Việt Nam và Hoa Kỳ thúc đẩy đối tác toàn diện tin cậy, hợp tác rộng mở

VOV.VN - Trong Talk show đánh dấu 10 năm Quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam và Hoa Kỳ, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper tái khẳng định Hoa Kỳ ủng hộ một Việt Nam hùng mạnh, độc lập, thịnh vượng, kiên cường, đồng thời mong muốn thúc đẩy mối hệ đối tác toàn diện với Việt Nam lên tầm cao mới.

Dưới đây là nội dung trao đổi giữa phóng viên VOV.VN và Đại sứ Mỹ M. Knapper:

PV: Thưa đại sứ, Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao được gần ba thập kỷ và hai nước năm nay kỷ niệm tròn 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện (25/7/2013 – 25/7/2023). Vậy Đại sứ có thể chia sẻ đánh giá của mình về sự phát triển của mối quan hệ song phương trong thời gian qua được không? Lĩnh vực hợp tác nào theo đại sứ gây ấy tượng nhất cho ngài, và vì sao?

Đại sứ M. Knapper: Vâng, cảm ơn bạn rất nhiều. ngày 25 tháng 7 năm 2023, đánh dấu kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước chúng ta. Và đó thực sự là 10 năm đáng nhớ, chúng ta đã chứng kiến mối quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam phát triển sâu sắc hơn theo nhiều cách khác nhau, cho dù đó là quan hệ thương mại, đầu tư, khí hậu, năng lượng, y tế, quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật, giáo dục, ngoại giao nhân dân, hay giao lưu văn hóa.

Ví dụ như trong lĩnh vực thương mại. Trong 10 năm qua, thương mại hai chiều đã tăng lên gần 140 tỷ đô la. Một con số thật ấn tượng, đưa Hoa Kỳ lần đầu tiên trở thành đối tác thương mại số một của Việt Nam, theo một số thống kê cho thấy Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu số một của Việt Nam. Điều đó cho thấy quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ đang phát triển mạnh mẽ. Chúng ta đều có các dòng đầu tư đáng kể vào cả hai nước, ví như khoản đầu tư 4 tỉ đô la của Việt Nam (VinFast) vào Bắc Carolina, hay các dự án đầu tư của Intel hay các công ty Hoa Kỳ khác vào Việt Nam. Điều đó gửi đi một thông điệp lớn về niềm tin mà hai nước chúng ta có trong nền kinh tế của nhau. Tất nhiên khi bạn đầu tư vào một quốc gia, điều đó có nghĩa là bạn tin tưởng vào tương lai của quốc gia đó, điều đó có nghĩa là bạn tin tưởng vào sự thịnh vượng trong tương lai của quốc gia đó. Và đây chắc chắn là một thông điệp đang được gửi đi bởi cả các nhà đầu tư Hoa Kỳ và Việt Nam tại hai quốc gia.

Giáo dục cũng là một lĩnh vực hợp tác quan trọng khác. Chúng ta đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực giáo dục. Trong 10 năm qua, Việt Nam đã tăng từ vị trí thứ 8 lên vị trí thứ 5 xét về nguồn cung cấp sinh viên nước ngoài tại Hoa Kỳ. Chúng tôi hiện có khoảng 30.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Hoa Kỳ. Và đây là điều mà chúng tôi rất tự hào. Nó gửi đi một thông điệp rất mạnh mẽ, về tình hữu nghị giữa hai nước chúng ta, và về tương lai của hai nước chúng ta, bởi bạn sẽ không đầu tư vào việc giáo dục con mình ở một quốc gia trừ khi bạn tin tưởng vào quốc gia đó cũng như những gì nền giáo dục quốc gia đó mang lại. Vì vậy, chúng tôi rất vui khi những gia đình này chọn Hoa Kỳ là điểm đến để gửi con em mình đến học tập. Và điều đó gửi một thông điệp mạnh mẽ, tuyệt vời về tình hữu nghị giữa hai nước chúng ta.

Và cuối cùng, tôi muốn nói rằng chỉ trong 10 năm qua, chúng ta đã chứng kiến những tiến bộ to lớn trong hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh, như tẩy rửa tẩy rửa các vùng đất nhiễm dioxin, xử lý bom mìn chưa nổ, hỗ trợ người khuyết tật, tiếp tục tìm kiếm các quân nhân Mỹ mất tích, hay tìm kiếm binh sĩ Việt Nam mất tích trong chiến tranh. Đây là những nỗ lực rất quan trọng giúp xây dựng lòng tin và tình hữu nghị, thúc đẩy hòa giải, giúp mở đường cho tương lai.

