40 năm giữ gìn thi hài Bác:

Vinh quang con đứng bên Người

Sự nghiệp giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh tới nay đã trải qua 40 năm. Đây là một nhiệm vụ đặc biệt thiêng liêng, chưa có tiền lệ ở Việt Nam.

Với mỗi người dân Việt Nam nói riêng và bạn bè quốc tế nói chung, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kiệt xuất, Anh hùng giải phóng dân tộc, người chiến sĩ cộng sản quốc tế lỗi lạc, Danh nhân văn hoá của nhân loại tuy đã đi xa song hình ảnh của Người luôn giản dị và gần gũi, hiện hữu trong mỗi người dân. Với tấm lòng kính yêu vô hạn và nhớ ơn Người, theo ý nguyện thiết tha của toàn Đảng, toàn dân, khi Người qua đời, Đảng và Nhà nước đã quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Bác và xây dựng Lăng của Người.

Kể từ đó sự nghiệp giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh tới nay đã trải qua 40 năm. Đây là một nhiệm vụ đặc biệt thiêng liêng, chưa có tiền lệ ở Việt Nam.

Theo ý kiến đánh giá của Hội đồng khoa học quốc gia Việt – Nga, trạng thái thi hài Bác hiện nay rất tốt. Nhưng đối với tập thể cán bộ chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch  Hồ Chí Minh, nói tới chiến công chung này phải nhắc tới những đóng góp của toàn Đảng, toàn dân sự giúp đỡ chân tình của các nước bạn bè quốc tế, trong đó trước tiên là sự chủ động chỉ đạo sớm của Trung ương quyết định tổ chức giữ gìn thi hài Bác đã giúp thuận lợi rất nhiều cho thành công sau này.

Theo Đại tá - Tiến sĩ Vũ Văn Bình, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn 69 có vinh dự được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng đặt trọn niềm tin thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt này. Đến năm 1975, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh khánh thành, Bộ Tư lệnh Lăng được thành lập mà tiền thân chính là Đoàn 69.

Đại tá- Tiến sĩ Vũ Văn Bình

Đóng góp lao động trí tuệ có hiệu quả của Đoàn 69, đặc biệt trong 6 năm chiến tranh từ (1969-1975) là hết sức lớn lao. Để giữ gìn tuyệt đối an toàn thi hài Bác, Đoàn 69 đã phải sơ tán đến 6 vị trí khác nhau. Thời kỳ này đồng cam cộng khổ còn có các bạn chuyên gia Liên Xô. Trong điều kiện tại các nơi sơ tán cực kỳ khó khăn nhưng yêu cầu của công tác này là dù ở điều kiện nào cũng phải tuyệt đối an toàn, không được để xảy ra sơ suất dù nhỏ. Vì thế, tập thể Đoàn 69 với các tổ y tế, tổ đảm bảo kỹ thuật, nhất là lực lượng bảo vệ an ninh và lực lượng hậu cần bảo đảm đời sống chung cho anh em làm nhiệm vụ đã có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng thời phát huy yếu tố tự chủ của mình, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cũng ngay từ thời đó, thế hệ các cán bộ tiền bối của Đoàn 69 đã bước đầu tạo dựng nên truyền thống của Bộ Tư lệnh mà gần đây được Đảng uỷ Bộ Tư lệnh đúc kết thành truyền thống “Trung hiếu vẹn toàn, đoàn kết hiệp đồng, tự lực tự cường, chủ động sáng tạo”.

Tự lập tự chủ- thành tựu kỳ diệu

Theo Đại tá- Tiến sĩ Vũ Văn Bình thành tựu kỳ diệu trong việc gìn giữ thi hài Bác chính nhờ ngay từ những tháng năm đầu, các cán bộ Đoàn 69 nghĩ tới việc “độc lập, tự chủ” nên đã có sự chuẩn bị để từng bước làm chủ khoa học công nghệ.

Chính vì vậy, thời điểm năm 1991-1992, khi không còn sự giúp đỡ trực tiếp của các chuyên gia Nga, ta đã chủ động trong việc giữ gìn thi hài Bác an toàn. Đến năm 1995, ta đã hoàn toàn đủ khả năng bảo quản mà không cần có chuyên gia thường xuyên ở Việt Nam. Một yếu tố quan trọng khác là dung dịch pha chế bảo quản thi hài Bác. Trước đây công việc này thực hiện theo công nghệ, quy chế của bạn được bàn giao cho chúng ta. Nhưng việc bàn giao này mang tính chất cơ học về số lượng, còn về thành phần hoá học, bản chất, tác dụng của dung dịch chúng ta chưa nắm hết được. Vì thế, chưa thể tự pha chế, hàng năm vẫn phải mua dung dịch vận chuyển từ Moscow về Hà Nội. Với việc thúc đẩy hợp tác nghiên cứu khoa học với Viện Lăng Lê Nin (Nga), các chuyên gia Việt Nam đã nhanh chóng nắm bắt được công nghệ này. Song song với việc đó chúng ta tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất, đặc biệt là việc nâng cấp các phòng thí nghiệm của Viện 69. Qua đó, chúng ta đã từng bước thuyết phục các chuyên gia của Viện Lăng Lê Nin thống nhất đồng ý chuyển giao toàn bộ công nghệ pha chế dung dịch bảo quản thi hài Bác. Vào năm 2004, dung dịch bảo quản thi hài Bác đã được pha chế ngay tại Hà Nội. Đây là dấu ấn, bước ngoặt rất quan trọng trong sự nghiệp giữ gìn thi hài Bác.

