Vụ ông Trịnh Xuân Thanh: Vì sao PVC liên tiếp được khen thưởng?
VOV.VN - Trong 3 năm 2009, 2010, 2011, PVC liên tiếp được nhận Huân chương Lao động hạng nhì, hạng nhất và Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Như tin đã đưa, ngày 18/7, Văn phòng Trung ương Đảng có Công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về các công việc cần làm tiếp sau khi có Thông báo kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương về ông Trịnh Xuân Thanh.
Theo đó, một trong bốn nội dung Tổng Bí thư yêu cầu cần làm tiếp, đó là: Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ và Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương có sự tham gia của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý đối với các tập thể, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm trong việc thẩm định, đề nghị cấp có thẩm quyền tặng thưởng Huân chương Lao động trong 2 năm liền (năm 2009 và 2010) và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (năm 2011).
PVC liên tiếp được khen thưởng trong thời gian ngắn
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 12/1/2010, tại Hà Nội, Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC) đã đón nhận Huân chương Lao động hạng nhì nhờ thành tích năm 2009, doanh thu của PVC đạt trên 3.700 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi năm 2008. Lợi nhuận trước thuế là 245 tỷ đồng, nộp Ngân sách Nhà nước trên 172 tỷ đồng, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2008.
PVC đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất ngày 21/11/2010 (Ảnh: PVC) |
Hơn 10 tháng sau, ngày 21/11/2010, tại Hà Nội, PVC đã tổ chức hội nghị tổng kết 4 năm cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, báo cáo mừng công hoàn thành kế hoạch 2010 trước thời hạn và đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất. Báo cáo tại hội nghị, ông Vũ Đức Thuận - Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc PVC cho biết: Tính đến ngày 10/11/2010, Tổng Công ty đã hoàn thành toàn diện tất cả các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2010 (sớm hơn 1 tháng rưỡi so với kế hoạch năm). Trong đó, tổng doanh thu đạt hơn 7.000 tỷ đồng, tăng hơn 200% so với năm 2009 và lợi nhuận trước thuế đạt gần 840 tỷ đồng, tăng trên 300% so với năm 2009. Thu nhập bình quân người lao động đạt hơn 7,6 triệu đồng/tháng.
Chỉ 2 tháng sau, ngày 26/1/2011, PVC đã tổ chức đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Theo báo cáo thành tích, năm 2010, PVC đã hoàn thành toàn diện và vượt mức tất cả các chỉ tiêu kinh tế, về đích trước kế hoạch gần 2 tháng với tổng giá trị sản xuất kinh doanh đạt 10.888,91 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2009; Nộp ngân sách Nhà nước 460,51 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế đạt 1.067,51 tỷ đồng.
“Không ai có thể bênh được Trịnh Xuân Thanh và những người liên quan“
Khen thưởng PVC liệu có đúng luật?
Về tiêu chuẩn khen thưởng Huân chương Lao động, theo Điều 43, Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26/11/2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 14/6/2005: Huân chương Lao động” hạng nhì để tặng cho tập thể đạt một trong các tiêu chuẩn sau: Đã được tặng “Huân chương Lao động” hạng ba, 5 năm tiếp theo liên tục đạt danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc” hoặc “Đơn vị quyết thắng” và có hai lần được tặng Cờ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương hoặc một lần được tặng “Cờ thi đua của Chính phủ”; Lập được thành tích xuất sắc đột xuất.
Theo Điều 42, Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26/11/2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 14/6/2005: “Huân chương Lao động” hạng nhất để tặng cho tập thể đạt một trong các tiêu chuẩn sau: Đã được tặng “Huân chương Lao động” hạng nhì, 5 năm tiếp theo liên tục đạt danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc” hoặc “Đơn vị quyết thắng” và có ba lần được tặng Cờ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương hoặc hai lần được tặng “Cờ thi đua của Chính phủ”; Lập được thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất.
Theo Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng: “Huân chương Lao động” hạng nhất để tặng cho tập thể đạt một trong các tiêu chuẩn quy định tại khoản 3 Điều 42 của Luật Thi đua, Khen thưởng. Trường hợp lập được thành tích xuất sắc, đột xuất phải là những thành tích có phạm vi ảnh hưởng lớn, sâu rộng được nêu gương, học tập trong toàn quốc của Bộ, Ban, ngành, đoàn thể trung ương hoặc toàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Ông Trịnh Xuân Thanh nhận bằng khen tại lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất của PVC (Ảnh: PVC) |
Về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Anh hùng lao động, theo Quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26/11/2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 14/6/2005: Danh hiệu Anh hùng Lao động để tặng cho tập thể có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; nội bộ đoàn kết tốt, tổ chức Đảng, đoàn thể trong sạch, vững mạnh.
Theo Nghị định Số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng: Danh hiệu “Anh hùng lao động” để tặng tập thể có thành tích đặc biệt xuất sắc, trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, là tấm gương sáng, mẫu mực về mọi mặt, đạt được các tiêu chuẩn sau:
a) Là tập thể tiêu biểu dẫn đầu toàn quốc về các mặt: Năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế - xã hội, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ngành và đất nước;
b) Dẫn đầu toàn quốc trong việc đổi mới công nghệ, có nhiều thành tích trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới, trong phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và bảo vệ môi trường sinh thái;
c) Dẫn đầu trong việc bồi dưỡng, đào tạo trình độ về mọi mặt cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; là điển hình về công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để các tập thể khác noi theo;
d) Dẫn đầu trong việc triển khai và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đảm bảo tốt quyền lợi của người lao động, quản lý tốt tiền vốn, tài sản, đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và tài sản;
đ) Tập thể đoàn kết, nhất trí, tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, tổ chức chính quyền, đoàn thể vững mạnh toàn diện, được chính quyền địa phương và nhân dân ca ngợi;
e) Đã được tặng thưởng “Huân chương Lao động” hạng nhất (trừ trường hợp lập được thành tích đột xuất).
Chiếu theo các quy định nêu trên, việc PVC liên tiếp nhận Huân chương Lao động hạng nhì, Huân chương Lao động hạng nhất trong 2 năm 2009, 2010 và Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2011) liệu có thể coi là “đúng quy định” và bình thường hay không?
PVC đón nhận Danh hiệu Anh hùng Lao động vào ngày 26/1/2011 (Ảnh: PVC) |
Lãnh đạo Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương nói gì?
Sáng 19/7, trả lời trên Dân trí, bà Trần Thị Hà - Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương cho biết, cơ quan này đã có văn bản báo cáo rất đầy đủ về sự việc thẩm định, đề xuất khen thưởng đối với Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) gửi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.
Khi phóng viên hỏi “Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương thấy việc đề xuất khen thưởng đó là đúng, thoả đáng và phù hợp không?", bà Trần Thị Hà trả lời: “Rất thoả đáng và đầy đủ bởi khen thưởng là khen giai đoạn, có thành tích ở giai đoạn nào thì khen thưởng ở giai đoạn ấy. Tất nhiên khi khen thưởng xong cũng muốn người ta phát huy, lan toả nhưng cũng có trường hợp sau một vài năm người ta lại không phát huy được”.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Thị Hà khẳng định việc xem xét, đề xuất tặng thưởng Huân chương Lao động, Anh hùng Lao động cho PVC được tiến hành từ tháng 9/2010, trước thời điểm PVC kinh doanh, làm ăn thua lỗ lớn.
VOV.VN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này./.
Tổng Bí thư yêu cầu xử lý tiếp "vụ việc" ông Trịnh Xuân Thanh