PV: Để kỷ niệm dấu mốc 10 năm quan hệ đối tác toàn diện năm nay, hai bên đang tổ chức rất nhiều hoạt động chào mừng, trong đó có việc thúc đẩy trao đổi các chuyến thăm cấp cao. Đại sứ từng nói rằng Tổng thống J. Biden mong muốn tới thăm Việt Nam vào một thời điểm thích hợp. Liệu điều đó có xảy ra trong năm nay không, thưa ngài?

Đại sứ M. Knapper: Tôi không thể thông báo bất cứ điều gì hôm nay. Chắc chắn khi hai nhà lãnh đạo của chúng ta, Tổng thống Joe Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong, trong cuộc điện đàm đầu năm đã trao đổi lời mời đến thăm lẫn nhau. Và, đến thời điểm thích hợp cả hai bên hy vọng sẽ có điều gì đó để thông báo. Nhưng tại thời điểm này, nhìn lại sáu tháng qua, chúng tôi rất hài lòng với những cuộc tiếp xúc cấp cao mà chúng ta đã có được. Ngay từ tháng Hai vừa rồi, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Catherine Tie đã đến thăm Việt Nam. Theo sau là một loạt các chuyến thăm Việt Nam của các quan chức cấp cao Hoa Kỳ như chuyến thăm của Giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) Rochelle P. Walensky, Tổng giám đốc Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Samantha Power, Ngoại trưởng Tony Blinken, cũng như Bộ trưởng Nông nghiệp Thomas Vilsack, và mới nhất là chuyến thăm Việt Nam vào tuần trước của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen.

Bên cạnh đó, chúng tôi đã có đoàn đại biểu quốc hội cấp cao có thành viên thuộc hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đại diện cho cả Thượng viện và Hạ viện thăm Việt Nam. Và chúng tôi đã có một chuyến thăm của một phái đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ lớn nhất từ trước đến nay tới Việt Nam. Tất cả các chuyến thăm này cho thấy Hoa Kỳ quan tâm trở lại ở mức độ rất cao trong mối quan hệ với Việt Nam. Chúng cho thấy Hoa Kỳ rất tin tưởng vào tình hữu nghị với Việt Nam, và trong mong muốn làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước chúng ta.

Tất cả những gì chúng tôi làm với Việt Nam đều dựa trên niềm tin của chúng tôi vào một Việt Nam hùng mạnh, độc lập, thịnh vượng và kiên cường. Mọi việc chúng tôi làm với Việt Nam đều dựa trên niềm tin chung về toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền, tôn trọng hệ thống chính trị của nhau. Và đây là những quan điểm chung của cả hai bên, Niềm tin chung đó đã được làm sâu sắc hơn trong 10 năm qua, và tôi tin rằng trong 10 năm tới, nó sẽ tiếp tục củng cố. Chúng tôi mong đợi sẽ có nhiều chuyến thăm cấp cao hơn nữa trong thời gian tới để giúp thúc đẩy niềm tin chung này trong tương lai.

PV: Trong chiến lược Ấn Độ Đương –Thái Bình Dương được công bố năm 2021, chính quyền của Tổng thống Biden mong muốn tăng cường quan hệ với các đối tác khu vực, trong đó có Việt Nam. Vậy tại sao Việt Nam lại được lựa chọn là một trong đối tác của Hoa Kỳ để thực hiện chiến lược trên? Việt Nam có vị trí như thế nào trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ?

Đại sứ M Knapper: Vâng, tôi nghĩ rằng đó là một câu hỏi thú vị. Và không phải ngẫu nhiên, nếu bạn nhìn vào Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền Biden, bạn sẽ thấy rằng một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở sẽ tập trung rất nhiều vào việc xây dựng kết nối trong khu vực, nhằm tạo ra sự thịnh vượng, thúc đẩy an ninh, thúc đẩy khả năng phục hồi khi đối mặt với các thách thức toàn cầu, chẳng hạn như đại dịch COVID 19 gần đây hoặc biến đổi khí hậu. Tất cả những lĩnh vực mà chúng tôi coi là trọng tâm ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chúng tôi cũng coi là những lĩnh vực trọng tâm trong mối quan hệ của chúng tôi với Việt Nam.

