Việt Nam trong top 5 nước đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Campuchia

VOV.VN - Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí đứng đầu ASEAN và trong top 5 nước đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Campuchia.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia, cũng trong chiều nay (8/11), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen dự Diễn đàn xúc tiến Đầu tư và thương mại Việt Nam – Campuchia.

Sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp với Hội đồng Phát triển và Bộ Thương mại Campuchia tổ chức. Cùng dự có lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương của hai nước và đông đảo các doanh nghiệp Việt Nam, Campuchia. Việt Nam và Campuchia có mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và hợp tác toàn diện, trong đó hợp tác về đầu tư, thương mại không ngừng phát triển và đạt được nhiều dấu ấn quan trọng. Tại diễn đàn hai Thủ tướng vui mừng nhận thấy sự lạc quan và triển vọng trong hợp tác đầu tư, thương mại.

Đến nay, vốn đầu tư đăng ký sang Campuchia đạt trên 2,93 tỷ USD. Campuchia luôn duy trì vị trí thứ 2 trong 78 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam cũng tiếp tục giữ vững vị trí đứng đầu ASEAN và trong top 5 nước đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Campuchia. Hai bên đã dần đạt mức cân bằng về xuất nhập khẩu. Đặc biệt, xuất khẩu của Campuchia sang Việt Nam đã tăng mạnh trong thời gian qua. Kết quả nêu trên vừa thể hiện tính tích cực của thương mại song phương, vừa thể hiện sự phát triển không ngừng về năng lực sản xuất của Campuchia.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh của Campuchia đang được cải thiện tích cực thông qua việc ban hành Luật Đầu tư mới và Luật Đặc khu kinh tế. Cùng với đó, Campuchia đã ban hành chính sách mới về lao động nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam.

Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng trân trọng cảm ơn Chính phủ Hoàng gia Campuchia, cá nhân Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen và các Bộ, ngành của Campuchia đã quan tâm và mong muốn trong thời gian tới tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho một số doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua, trong đó có những ý kiến đã nêu ngày hôm nay, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh thuận lợi, hiệu quả.

Nhân dịp này, Thủ tướng cũng biểu dương và đánh giá cao doanh nghiệp hai nước về những nỗ lực vượt bậc trong khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách thời gian qua, đặc biệt là sự ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và đạt được những kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào củng cố và phát triển mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa Việt Nam và Campuchia.

Thủ tướng cho biết, sau hơn 35 năm đổi mới, mở cửa và hội nhập, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Quy mô nền kinh tế đạt trên 360 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người hơn 3.700 USD năm 2021; quy mô thương mại đạt 670 tỷ USD, thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do với trên 60 nước, vùng lãnh thổ trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới.

Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; quyết tâm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đủ sức chống chịu với những biến động bên ngoài và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, chủ động, thực chất, hiệu quả; lấy nội lực là cơ bản, quyết định lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá.

Trong giai đoạn phát triển mới, tình hình thế giới và khu vực dự báo có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tiếp tục tác động tới hoạt động của các doanh nghiệp hai nước. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng yêu cầu, các doanh nghiệp cần đổi mới tư duy, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, “biến nguy thành cơ”, đề ra những giải pháp quyết liệt hơn, hiệu quả hơn để tiếp tục phát triển, tạo đột phá trong hợp tác đầu tư, thương mại giữa hai nước.

Thủ tướng yêu cầu, về chiến lược, cần tăng cường tính kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế Việt Nam và Campuchia, trọng tâm là thể chế, tài chính, hạ tầng giao thông vận tải, năng lượng điện, viễn thông, du lịch,… để nâng cao năng lực nội tại nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ở mỗi nước; đồng thời chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; sớm rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực; xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân mỗi nước.

Thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau về xây dựng chính sách giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự hấp dẫn, sức cạnh tranh cao hơn trong khu vực để cùng nhau xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài có chất lượng, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Tiếp tục đẩy mạnh và phát huy hiệu quả, thực chất cơ chế hợp tác Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Campuchia; thúc đẩy việc triển khai các Thỏa thuận đã ký kết; tham mưu kịp thời, hiệu quả trong định hướng hợp tác cũng như xử lý hoặc phối hợp xử lý các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. Tích cực đẩy nhanh việc thực hiện Khung thỏa thuận về kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Campuchia đến năm 2030; khẩn trương hoàn thành Đề án “Xây dựng quy hoạch kết nối hai nền kinh tế”.

Thủ tướng cũng đề nghị các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia tập trung nguồn lực, đẩy nhanh việc thực hiện các dự án đầu tư, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng; chấp hành nghiêm pháp luật hai nước; đồng thời nêu cao trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định, bảo vệ môi trường và thực hiện chính sách an sinh xã hội, góp phần vào sự phát triển, thịnh vượng của hai nước.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường và mở rộng đầu tư hơn nữa sang Campuchia. Cộng đồng doanh nghiệp không chỉ là chủ thể của tiến trình hợp tác, mà cần đóng vai trò chủ động khởi xướng các ý tưởng mới, động lực mới trong hợp tác thương mại, đầu tư, làm phong phú hơn mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.

