1. Quốc hội thông qua nhiều Luật, Nghị quyết cụ thể hóa Hiến pháp 2013.
Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII (Ảnh: Quang Trung)
Năm 2014, Quốc hội thông qua 29 Luật nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế hóa các nội dung của Hiến pháp 2013 về tổ chức bộ máy Nhà nước; bảo vệ và thực thi quyền con người, các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Quốc hội cũng đã thông qua 13 Nghị quyết quan trọng, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35 về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ được Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn cho phù hợp với thực tiễn. Từ kỳ họp thứ 8, Quốc hội bắt đầu làm việc tại Tòa Nhà Quốc hội mới.
2. Lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định gắn với tái cơ cấu kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và thực hiện các đột phá chiến lược.
Xuất khẩu nông sản có bước tăng trưởng ngoạn mục, đóng góp lớn trong sự tăng trưởng kinh tế của đất nước (Ảnh minh họa, nguồn nongnghiep.vn)
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 5,98%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng hơn 4%, thấp nhất trong giai đoạn 10 năm qua. Việc tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh. Ngành nông nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu kỷ lục là hơn 30 tỷ USD. Các doanh nghiệp nỗ lực vượt qua nhiều thử thách và đóng góp cho kinh tế đất nước. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, kinh tế Việt Nam đang có những chuyển biến tích cực.
3. Kiên quyết bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước.
Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển trên tàu CSB 9001 làm nhiệm vụ trên biển trong suốt thời gian Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 (Ảnh: Nguyễn Hải)
Trong hơn hai tháng từ ngày 01/5 đến ngày 15/7/2014, Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại khu vực biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Trên thực địa cũng như bằng con đường đấu tranh ngoại giao, đấu tranh công luận và đấu tranh pháp lý, Việt Nam kiên trì yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
4. Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Diễu binh tại lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (Ảnh; Việt Lan)
Trên cả nước đã diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm hai sự kiện trọng đại này, trong đó có Lễ mít tinh cấp Nhà nước được tổ chức tại Hà Nội và thành phố Điện Biên Phủ. Qua đó làm tăng cường lòng tự tôn, tự hào về lịch sử hào hùng của đất nước, củng cố niềm tin và sức mạnh của toàn dân tộc tiếp tục thực hiện sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng
5. Đại hội Đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII.
Phiên bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII (Ảnh: Hà Hòa)
Đại hội đề ra mục tiêu hành động trong nhiệm kỳ 2014-2019 là tập trung đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, phát huy dân chủ, thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
6. Việt Nam có thêm 2 Di sản Văn hóa thế giới.
Đoàn Việt Nam tại Kỳ họp lần thứ 38 Uỷ ban Di sản Thế giới. Tại kỳ họp này, quần thể danh thắng Tràng An (tỉnh Ninh Bình) chính thức được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản thế giới (Ảnh: Hoàng Xuân)
Ngày 23/6, quần thể danh thắng Tràng An (tỉnh Ninh Bình) được Ủy ban Di sản thế giới thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh vào danh mục “Di sản thế giới”. Tràng An là Di sản thế giới hỗn hợp đầu tiêu của Việt Nam được công nhân cả tiêu chí văn hóa và thiên nhiên. Tiếp đó vào ngày 27/11, UNESCO vinh danh Dân ca Ví, Giặm của Việt Nam là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, nâng tổng số Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO công nhận lên con số 9.
7. Chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Một trong những đổi mới của ngành Giáo dục trong năm 2014 là thay đổi cách đánh giá học sinh tiểu học
(Ảnh: Bích Lan)
Hiện thực hóa Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Đổi mới căn bản và toàn diện Giáo dục và Đào tạo”, ngành giáo dục và đào tạo đã đề xuất triển khai nhiều Đề án, Chương trình đổi mới lớn trong đó có các đề án: tổ chức một kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia với mục đích “2 trong 1”: vừa xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông, vừa làm căn cứ để xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng; đổi mới chương trình sách giáo khoa và đổi mới cách đánh giá học sinh tiểu học.
8. Công bố và lần đầu tiên tổ chức Ngày “Khoa học và Công nghệ Việt Nam” 18/5.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công bố Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5 (Ảnh: Thành Chung)
Ngày “Khoa học và Công nghệ Việt Nam” được quy định trong Luật Khoa học và Công nghệ, được tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh các nhà khoa học và thành tựu khoa học - công nghệ, tuyên truyền, phổ biến tri thức khoa học; nâng cao nhận thức và khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê lao động sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam. Trong năm, sản phẩm phần mềm trò chơi mang tên “Flappy Bird” của tác giả Nguyễn Hà Đông đã tạo nên “cơn sốt” trong cộng đồng mạng toàn thế giới.
9. Y học Việt Nam đạt được bước tiến trong việc ghép tạng.
Ê kíp y bác sĩ thực hiện ca ghép đa tạng (tụy, thận) cho bệnh nhân Phạm Thái Huyên - bệnh nhân đầu tiên ở Việt Nam được cấy ghép thành công (Ảnh: Ngọc Hà)
Sau hơn 20 năm phẫu thuật ghép tạng, lần đầu tiên trong năm nay, Bệnh viện 103 (Học viện Quân y) thực hiện thành công ca ghép đa tạng thận và tuỵ cùng lúc. Bệnh viện Trung ương Huế cấy tim nhân tạo bán phần lần đầu tiên cho bệnh nhân ở Việt Nam. Thành công này tiếp tục khẳng định trình độ y học của Việt Nam ngày càng nâng cao, mở ra những cơ hội cứu sống những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
10. Đảng, Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương.
Huyền Như tại phiên xử phúc thẩm (Ảnh: Việt Đức)
Nhiều cá nhân đã bị kết án trong các vụ án tham nhũng lớn, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Nguyễn Đức Kiên, Huỳnh Thị Huyền Như và nhiều bị cáo khác đã phải nhận những hình phạt thích đáng. Ủy ban Kiểm tra Đảng các cấp cũng tiến hành xác minh, xử lý kỷ luật Đảng những cán bộ, đảng viên đương chức hoặc nghỉ hưu do những sai phạm nghiêm trọng. Sự cương quyết của Đảng, Nhà nước đã có tác dụng tích cực để từng bước đẩy lùi tham nhũng, mang lại niềm tin trong nhân dân./.