"Kiểm tra tính trung thực của các bản kê khai tài sản chưa thực sự sâu sát"
VOV.VN - Về kết quả xác minh kê khai tài sản thu nhập năm 2022, 2023, dư luận cho rằng, quy định hiện hành trong việc kê khai tài sản còn nhiều vướng mắc, phức tạp, khó thực hiện. Thêm vào đó, công tác kiểm tra, giám sát tính trung thực của các bản kê khai chưa thực sự sâu sát, quyết liệt.
Ở Việt Nam hiện nay, tham nhũng được nhận diện là một quốc nạn, là một trong những nguy cơ suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Các chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước ta hiện nay, xoay quanh quy định các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về tham nhũng. Trong đó, phòng ngừa tham nhũng được coi là trọng tâm của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay.
Hơn 430.000 người kê khai tài sản, chỉ có 2 người kê khai không trung thực
Trong công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng ta, yêu cầu về kê khai tài sản và xác minh kê khai tài sản được xem là một trong nhiều biện pháp để cán bộ, công chức, đặc biệt những cán bộ có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, đơn vị cần phải minh bạch, rõ ràng trong thu nhập. Qua kê khai tài sản giúp cơ quan, tổ chức, đơn vị nắm được và quản lý cán bộ của mình, từ đó phòng ngừa và ngăn chặn hành vi tham nhũng.
Mục tiêu là vậy, tuy nhiên việc kê khai và giám sát kê khai tài sản, thu nhập thời gian qua thực tế vẫn còn hình thức. Dẫn chứng là trong số 13.093 người được xác minh tài sản thu nhập của năm 2023, chỉ phát hiện 54 người kê khai không trung thực (theo báo cáo của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội). Năm 2022, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, hơn 430.000 người kê khai tài sản, chỉ có 2 người kê khai không trung thực.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Thúy, Trưởng Khoa Nghiệp vụ giải quyết khiếu nại tố cáo và PCTN, Trường Cán bộ Thanh tra (Thanh tra Chính phủ), kiểm soát tài sản, thu nhập được coi là một trong các biện pháp quan trọng để phòng ngừa tham nhũng. Biện pháp này đã có nhiều điểm mới, khắc phục những quy định bất cập và hình thức trước đây.
Theo đó, với quy định của Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành, ngoài việc xác định trách nhiệm kê khai, đối tượng kê khai, thì phương thức và nội dung kê khai cũng có nhiều điểm mới, đặc biệt tập trung yêu cầu kê khai và kiểm soát những đối tượng có vị trí, vai trò lãnh đạo, quản lý, những người giao đảm nhiệm các công việc quan trọng, nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng (kê khai hàng năm), những người có biến động trên 300 triệu về tài sản, thu nhập…
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Thúy khẳng định, những điểm mới trên của pháp luật về phòng chống tham nhũng cũng có nhiều điểm tương đồng với pháp luật của các quốc gia khác trên thế giới.
“Ở Singapore, Mỹ, Nhật Bản hay Hong Kong (Trung Quốc), tất cả các công chức đều phải kê khai lợi ích và những khoản đầu tư của họ khi vừa được bổ nhiệm, trúng tuyển vào làm việc trong hệ thống công, và việc này được duy trì những năm sau đó. Kê khai tài sản được coi là nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, công chức trước Nhà nước, đặt dưới sự giám sát của Nhà nước và xã hội (nhằm thực hiện công tác cán bộ, ngăn ngừa và sớm phát hiện những phát sinh tài sản, thu nhập bất hợp pháp nếu có của những người làm việc trong cơ quan nhà nước)”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Thúy cho biết.
Không mở rộng đối tượng kê khai tài sản là bố, mẹ hay người thân khác của người có nghĩa vụ kê khai
Về kết quả xác minh kê khai tài sản thu nhập năm 2022, 2023, dư luận cho rằng, quy định hiện hành trong việc kê khai tài sản còn nhiều vướng mắc, phức tạp, khó thực hiện. Thêm vào đó, công tác kiểm tra, giám sát tính trung thực của các bản kê khai chưa thực sự sâu sát, quyết liệt. Việc công khai các bản kê khai tài sản chưa thực sự đúng nghĩa. Chưa kể, quy định về kê khai tài sản rất dễ bị lợi dụng cho mục đích đấu đá.
Có quan điểm cho rằng, không nên yêu cầu cả người thân của cán bộ (vợ, chồng, con…,) cũng phải kê khai vì như vậy có thể ảnh hưởng đến quyền công dân, quyền tài sản, quyền về bí mật đời tư…, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Thúy nhấn mạnh, Điều 33 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã quy định rõ, người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai tài sản, thu nhập và biến động về tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên.
Theo bà Thúy, quy định trên của Luật Phòng, chống tham nhũng xây dựng trên cơ sở có sự đồng bộ với các chế định pháp lý khác của nước ta. Ví như, Luật Hôn nhân và gia đình cũng có các quy định về tài sản chung của vợ chồng, là tài sản, thu nhập phát sinh trong thời kỳ hôn nhân…, đối tượng là con chưa thành niên thì bố, mẹ là người đại diện theo pháp luật…
Như vậy, việc quy định người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai tài sản của vợ, chồng con chưa thành niên, là hợp lý, nhằm ngăn chặn người có nghĩa vụ kê khai tẩu tán, che giấu tài sản, thu nhập để trốn tránh nghĩa vụ kê khai cũng như phát hiện của các cơ quan quản lý nhà nước (cơ quan quản lý cán bộ, cơ quan thuế, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập…) và không ảnh hưởng đến bí mật về quyền tài sản, quyền bí mật đời tư của họ (thậm chí pháp luật cũng có các quy định về trách nhiệm giữ bí mật đối với những thông tin, tài liệu trong quá trình tiến hành xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan kiểm soát tài, sản thu nhập).
Mặt khác, pháp luật về phòng, chống tham nhũng không mở rộng đối tượng kê khai tài sản, thu nhập là bố, mẹ hay những người thân khác của người có nghĩa vụ kê khai bởi khó khả thi, dễ trở thành hình thức nếu không có khả năng thực hiện.
“Do vậy các quy định về đối tượng và nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhâp hiện nay là phù hợp. Hơn thế nữa, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn cũng đồng thời được bảo đảm bởi nhiều biện pháp đồng bộ khác, với sự tham gia quan lý của các cơ quan nhà nước khác như: cơ quan thuế, cơ quan đăng ký tài sản, cơ quan Công an… Điều đó thể hiện sự phối hợp, đồng bộ của người dân, Nhà nước và xã hội trong kiểm soát tài sản thu nhập, nhằm phòng ngừa tham nhũng”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Thúy khẳng định.
Một vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm là việc công khai tài sản của cán bộ đã thực chất chưa hay vẫn nặng hình thức, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Thúy cho biết, Luật Phòng chống tham nhũng quy định, bản kê khai tài sản được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc, trong thời gian, thời điểm, cách thức nhất định. Tùy vào từng đối tượng, trường hợp, cách thức công khai cũng có khác nhau, đảm bảo tính hợp lý và đặc thù.
“Như vậy bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc. Việc quy định về kê khai phải gắn với công khai mới đảm bảo được hiệu quả của công tác kiểm soát tài sản, thu nhập”, Trưởng khoa trường Cán bộ thanh tra nêu quan điểm.