“Với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, một lần nữa tôi khẳng định Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để thúc đẩy các doanh nghiệp hai nước hợp tác đầu tư kinh doanh hiệu quả. Theo đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành chính sách khuyến khích phát triển kinh tế đối ngoại vùng biên giới Việt Nam - Campuchia, trong đó có các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào Việt Nam và vào Campuchia; Luật Đầu tư 2020 với các thủ tục, điều kiện ngày càng đơn giản, rõ ràng, minh bạch và thông thoáng cho nhà đầu tư vào Việt Nam và đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài”.

Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành liên quan của Việt Nam tổ chức triển khai thật tốt các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với doanh nghiệp hai nước. Đồng thời cũng mong muốn phía Campuchia có chính sách khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp hai nước trong hoạt động hợp tác đầu tư, thương mại trong thời gian tới.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam - Campuchia là tài sản vô giá của Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước. Mỗi người trong chúng ta đều có trách nhiệm gìn giữ, vun đắp cho mối quan hệ này “đơm hoa kết trái”; mỗi dự án, công trình đầu tư của doanh nghiệp hai nước không chỉ thể hiện sự hợp tác đơn thuần mà còn là nỗ lực đóng góp tích cực cho tình hữu nghị, đoàn kết Việt Nam - Campuchia. Với những định hướng mới và khuôn khổ quan hệ hợp tác trong thời kỳ mới, cùng với sự quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân hai nước, trên tinh thần tích cực, chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả, quan hệ Việt Nam - Campuchia nhất định sẽ phát triển lên tầm cao mới, vì sự phồn vinh của mỗi quốc gia, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân hai nước chúng ta”.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh, Việt Nam và Campuchia có mối quan hệ lâu đời, hữu nghị truyền thống, hợp tác tin cậy, phát triển mối quan hệ hợp tác dựa trên nguyên tắc tin cậy, ủng hộ lẫn nhau trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, đối ngoại, hợp tác song phương hai nước tiếp tục phát triển bền vững thông qua tăng trưởng của hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch. Trong chiến dịch phòng, chống dịch Covid-19, Chính phủ hai nước đã hỗ trợ lẫn nhau cả tinh thần, vật chất, trang thiết bị y tế…

Thủ tướng Hun Sen nêu rõ, lượng khách du lịch Việt Nam đến Campuchia đứng thứ hai, tăng gấp 3 lần so năm 2021. Hiện nay, có nhiều nhà đầu tư Việt Nam đầu tư vào Campuchia, nhất là nông nghiệp và viễn thông. Thủ tướng Hun Sen khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư hơn nữa vào Campuchia vào các lĩnh vực nông nghiệp hiện đại, chế biến, thực phẩm, chế tạo nhẹ. Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong ứng phó đại dịch Covid-19 đạt hiệu quả cao, giúp kinh tế Việt Nam phục hồi và phát triển nhanh.

Thủ tướng Hun Sen cho biết, Campuchia cũng phải chịu tác động của đại dịch Covid-19, cạnh tranh chiến lược, biến đổi khí hậu, khủng hoảng, xung đột trên thế giới. Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã đề ra các chính sách chiến lược và lộ trình nhằm tăng sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh của Campuchia trong thu hút đầu tư ngoài nước, tìm kiếm thêm các đối tác để mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua các hiệp định thương mại… Luật về đầu tư của Campuchia xác định đầu tư là lĩnh vực cần được ưu tiên, khuyến khích, có nhiều tiềm năng phát triển, góp phần kết nối chuỗi cung ứng của Campuchia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh, tình hình thế giới và khu vực biến đổi nhanh chóng, khó lường, nhưng rõ ràng, mối quan hệ hai nước Việt Nam - Campuchia không bao giờ thay đổi. Đại dịch Covid-19 cũng tạo cho chúng ta cơ hội mới. Cho dù kinh tế toàn cầu có thay đổi khó lường, nhưng mối quan hệ đối tác giữa hai nước luôn tốt đẹp, luôn bổ trợ lẫn nhau. Hai nước cũng nỗ lực tăng trưởng trở lại, thoát khỏi đại dịch. Thủ tướng Hun Sen cho biết đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan của Campuchia xem xét các vấn đề liên quan chính sách thuế, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trên cơ sở bảo đảm sự công bằng với các nhà đầu tư các nước ở Campuchia.