Với Việt Nam, như tôi đã nói, chúng tôi muốn một Việt Nam hùng mạnh, thịnh vượng, độc lập, tự cường, và những điều này sẽ được thúc đẩy bởi chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Chúng tôi hợp tác rất chặt chẽ với Việt Nam vì các lợi ích chung của chúng ta, cho dù đó là hợp tác sông Mekong, hay ở Biển Đông. Chúng tôi chia sẻ với Việt Nam mong muốn rằng các quốc gia trong và xung quanh Biển Đông không bị cưỡng bức, tiếp tục giao lưu thương mại và đi lại, có tự do hàng hải, tự do hàng không không bị cưỡng bức, và họ có thể quyết định tương lai của mình, cho dù đó là tương lai năng lượng hay tương lai thương mại hoặc đầu tư. Và đây là tất cả các lĩnh vực mà Hoa Kỳ và Việt Nam đồng quan điểm, và chúng tôi tin tưởng rất mạnh mẽ vào Hiến chương Liên Hợp Quốc trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Và chúng tôi thường xuyên làm việc với bạn bè và đối tác của chúng tôi tại Hà Nội về các vấn đề liên quan đến các lĩnh vực quan trọng này. Vai trò của Việt Nam trong khu vực là nổi bật nhưng cũng mang tính toàn cầu. Việt Nam ngày càng đóng vai trò toàn cầu mà chúng tôi có thể hỗ trợ bất cứ khi nào có thể, ví dụ như lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam tại Nam Sudan. Đây là điều mà chúng tôi đã thực hiện với quân đội Việt Nam giúp đào tạo binh sĩ tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình. Trong chuyến thăm Việt Nam (năm ngoái), Phó Tổng thống Kamala Harris cũng đã công nhận Việt Nam có vai trò hàng đầu trong khu vực. Bà đã khởi động Văn phòng Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ khu vực (CDC) tại Hà Nội, mà tôi nghĩ một lần nữa phản ánh mạnh mẽ niềm tin của chúng tôi về vai trò y tế mạnh mẽ của Việt Nam trong hợp tác y tế với Hoa Kỳ.

Với Việt Nam, chúng ta nhận thấy đây một đối tác ngày càng nổi bật, không chỉ trong khu vực mà còn trên bình diện toàn cầu. Và chúng tôi nhận thấy điều này khi Việt Nam đăng cai tổ chức APEC năm 2017, khi tham gia Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm nhiệm kỳ 2020-2021, hay khi Việt Nam làm chủ tịch ASEAN vài năm trước. Tất cả những điều này phản ánh vị thế và vai trò dẫn dắt ngày càng tăng của Việt Nam, không chỉ trong khu vực mà trên toàn cầu. Và đó là điều mà chúng tôi rất ủng hộ và muốn giúp tiếp tục thúc đẩy.

PV: Thưa đại sứ, trong các cuộc gặp gỡ và tiếp xúc cấp cao trước đây, cả hai bên đều dồng ý khép lại quá khứ và hướng về tương lại. Điều gì đã đưa hai nước xích lại gần nhau? Hoa Kỳ cam kết giúp Việt Nam chữa lành vết thương chiến tranh, và Việt Nam cũng cam kết giúp Hoa Kỳ trong vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam. Đánh giá của Đại sứ về hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này thế nào?

Đại sứ M. Knapper: Sự hợp tác của chúng ta trong việc giải quyết các vấn đề chiến tranh thậm chí còn có trước cả quá trình bình thường hóa quan hẹ hai nước. Hai nước bình thường hóa quan hệ hơn 20 năm trước, nhưng trên thực tế, hai nước đã làm việc cùng nhau trong việc tìm kiếm quân nhân mất tích từ rất lâu rồi. Chúng ta vừa mới kỷ niệm 35 năm hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam về vấn đề này. Đó là một nỗ lực hợp tác mà chúng tôi, nước Mỹ và người dân Mỹ vô cùng biết ơn. Và tôi nghĩ đó là những nỗ lực hướng tới hòa giải. Đó là công việc tẩy sạch vùng đất nhiễm dioxin. Chúng tôi đã làm sạch thành công một phần của sân bay Đà Nẵng, cho phép sân bay mở rộng vùng tiếp đón máy bay, và không những thế còn làm sạch một số khu vực đất cộng đồng xung quanh, cho phép sử dụng khu vực đó vào mục đích phát triển kinh tế và các mục đích khác. Và tất nhiên, sau Đà Nẵng, chúng tôi hiện đang làm việc và cũng rất nóng lòng triển khai dự án tương tự đối với sân bay Biên Hòa. Chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến sự hợp tác đó thông qua việc xử lý dioxin và bom mìn chưa nổ ở tám tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề miền Trung Việt Nam. Đây là những lĩnh vực được tập trung rất nhiều.