Theo Đại tá- Tiến sĩ Vũ Văn Bình: “Bác Hồ là của chúng ta, chúng ta phải giữ gìn cẩn thận thi hài Người”. Câu nói rất đỗi bình dị này dường như đã ngấm vào máu từng cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác. Với tinh thần “tự lực, tự cường”, tất cả quyết tâm bắt tay vào nghiên cứu làm chủ công nghệ khoa học này, ngay từ thời kỳ khó khăn nhất. Điêù này được thể hiện rõ trong suốt quá trình từ khi “tổ công tác đặc biệt” đầu tiên được cử đi học năm 1967 đến nay, tạo cơ sở khoa học vững chắc để chúng ta có thể chủ động trong mọi tình huống. Thể hiện rõ nhất là thời kỳ năm 1991 khi Liên Xô tan rã. Lúc đó, mối quan hệ hợp tác giữa Liên Xô và Việt Nam đã có sự thay đổi so với trước. Trước đây, các bạn Liên Xô hoàn toàn trực tiếp giúp ta (Luôn có 3 chuyên gia thường xuyên ở Lăng Bác). Mọi điều kiện vật chất, hoá chất, trang thiết bị đều do bạn cung cấp. Đến thời kỳ này, do điều kiện chính trị nên các chuyên gia phía bạn 4 lần không sang được, lần dài nhất khoảng 5 tháng. Chúng ta vẫn vững vàng giữ gìn thi hài Bác ổn định và vẫn phục vụ nhân dân đến thăm viếng Bác như khi có chuyên gia Liên Xô đang có mặt tại Hà Nội. “Khi ấy chuyên gia Nga đã rất ngạc nhiên khi thấy trạng thái thi hài Bác vẫn rất ổn định”, ông Bình nhớ lại. Đây được cho là bước ngoặt ấn tượng của cán bộ y tế Việt Nam. Có được sự thành công này là cả một quá trình chủ động chuẩn bị lâu dài để không bị lúng túng bất ngờ. Trong bối cảnh ngành khoa học này ở Việt Nam còn rất non trẻ. Trong khi đây là một ngành khoa học, một sự nghiệp khoa học lâu dài không thể chỉ vài ba năm có thể làm chủ được.

Trung hiếu vẹn toàn

40 năm qua, có rất nhiều tấm gương tiêu biểu gắn bó cuộc đời mình với nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác, đặc biệt là những cán bộ tiền bối mà người đầu tiên có thể nói đến là Giáo sư Nguyễn Gia Quyền (đã mất từ năm 1998), bác sĩ Lê Ngọc Mẫn, bác sĩ Lê Điều là 3 người đầu tiên được cử đi Liên Xô học về công nghệ này, đã có những đóng góp đặc biệt. Một tấm gương tiêu biểu kế tục sự nghiệp giữ gìn bảo quản thi hài Bác thời kỳ đầu phải kể đến bác sĩ Nguyễn Văn Châu, một tấm gương mẫu mực tận tuỵ lăn lộn trong công tác nghiên cứu thực nghiệm (tiến hành thực nghiệm trên các thi thể người) không ngại khó khăn gian khổ… tất cả vì sự nghiệp giữ gìn thi hài Bác cho đến khi nghỉ hưu. Việc chúng ta tự chủ được khoa học công nghệ mới này có đóng góp rất lớn của bác sĩ Châu. Trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình bác sĩ Nguyễn Văn Châu còn có những đóng góp những đề tài quan trọng như bảo quản thi hài ngoài hải đảo....