Nhân cơ hội này, Thủ tướng Hun Sen chúc mừng Việt Nam thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là thu hút các tập đoàn lớn của nước ngoài vào làm ăn; bày tỏ Campuchia mong muốn liên kết chuỗi sản xuất ô tô và điện tử, nhất là đây là chiến lược và thế mạnh của Việt Nam. Hy vọng Campuchia sẽ nhận được các dự án đầu tư để tham gia chuỗi sản xuất, trong đó có sản xuất điện tử ở Việt Nam. Thủ tướng Hun Sen nêu vấn đề hai nước cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực. Hai nước cần tăng cường hợp tác song phương bằng cách phát triển cả cơ sở hạ tầng cứng và mềm, thúc đẩy dòng chảy thương mại đầu tư. Thủ tướng Hun Sen hy vọng Campuchia sẽ thúc đẩy dự án đường cao tốc nối đến biên giới với Việt Nam để tăng cường giao lưu hàng hoá. Hai nước cần tăng cường cơ sở hạ tầng tại hành lang kinh tế phía nam để thúc đẩy du lịch.

“Tôi kêu gọi các nhà doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà đầu tư Việt Nam, những ai đã từng sang thăm Campuchia và các doanh nhân doanh nghiệp, các nhà đầu tư chưa đến Campuchia sang tìm hiểu thêm về tiềm năng cơ hội đầu tư thương mại tại Campuchia, cùng với quyết định đầu tư hợp tác để thu lợi ích tối đa từ sự hợp tác song phương và đa phương. Thay mặt Chính phủ Hoàng gia Campuchia, tôi xin đảm bảo với tất cả các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà đầu tư về môi trường thuận lợi, đặc biệt là hòa bình an ninh và ổn định chính trị, cũng như ổn định kinh tế vĩ mô, khuôn khổ pháp lý và thể chế hiệu quả”.

Trước khi dự Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã tham quan trưng bày ảnh giới thiệu đất nước, con người và quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện Việt Nam - Campuchia do Thông tấn xã Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam phối hợp thực hiện./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội kiến Chủ tịch Thượng viện Campuchia
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội kiến Chủ tịch Thượng viện Campuchia

VOV.VN - Chiều 8/11, tại Trụ sở Thượng viện Campuchia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội kiến với Chủ tịch Thượng viện Campuchia Say Chhum.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội kiến Chủ tịch Thượng viện Campuchia

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội kiến Chủ tịch Thượng viện Campuchia

VOV.VN - Chiều 8/11, tại Trụ sở Thượng viện Campuchia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội kiến với Chủ tịch Thượng viện Campuchia Say Chhum.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chào Quốc vương Campuchia
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chào Quốc vương Campuchia

VOV.VN - Chiều 8/11, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến chào Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni tại Cung điện Hoàng gia Campuchia.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chào Quốc vương Campuchia

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chào Quốc vương Campuchia

VOV.VN - Chiều 8/11, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến chào Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni tại Cung điện Hoàng gia Campuchia.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội kiến Chủ tịch Quốc hội Campuchia
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội kiến Chủ tịch Quốc hội Campuchia

VOV.VN - Chiều nay (8/11), trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin tại trụ sở Quốc hội Vương quốc Campuchia.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội kiến Chủ tịch Quốc hội Campuchia

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội kiến Chủ tịch Quốc hội Campuchia

VOV.VN - Chiều nay (8/11), trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin tại trụ sở Quốc hội Vương quốc Campuchia.

Thủ tướng Việt Nam - Campuchia nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh
Thủ tướng Việt Nam - Campuchia nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh

VOV.VN - Thủ tướng Việt Nam và Campuchia nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh, nhấn mạnh nguyên tắc không cho phép bất kỳ lực lượng thù địch nào sử dụng lãnh thổ của nước này làm phương hại đến an ninh và lợi ích của nước kia.

Thủ tướng Việt Nam - Campuchia nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh

Thủ tướng Việt Nam - Campuchia nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh

VOV.VN - Thủ tướng Việt Nam và Campuchia nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh, nhấn mạnh nguyên tắc không cho phép bất kỳ lực lượng thù địch nào sử dụng lãnh thổ của nước này làm phương hại đến an ninh và lợi ích của nước kia.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen chủ trì Lễ đón chính thức Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng Campuchia Hun Sen chủ trì Lễ đón chính thức Thủ tướng Phạm Minh Chính

VOV.VN - Đây là chuyến thăm chính thức Campuchia đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính trên cương vị Thủ tướng, cũng là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt Việt Nam đến Campuchia trong Năm hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2022. 

Thủ tướng Campuchia Hun Sen chủ trì Lễ đón chính thức Thủ tướng Phạm Minh Chính

Thủ tướng Campuchia Hun Sen chủ trì Lễ đón chính thức Thủ tướng Phạm Minh Chính

VOV.VN - Đây là chuyến thăm chính thức Campuchia đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính trên cương vị Thủ tướng, cũng là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt Việt Nam đến Campuchia trong Năm hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2022.