việt Nam cũng đang đạt tiến bộ đáng kể tiến tới thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và Mục tiêu phát triển của quốc gia. Việt Nam đã đạt được mục tiêu giảm số hộ nghèo từ 58% trong năm 1993 xuống 16% trong năm 2006.

Đặc biệt, Việt Nam cũng đã cải thiện và mở rộng hệ thống an sinh xã hội bằng việc thông qua Luật Bảo hiểm xã hội, trong đó có những quy định về bảo hiểm thất nghiệp. Chính phủ Việt Nam đang dành một phần đáng kể sự trợ giúp xã hội cho những đối tượng cần được giúp đỡ. Liên Hợp Quốc cũng đưa ra cam kết sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện báo cáo kiểm điểm định kỳ lên Hội đồng nhân quyền. Đặc biệt, bằng cách xây dựng năng lực của Chính phủ và bằng cách cung cấp trợ giúp kỹ thuật về giám sát và báo cáo tình hình quyền con người.

Báo cáo đánh giá tổng quát định kỳ là một tiến trình, đem lại cho Việt nam cơ hội tham gia vào đối thoại nhiều ý nghĩa về nghĩa vụ thực hiện quyền con người của mình đối với cộng đồng quốc tế. Chính vì vậy, Việt Nam đánh giá cao cơ chế kiểm điểm định kỳ của Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc. Qua đó có thể đánh giá toàn diện và khách quan về tình hình thực hiện nghĩa vụ và cam kết về nhân quyền của tất cả các quốc gia trên thế giới trên tinh thần hợp tác và đối thoại trực tiếp.

Về vấn đề này, ông Jean Hubert Lebet, Đại sứ Thuỵ Sỹ tại Hà Nội nhận xét: “Từ khi có lịch nộp báo cáo, Việt Nam đã thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ đối với việc học hỏi kinh nghiệm của các nước khác trong lĩnh vực thực hiện báo cáo kiểm điểm định kỳ. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng với những cam kết đã đưa ra, Việt Nam sẽ thực hiện một báo cáo có chất lượng cao và việc tham gia vào tiến trình đối thoại quốc tế trong lĩnh vực này. Đây cũng chính là sự thể hiện quyết tâm và xu hướng hội nhập của Việt Nam”

Tại Hội thảo, Việt Nam khẳng định đã thành lập cơ chế liên ngành để chuẩn bị cho phiên báo cáo đầu tiên của mình tại Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc. Việt Nam cũng cam kết nỗ lực đóng góp tích cực vào các hoạt động chung để Hội đồng nhân quyền cũng như Cơ chế kiểm điểm định kỳ trở thành một cơ chế thành công và có tính xây dựng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên