Để xây dựng Đảng, phải nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên
VOV.VN - Trong công tác phát triển đảng vừa qua, các tổ chức cơ sở đảng chỉ mới quan tâm hoàn thành chỉ tiêu về số lượng mà chưa thực sự quan tâm đến chất lượng nên để lọt những người không đủ tiêu chuẩn, mờ nhạt về lý tưởng.
Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ Đảng viên luôn được Đảng ta coi trọng và xác định là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Nghị quyết số 21 Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về tăng cường, củng cố xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới tiếp tục khẳng định xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài, liên tục. Đội ngũ đảng viên là nhân tố quyết định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, việc ban hành Nghị quyết này, một lần nữa cho thấy, Đảng ta đã nhìn thẳng vào sự thật đó là đảng viên đông nhưng chưa mạnh, và thể hiện rõ quyết tâm làm trong sạch Đảng. Để làm được điều này, trước hết phải nâng cao chất lượng đảng viên và tổ chức cơ sở đảng.
“Tôi cho rằng, để xây dựng Đảng, nếu như chúng ta không nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên sẽ liên quan đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ”, TS Nguyễn Viết Thông nêu quan điểm.
Từ 1.000 đảng viên năm 1945, đến nay, Đảng ta đã có hơn 5.000.000 đảng viên. Theo nhiều chuyên gia, Đảng đông nhưng chưa mạnh. Bởi thực tế, không ít người khi đứng trong đội ngũ của Đảng, lại không tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện, thiếu bản lĩnh, không gương mẫu, thậm chí suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống, tham nhũng, vi phạm pháp luật. Trong công tác phát triển đảng vừa qua, các tổ chức cơ sở đảng chỉ mới quan tâm hoàn thành chỉ tiêu về số lượng mà chưa thực sự quan tâm đến chất lượng nên để lọt những người không đủ tiêu chuẩn, mờ nhạt về lý tưởng hay thậm chí cả những kẻ “cơ hội” lọt vào hàng ngũ của Đảng.
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, với quan điểm “thà ít mà tốt”, Đảng ta mong muốn phát triển nhiều đảng viên, nhưng không vì vậy mà không đưa ra khỏi Đảng những người không đủ tư cách. Nghị quyết 21 đã thể hiện rất rõ tinh thần này, đồng thời đặt ra yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng, trong đó đặc biệt chú ý đến việc thực hiện nguyên tắc tập trung, dân chủ trong sinh hoạt Đảng.
Tại hội nghị quán triệt Nghị quyết Hội nghị TW5 khóa XIII, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, việc kỷ luật một số tổ chức cơ sở đảng thời gian vừa qua cơ bản là do vi phạm quy tắc tập trung dân chủ. Dùng ý chí người đứng đầu áp đặt chủ quan, không tôn trọng dân chủ; cũng có những nơi thả nổi, người đứng đầu không chịu trách nhiệm, sợ trách nhiệm. Trong khi, cả 2 việc này đều không tốt cho Đảng, vì vậy, bà Trương Thị Mai cho rằng, quy tắc tập trung dân chủ phải được tiếp tục, làm rõ, phải được cụ thể hoá.
Theo nhiều chuyên gia và đảng viên, Nghị quyết 21 gắn với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể rõ ràng về tăng cường, củng cố xây dựng, tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới. Để các nghị quyết đi vào cuộc sống, trước hết, các tổ chức Đảng cần giữ vững nề nếp, sinh hoạt của cấp uỷ theo quy định. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, nhất là tự phê bình và phê bình gắn liền với siết chặt kỷ luật, kỷ cương và phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu. Từng đảng viên phải xác định rõ bổn phận, trách nhiệm của mình, không ngừng phấn đấu và rèn luyện bản lĩnh chính trị, tu dưỡng phẩm chất đạo đức lối sống.
“Có rất nhiều giải pháp lần này trung ương đưa ra, tôi cho rằng với những giải pháp mới, thậm chí cả những chủ trương chúng ta thí điểm, đều tìm ra cái đúng, tìm ra chân lý. Tôi nghĩ rằng, khi triển khai thực hiện Nghị quyết chắc chắn sẽ tạo chuyển biến ở cơ sở”, một chuyên gia bày tỏ./.