Giờ đây, nỗ lực mới của chúng tôi như Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd James Austin công bố trong chuyến thăm Việt Nam năm 2021 là bắt đầu hợp tác chặt chẽ với phía Việt Nam để tìm kiếm những người Việt Nam mất tích. Nỗ lực này gồm hai phần. Phần đầu tiên là nghiên cứu lưu trữ thông qua làm việc với các nhà sử học Việt Nam, các nhà lưu trữ và những người khác để tạo điều kiện tiếp cận hồ sơ, tài liệu lưu trữ của Hoa Kỳ, trong đó có thể có thông tin về nơi thường dân và quân nhân Việt Nam mất tích trong chiến tranh. Phần thứ hai, ngoài nghiên cứu, là xác định hài cốt sau khi được tìm thấy, và điều này tất nhiên phụ thuộc vào kỹ thuật phân tích DNA tiên tiến. Hoa Kỳ đang làm việc trong cả hai lĩnh vực này (nghiên cứu tài liệu lưu trữ và phân tích DNA) để hy vọng mang lại sự an ủi, gần gũi cho các gia đình Việt Nam, cũng giống như những nỗ lực nhân đạo mà phía Việt Nam đã thực hiện cho hơn 700 gia đình người Mỹ. Đây là vấn đề nền tảng của hai quốc gia chúng ta trong nỗ lực giải quyết các vấn đề liên quan đến quá khứ. Hy vọng bằng cách xây dựng lòng tin, thúc đẩy hòa giải, chúng ta đang mở đường cho quá trình này ngày hôm nay và sẽ tiếp tục như vậy trong những năm tới.

PV: Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) do Hoa Kỳ dẫn dắt được coi là một sáng kiến kết nối kinh tế mới. Đại diện thương mại Hoa Kỳ Katherin Tai, trong chuyến công du của bà tới Việt Nam đầu năm nay, khẳng định Việt Nam có vai trò quan trọng trong sáng kiến này, là cầu nối giữa Hoa Kỳ và ASEAN, một khu vực phát triển kinh tế năng động của thế giới. Tại sao Hoa Kỳ lại có quan điểm này, thưa Đại sứ, và Việt Nam có lợi ích gì nếu tham gia vào sáng kiến này? Triển vọng của sáng kiến này sẽ đi đến đâu?

Đại sứ M. Knapper: Vâng, chúng tôi đã rất, rất hài lòng. Tháng 5 năm ngoái, Việt Nam được chọn là một trong 14 quốc gia thành viên sáng lập của IPEF – một sáng kiến tìm cách thúc đẩy thịnh vượng và thương mại trong một số lĩnh vực, cho dù đó là thúc đẩy chuỗi cung ứng bền vững, tập trung vào cơ sở hạ tầng xanh, thúc đẩy năng lượng sạch và cả các nỗ lực chống tham nhũng. Ví dụ như chuỗi cung ứng chẳng hạn, chắc chắn, Hoa Kỳ rất tin tưởng vào việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng khiến chúng trở nên linh hoạt hơn. Chúng tôi thấy rằng Việt Nam là một điểm nhấn quan trọng trong chuỗi cung ứng đi khắp thế giới, cho dù đó là sản phẩm bán dẫn hay các mặt hàng sản xuất khác.

Đây là điều mà chúng tôi tin tưởng IPEF có thể giúp thúc đẩy quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng như cách mà Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen đề cập trong chuyến thăm Việt Nam vào tuần trước. Bà đề cập ý tưởng friendshoring (sản xuất tại các quốc gia bằng hữu) nhằm thúc đẩy chuỗi cung ứng mở rộng, đa dạng, linh hoạt hơn giữa các quốc gia như Việt Nam nơi có cùng quan điểm với chúng tôi về tầm quan trọng của một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở trong thương mại, không bị rào cản và không bị ép buộc. Vì vậy, chúng tôi tin rằng, với IPEF thông qua việc thúc đẩy khả năng phục hồi và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, có thể giúp thúc đẩy sự thịnh vượng tại Việt Nam. Và đó là điều chắc chắn chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới. Chúng tôi có một mốc thời gian đầy tham vọng và chúng tôi tin là hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu.