Chúng con nguyện đứng bên Người 

Nhiệm vụ giữ gìn nguyên vẹn và lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn phải đảm bảo yêu cầu cao nhất trong điều kiện phục vụ nhân dân thăm viếng là một thách thức lớn đối với tập thể những người làm công tác khoa học. Cơ chế bảo quản theo yêu cầu chuyên môn đòi hỏi phải giữ gìn thông số ổn định gồm nhiều hệ thống (lạnh, điều hoà, điện, nước). Đại tá- Tiến sĩ Vũ Văn Bình cho biết, có 3 yếu tố phải được đảm bảo tuyệt đối là: không hỏng (thối rữa); không sạm màu; không teo đét. Riêng để giữ không teo đét yếu tố quyết định ở dung dịch trong thi hài. Dung dịch đặc biệt này giúp giữ thi hài không bị thối rữa nhưng nó lại có đặc tính trao đổi với không khí xung quanh. Trao đổi này thông qua hơi nước. Nếu độ ẩm trong không khí cao, hơi nước trong không khí bị hút vào trong dung dịch làm cho khối tích dung dịch tăng lên. Có nghĩa là thi hài bị béo lên. Ngược lại độ ẩm xung quanh xuống thấp, nước ở trong dung dịch bị hút ra không khí. Khối tích dung dịch nhỏ đi thì thi hài bị teo. Vì thế, yếu tố kỹ thuật đòi hỏi cần duy trì nhiệt độ và độ ẩm ổn định. Đây là yếu tố quyết định tuyệt đối an toàn giữ gìn thi hài.

Với kinh nghiệm hàng chục năm làm công tác nghiên cứu giữ gìn bảo quản thi hài, Tiến sĩ Bình và các đồng nghiệp biết rằng đảm bảo an toàn thi hài Bác ở các năm tiếp sau sẽ khó hơn năm trước. Ông tâm sự:  “Để giải quyết những vấn đề này thì với ý chí quyết tâm là không thể mà phải bằng giải pháp khoa học công nghệ”.

Nhân dân vào Lăng viếng Bác

Để phục vụ cho nhân dân thăm viếng phải chiếu sáng thi hài Bác. Ánh sáng sẽ làm cho thi hài Bác đẹp hơn, hồng hào hơn, tạo cho nhân dân nhận thức anh linh của Bác. Ngược lại, về góc độ khoa học, chính ánh sáng lại làm hư hại thi hài Bác vì ánh sáng bao giờ cũng kèm theo nhiệt, cộng với tia xạ. Việc để chiếu sáng nhiều càng ảnh hưởng đến thi hài. Vì thế, để đảm bảo kết quả bảo quản lâu dài, cần phải thực hiện nghiêm quy định: mỗi ngày Lăng Bác chỉ mở cửa từ 3-3,5 tiếng hoặc đến 4 tiếng là cùng.

Ông Bình cho biết, các biện pháp khoa học hiện nay chưa thể giải quyết hết được những tác động của chiếu sáng.

Trong việc giữ gìn thi hài Bác còn gặp một vấn đề nan giải khác cần phải xử lý là nhiệt độ ở chỗ Bác nằm luôn phải đảm bảo chỉ số an toàn tuyệt đối nên phải tìm giải pháp khử nhiệt của người vào thăm. Mỗi ngày có khoảng 2 vạn người, đặc biệt có ngày tới gần 3 vạn người vào viếng toả ra một lượng nhiệt cần được xử lý. Còn nữa, nhân dân vào viếng Bác thể hiện tình cảm ấm áp với Bác. Nhưng mỗi người đều mang một ít vi trùng, nấm mốc vào Lăng. Những vi sinh này lây vào thi hài Bác sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy, làm thế nào để xử lý được vi trùng nấm, mốc không phải là chuyện dễ dàng vì không thể lúc nào cũng sử dụng hoá chất. Đây là một trong rất nhiều yếu tố tự nhiên thường xuyên tác động tới thi hài Bác. Ngay cả việc để trong phòng kín thì thi hài Bác cũng luôn luôn bị tác động ô nhiễm từ không khí trao đổi từ ngoài vào, thậm chí từ chính nhân viên y tế. Kể cả các dụng cụ y tế cũng có thể lây ô nhiễm. Và một nguồn nguy hại nữa, chuyên môn y tế gọi là tự ô nhiễm (do vi trùng nấm, mốc ở chính nơi đó sinh ra). Một điều kiện nữa cũng tác động tới thi hài Bác đó là Lăng Bác được xây dựng cách đây hơn 30 năm, một số chủng nấm mốc biến dị thích nghi và phát triển ngay trong điều kiện lạnh. Cho nên phải có giải pháp mới để xử lý số nấm mốc này.

40 năm đã trôi qua kể từ ngày Bác đi xa, cán bộ nhân viên, chiến sỹ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt qua biết bao khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt này. Thi hài Bác luôn được giữ gìn trong trạng thái tốt nhất để ngày ngày đón đồng bào và khách quốc tế đến viếng thăm ./.

Với thành tích đặc biệt xuất sắc, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý:

    - Huân chương Hồ Chí Minh (1985)

    - Huân chương Độc lập hạng Nhất (2000)

    - Huân chương Quân công hạng Nhất (1984)

    - Huân chương Quân công hạng Ba (1982)

    - Giải thưởng Nhà nước về cụm công trình KHCN giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh (2000)

    -  Viện 69, đơn vị trực thuộc được tuyên dương đơn vị Anh hùng Lao động (năm 1995)

    - Đoàn 195, đơn vị trực thuộc được tuyên dương đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân (năm 2000)

    - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới (năm 2004)

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên