Việt Nam tham gia tích cực, chủ động và hiệu quả hơn vào các tiến trình quốc tế
VOV.VN - Chiều nay (17/9), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lên đường tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc, kết hợp hoạt động song phương tại Hoa Kỳ và thăm chính thức Brazil, theo lời mời của Tổng thống Brazil Lula da Silva từ ngày 17-26/9.
Đoàn đại biểu chính thức cùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự hội nghị có: Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Thành; Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng; Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Hoàng Giang; Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco Hoàng Anh Tuấn.
Phiên thảo luận chung cấp cao của ĐHĐ LHQ Khóa 78 được tổ chức với chủ đề “Xây dựng lại lòng tin và thúc đẩy đoàn kết toàn cầu: Tăng cường hành động về Chương trình Nghị sự 2030 và các Mục tiêu phát triển bền vững hướng tới hòa bình, thịnh vượng, tiến bộ và bền vững cho tất cả mọi người”, hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, cục diện địa chính trị đang chuyển biến sâu sắc.
Cạnh tranh chiến lược, đối đầu nước lớn, nhất là giữa Hoa Kỳ, phương Tây và Trung Quốc, Nga ngày càng gay gắt, tác động sâu rộng đến an ninh, kinh tế, thương mại toàn cầu, đặt ra thách thức lớn đối với chủ nghĩa đa phương nói chung và LHQ nói riêng. Các điểm nóng, đặc biệt là xung đột Nga - Ukraine, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, trong khi tình hình tại khu vực Trung Đông, châu Phi, Bán đảo Triều Tiên... tiếp tục diễn biến phức tạp.
Các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, thiên tai, an ninh năng lượng và lương thực, dịch bệnh có tác động cộng hưởng và đe dọa đến sự phát triển bền vững toàn cầu, trong khi nguồn lực cho phát triển bị thiếu hụt khiến các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) được đánh giá khó đạt được vào năm 2030. Tuy nhiên, các nước đều có nhu cầu tăng cường hợp tác quốc tế để giải quyết các thách thức toàn cầu cấp bách.
Những năm gần đây, dù gặp nhiều khó khăn về năng lực và nguồn lực song LHQ tiếp tục được các nước coi trọng, có vai trò chưa thể thay thế trong quản trị toàn cầu, thúc đẩy đối thoại, hợp tác và các cam kết quốc tế trên tất cả các lĩnh vực hòa bình, an ninh, hợp tác phát triển và đảm bảo quyền con người. Đồng thời LHQ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc tạo khuôn khổ nhằm giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia, kiềm chế xung đột leo thang, định hướng phát triển tương lai toàn cầu thông qua các tiến trình tham vấn lớn.
Về phần mình Việt Nam đã xử lý cân bằng, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tăng cường vị thế của đất nước. Việt Nam ngày càng khẳng định mình là thành viên tích cực, có trách nhiệm thông qua các đóng góp hiệu quả, thực chất về mọi mặt tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt là tại LHQ, được cộng đồng quốc tế đặt nhiều kỳ vọng. Việt Nam cũng đang giữ trọng trách tại nhiều cơ chế đa phương lớn của LHQ như Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ), Hội đồng Chấp hành UNESCO, Ủy ban Luật pháp quốc tế và đã thông báo tiếp tục ứng cử vào một số cơ quan, vị trí như Hội đồng Bảo an (HĐBA), HĐNQ, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, Hội đồng Kinh tế - Xã hội, các cơ quan pháp lý quan trọng và có ứng cử viên vào vị trí Giám đốc Văn phòng khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)..
Nói về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ có thể thấy, sau 28 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm triển khai quan hệ Đối tác toàn diện, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã có những bước tiến dài, phát triển sâu rộng, thực chất, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực quan trọng và ở cả ba cấp độ song phương, khu vực và quốc tế, đóng góp tích cực cho an ninh, hòa bình, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới. Với Việt Nam, Hoa Kỳ là một trong những đối tác có tầm quan trọng chiến lược.
Hai bên đã trở thành đối tác toàn diện từ chính trị-ngoại giao, kinh tế, giáo dục, khoa học-công nghệ, đến quốc phòng-an ninh. Nhân dịp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ. Joe Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (9/2023), hai nước đã quyết định nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững. Đây là dấu mốc lịch sử quan trọng trong quan hệ hai nước.
Chuyến công tác tại Hoa Kỳ của Thủ tướng Phạm Minh Chính lần này diễn ra ngay sau chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Joe Biden, có ý nghĩa quan trọng nhằm cụ thế hóa, triển khai các thỏa thuận, cam kết đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.
Trong lần này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ thăm chính thức Brazil từ ngày 17 đến ngày 26/9/2023, theo lời mời của Tổng thống Brazil Lula da Silva.
Thời gian qua, Quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Brazil tiếp tục phát triển tích cực. Brazil là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại Mỹ La-tinh với kim ngạch thương mại năm 2022 đạt 6,78 tỉ USD, tăng 6,6% so với năm 2023. Các lĩnh vực nông nghiệp, khoa học – kỹ thuật, văn hóa, thể thao, quốc phòng được hai bên quan tâm thúc đẩy. Hai nước duy trì phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt là tại LHQ.
Tổng thống Lula da Silva có tình cảm tốt đẹp với Việt Nam, tích cực ủng hộ quan hệ Việt Nam – Blazil. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp Tổng thống Lula da Silva trong dịp dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Hiroshima, Nhật Bản hồi tháng 5/2023.
Chuyến công tác lần này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý nghĩa quan trọng, truyền tải những thông điệp lớn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đến Hoa Kỳ, Brazil và bạn bè quốc tế về một Việt Nam hòa bình, hợp tác và hội nhập, tham gia tích cực hơn, chủ động hơn và hiệu quả hơn vào các tiến trình quốc tế, đóng góp quan trọng cho quan hệ Việt Nam Liên hợp quốc, Việt Nam – Hoa Kỳ và Việt Nam - Brazil.