Tôi nghĩ, không chỉ Hoa Kỳ Việt Nam, mà các quốc gia tham gia khác đều có chung quan điểm về cách thúc đẩy thịnh vượng, tăng cường thương mại và đầu tư giữa các quốc gia, có lợi cho các nhà sản xuất, người tiêu dùng, và ngay cả nông dân và những người khác. Chúng tôi tin tưởng rằng nỗ lực đó sẽ mang lại thành công, thúc đẩy sự thịnh vượng cho tất cả chúng ta.

PV: Việt Nam đã cam kết trung hòa carbon vào năm 2050. Việt Nam đã ký thỏa thuận ĐỐi tac chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với nhóm các nước công nghiệp G7, trong đó có Hoa Kỳ, trong một nỗ lực để hiện thực hóa cam kết COP26. Là một nước đang phát triển nhưng có nguồn lực còn hạn chế, Việt Nam, bên cạnh nguồn lực trong nước, rất cần sự hỗ trợ quốc tế, bao gồm cả về tài chính và chuyển giao công nghệ. Với thế mạnh của mình, Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Việt Nam như thế nào trong lĩnh vực này, thưa Đại sứ?

Đại sứ M, Knapper: Một lần nữa, đây là điều mà chúng tôi rất vui mừng khi Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 Glasgow (Scotland) năm 2021 đã đưa ra cam kết mạnh mẽ là phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050. Vì vậy, chúng tôi cam kết hợp tác với Việt Nam, cũng như nhiều đối tác của chúng tôi trong cộng đồng quốc tế, để giúp Việt Nam đạt được mục tiêu này. Nếu tôi nhớ không nhầm thì vào tháng 12 năm ngoái nhóm các nước G7 trong đó có EU, Vương quốc Anh, tất nhiên Hoa Kỳ, khởi động Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) cùng với Việt Nam. Đây là điều mà chúng tôi rất vui mừng được làm việc với Việt Nam. Cho đến nay Hoa Kỳ đã hợp tác rất chặt chẽ với Việt Nam về các mục tiêu chuyển đổi năng lượng và năng lượng sạch. Ví dụ, chính phủ Hoa Kỳ thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ đã có một chương trình gọi là Chương trình năng lượng phát thải thấp V-leep trị giá 36 triệu đô la cho cả phần một và phần hai để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch ở Việt Nam. Chương trình này sẽ giúp chúng tôi hy vọng chuyển đổi Việt Nam từ việc sử dụng than đá sang các nguồn tái tạo như năng lượng mặt trời.

Quay trở lại với JETP, một trong những trụ cột của JETP là chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, năng lượng sạch, và do đó bạn sẽ thấy thêm nhiều nỗ lực hơn nữa sẽ được thực hiện theo trụ cột này, giống như cách chúng tôi làm việc với phía Việt Nam. Đó là việc cam kết quốc tế trị giá 15,5 tỉ đô la để thực hiện JETP. Đây là một nỗ lực thực sự đáng kể để biến mục tiêu của JETP thành hiện thực. Chúng tôi tự hào về sự hợp tác của chúng tôi với Việt Nam. Kể từ khi tôi ở đây hơn một năm rưỡi qua, tôi đã có dịp chứng kiến hai lần ông John Kerry, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về Khí hậu, tới thăm Việt Nam. Ông ấy đang hợp tác rất chặt chẽ với các đối tác Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi này. Chúng tôi tin rằng, cam kết của chúng tôi là vững chắc, cho dù đó là cam kết tài chính, là nguồn nhân lực, là kỹ thuật, công nghệ, đây đều là những lĩnh vực, chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể hợp tác rất chặt chẽ với Việt Nam. Thực sự để hiện thực hóa JETP là rất tham vọng, nhưng mục tiêu cuối cùng vẫn là đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

PV: Thưa đại sứ, trong các cuộc gặp gỡ và tiếp xúc cấp cao trước đây, hai bên có đề cập tới khả năng tiếp tục nâng cấp quan hệ song phương thành đối tác chiến lược toàn diện trong bối cảnh khu vực và thế giới luôn có nhiều bất ổn. Đai sứ cũng từng đề cập tới vấn đề này khi quay trở lại Việt Nam, với hy vọng điều đó có thể trở thành hiện thực trong nhiệm kỳ này của Ngài. Vậy Đại sứ có thể cho biết thêm về khả năng này được không? Và mục tiêu ấy liệu có trở thành hiện thực trong tương lai gần?

Đại sứ M. Knapper: Đây là điều mà chúng ta chắc chắn đã từng công khai đề cập đến. Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2021, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đã đề cập mong muốn nâng cấp mối quan hệ hai nước từ quan hệ đối tác toàn diện lên cấp độ tiếp theo. Thẳng thắn mà nói thì những gì mà chúng ta đang thực hiện trong quan hệ hai nước về cơ bản đang mang tính chiến lược. Nhưng chúng tôi cũng hy vọng rằng bằng cách thực hiện nâng cấp này sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn nữa cho sự hợp tác thậm chí còn lớn hơn ở những lĩnh vực hiện có hoặc sự hợp tác mới trong các lĩnh vực chưa được khám phá từ trước đến nay. Đây rõ ràng là vấn đề giữa hai chính phủ. Và điều này đã được đề cập tới trong cuộc điện đàm vào ngày 29 tháng 3 năm nay giữa Tổng thống Hoa kỳ Biden và Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, yêu cầu chính phủ hai bên sớm bàn thảo vấn đề này. Và đó là những gì chúng tôi đang làm. Chúng tôi rất vui mừng về khả năng mở rộng hơn nữa sự hợp tác giữa hai nước chúng ta. Nếu nhìn vào những gì hai nước đã và đang thực hiện thì điều đó cũng thật hợp lý. Bạn biết đấy, chúng ta đã được hưởng lợi trong nhiều năm qua từ các chuyến thăm cấp cao lẫn nhau, giúp tạo điều kiện phát triển mối quan hệ hai nước. Và chắc chắn, đây là điều mà tôi mong đợi sẽ tiếp tục trong tương lai.

PV: Hiện có khoảng hơn 2 triệu người Việt Nam (theo số liệu của Hoa Kỳ và thực tế có thể lớn hơn) đang sinh sống, làm việc và học tập tại Hoa Kỳ, và là cộng đồng người Việt Nam lớn nhất tại nước ngoài. Đại sứ đánh giá như thế nào về vai trò của họ tại Hoa Kỳ, cũng như vai trò của họ trong việc thức đẩy quan hệ song phương giữa Việt Nam và hoa Kỳ? Ngài có kỳ vọng gì về cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ?

Đại sứ M, Knapper: Nếu bạn nhìn vào tất cả những gì mà hai nước chúng ta làm cùng nhau, cho dù đó là đầu tư thương mại, là hợp tác quốc phòng, an ninh, khí hậu, năng lượng, chúng chỉ có thể thực hiện được thông qua sự hiểu biết lẫn nhau, và thông qua những “cầu nối” được xây dựng hàng ngày. Những nhịp cầu nối đó, không chỉ đươc xây bởi những cá nhân như tôi ở Hà Nội, hay những người đồng cấp của tôi ở Washington, mà còn được thúc đẩy thông qua cộng đồng người Mỹ gốc Việt của chúng ta và công việc tuyệt vời mà họ làm, giúp thúc đẩy sự hiểu biết về Việt Nam, văn hóa Việt Nam.

Tại Hoa Kỳ, chúng tôi có rất nhiều người Mỹ gốc Việt đang làm những công việc khác nhau, từ các chuyên gia tới những người trong giới nghệ thuật, và họ mỗi ngày giúp phần xây những nhịp cầu nối, đặt nền tảng cho sự hiểu biết nhiều hơn giữa hai nước. Chính nhờ sự hiểu biết này mà chúng ta mới có thể làm tất cả những điều tuyệt vời mà chúng ta đang làm cùng nhau với tư cách là các quốc gia. Vì vậy tôi rất tự hào khi thấy nhiều người Mỹ gốc Việt đã quay trở lại Việt Nam như một phần của Chương trình Fulbright hay Tổ chức Hòa bình để giảng dạy tiếng Anh, và chính sự hiểu biết thông qua việc xây những nhịp cầu ấy thực sự giúp phát triển mối quan hệ của chúng ta. Thực tế là Hoa kỳ đón số lượng thanh niên Việt Nam đang học tập tại Hoa Kỳ ngày càng tăng, chúng ta có hơn 30.000 người Việt Nam đang học tập tại các tổ chức, cơ sở giáo dục đại học của Hoa Kỳ. Và chính họ, không ai khác, ngày này qua ngày khác, quảng bá về văn hóa Việt Nam và lịch sử Việt Nam, giúp xây dựng sự hiểu biết và thông qua sự hiểu biết này, hai nước chúng ta có thể làm tất cả những điều tuyệt vời mà chúng ta làm cùng nhau ngày nay.

PV: Với hơn một năm rưỡi sống và làm việc tại Việt Nam trong nhiệm kỳ này, Đại sứ chắc hẳn đã đi nhiều nơi, thực hiện nhiều dự án, gặp gỡ nhiều tầng lớp người, thưởng thức các món ăn hay trải nghiệm văn hóa Việt Nam. Điều gì gây ấn tượng với Đại sứ nhất? Đại sứ kỳ vong gì ở Việt Nam? cũng như quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ?

Đại sứ M. Knapper: Vâng, bạn nói đúng, tôi đã may mắn có dịp làm việc tại Việt Nam và một phần của công việc này là có thể đi khắp nơi và khám phá những vùng đất khác nhau của Việt Nam, những địa điểm mới mà tôi chưa từng đến trong thời gian trước đây của tôi ở đây 15 năm trước. Thật khó mà nói nếu tôi thích nhất điều gì ở đây. Ý tôi là có quá nhiều sự đa dạng và phong phú ở đây, dù là ẩm thực, dù là về phong cảnh, hay những nền văn hóa khác nhau. Tôi đã may mắn được đi du lịch, lên phía bắc đến Lào Cai, tôi đã xuống đồng bằng sông Cửu Long, tôi đã đi gần như mọi nơi giữa hai đầu đất nước. Và điều luôn gây ấn tượng với tôi, tất nhiên nó không hề thay đổi kể từ khi tôi đến đây trước đây, đó chỉ là sự nồng hậu và lòng hiếu khách của người Việt Nam luôn chào đón, luôn sẵn sàng chia sẻ nền văn hóa của mình. Với tư cách là một người Mỹ, đặc biệt là với tư cách là đại sứ Mỹ tại đây, điều đó đã giúp tôi hiểu rõ hơn về đất nước của các bạn, và hy vọng rằng thông qua sự hiểu biết đó sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước chúng ta.

Bạn biết đấy, cả Hoa Kỳ và Việt Nam, mặc dù chúng ta có chung một quá khứ đau thương, nhưng có rất nhiều điều đã kéo chúng ta xích lại gần nhau và trở thành đối tác tự nhiên của nhau. Điều đó có được thông qua sự kết nối của cộng đồng người Mỹ gốc Việt, sinh viên Việt Nam đang học tập tại Hoa Kỳ, các kế hoạch đầu tư cảu các doanh nghiệp Việt Nam ở Mỹ hay các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam, hay khách du lịch Việt Nam tới Mỹ và ngược lại. Tôi nghĩ, chính sự hiểu biết gần gũi đưa chúng ta thành đối tác tự nhiên, bạn bè tự nhiên, và tôi hy vọng tình hữu nghị và sự hợp tác này sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai. Và chắc chắn mục tiêu của tôi, với tư cách là đại sứ ở đây là tìm cách tiếp tục làm sâu sắc thêm tình hữu nghị này, xây dựng sự hiểu biết và phát triển mối quan hệ đối tác này. Bởi thẳng thắn mà nói, đây là mối quan hệ đối tác có ý nghĩa đối với hai quốc gia chúng ta, sự thịnh vượng trong tương lai, với hạnh phúc, an ninh và ổn định của nhân dân hai nước chúng ta. Và đó là cam kết của tôi khi tôi ở đây và chắc chắn là điều mà tôi cố gắng tiếp tục lâu nhất có thể.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

10 năm đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ: Dư địa hợp tác song phương còn rất lớn
10 năm đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ: Dư địa hợp tác song phương còn rất lớn

VOV.VN - Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng: "Tôi tin rằng hai nước chúng ta vẫn sẽ tiếp tục phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực nhưng trong đó từng lĩnh vực sẽ có những ưu tiên khác nhau phù hợp với từng thời kỳ, từng giai đoạn, cũng như những ưu tiên của mỗi nước".

10 năm đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ: Dư địa hợp tác song phương còn rất lớn

10 năm đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ: Dư địa hợp tác song phương còn rất lớn

VOV.VN - Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng: "Tôi tin rằng hai nước chúng ta vẫn sẽ tiếp tục phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực nhưng trong đó từng lĩnh vực sẽ có những ưu tiên khác nhau phù hợp với từng thời kỳ, từng giai đoạn, cũng như những ưu tiên của mỗi nước".

Lãnh đạo Việt Nam gửi điện chúc mừng Quốc khánh Hoa Kỳ
Lãnh đạo Việt Nam gửi điện chúc mừng Quốc khánh Hoa Kỳ

VOV.VN - Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi điện mừng tới Tổng thống Joe Biden nhân dịp quốc khánh Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

Lãnh đạo Việt Nam gửi điện chúc mừng Quốc khánh Hoa Kỳ

Lãnh đạo Việt Nam gửi điện chúc mừng Quốc khánh Hoa Kỳ

VOV.VN - Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi điện mừng tới Tổng thống Joe Biden nhân dịp quốc khánh Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

"Hoa Kỳ coi Việt Nam là một trong những đối tác then chốt trong khu vực"
"Hoa Kỳ coi Việt Nam là một trong những đối tác then chốt trong khu vực"

VOV.VN - Từ ngày 28/6 đến ngày 2/7, theo lời mời của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Đoàn đại biểu Ban Đối ngoại Trung ương do ông Lê Hoài Trung, Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban dẫn đầu đã thăm, làm việc tại Hoa Kỳ.

"Hoa Kỳ coi Việt Nam là một trong những đối tác then chốt trong khu vực"

"Hoa Kỳ coi Việt Nam là một trong những đối tác then chốt trong khu vực"

VOV.VN - Từ ngày 28/6 đến ngày 2/7, theo lời mời của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Đoàn đại biểu Ban Đối ngoại Trung ương do ông Lê Hoài Trung, Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban dẫn đầu đã thăm, làm việc tại Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Tô Lâm tiếp Đại sứ  Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper
Bộ trưởng Tô Lâm tiếp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper

VOV.VN - Bộ Công an Việt Nam đánh giá cao kết quả hợp tác giữa các cơ quan chức năng hai nước trong lĩnh vực an ninh mạng; cảm ơn phía Hoa Kỳ luôn chia sẻ với Bộ Công an Việt Nam về việc đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trên không gian mạng, nhất là bảo mật thông tin, dữ liệu số, phòng, chống tin xấu, độc và ngăn chặn, đấu tranh với các loại tội phạm mạng.

Bộ trưởng Tô Lâm tiếp Đại sứ  Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper

Bộ trưởng Tô Lâm tiếp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper

VOV.VN - Bộ Công an Việt Nam đánh giá cao kết quả hợp tác giữa các cơ quan chức năng hai nước trong lĩnh vực an ninh mạng; cảm ơn phía Hoa Kỳ luôn chia sẻ với Bộ Công an Việt Nam về việc đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trên không gian mạng, nhất là bảo mật thông tin, dữ liệu số, phòng, chống tin xấu, độc và ngăn chặn, đấu tranh với các loại tội phạm mạng.

Đoàn tàu sân bay Hải quân Hoa Kỳ cập cảng Đà Nẵng, bắt đầu thăm Việt Nam 5 ngày
Đoàn tàu sân bay Hải quân Hoa Kỳ cập cảng Đà Nẵng, bắt đầu thăm Việt Nam 5 ngày

VOV.VN - 14 giờ chiều nay (25/6), Đoàn tàu Hải quân Hoa Kỳ gồm tàu sân bay USS Ronald Reagan cùng 02 tàu tuần dương hộ tống là tàu USS Antietam – CG 54 và tàu USS Robert Smalls – CG 62 đã cập cảng Tiên Sa, thành phố Đà Nẵng, bắt đầu chuyến thăm 5 ngày tại Việt Nam (từ ngày 25 đến 30/6)

Đoàn tàu sân bay Hải quân Hoa Kỳ cập cảng Đà Nẵng, bắt đầu thăm Việt Nam 5 ngày

Đoàn tàu sân bay Hải quân Hoa Kỳ cập cảng Đà Nẵng, bắt đầu thăm Việt Nam 5 ngày

VOV.VN - 14 giờ chiều nay (25/6), Đoàn tàu Hải quân Hoa Kỳ gồm tàu sân bay USS Ronald Reagan cùng 02 tàu tuần dương hộ tống là tàu USS Antietam – CG 54 và tàu USS Robert Smalls – CG 62 đã cập cảng Tiên Sa, thành phố Đà Nẵng, bắt đầu chuyến thăm 5 ngày tại Việt Nam (từ ngày 25 đến 30/6)