Phân cấp, phân quyền triệt để mà nơi làm tốt, nơi không
VOV.VN - Nếu phân cấp phân quyền triệt để rồi mà có nơi làm tốt, nơi không, vậy người đứng đầu ở những địa phương, cơ quan không làm tốt có trách nhiệm ra sao?
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, kết thúc năm ngân sách 2022 (tính đến 31/1/2023), ước tính tỷ lệ giải ngân của cả nước đạt 80,63% kế hoạch, đạt 92,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Có 13 bộ, cơ quan trung ương và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 đạt trên 90%. Nhìn chung, tỷ lệ giải ngân năm 2022 chưa đạt như kỳ vọng.
Giải trình trước Quốc hội trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, liên quan vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Nguyễn Chí Dũng một lần nữa khẳng định “đến nay, tất cả những vấn đề phân cấp, phân quyền của đầu tư công đã triệt để, giao hết tất cả các quyền cho các bộ, ngành và địa phương, từ khâu lựa chọn dự án, đến lập dự án, chuẩn bị dự án và giải ngân, điều chỉnh dự án, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, tổ chức thi công...”.
Lý giải cho băn khoăn của đại biểu rằng, cùng một mặt bằng pháp lý mà địa phương này, bộ kia thì triển khai tốt, tỷ lệ cao, còn địa phương khác, ngành khác tỷ lệ lại thấp, ông Nguyễn Chí Dũng chỉ ra rằng, vấn đề nằm ở khâu tổ chức thực hiện. Ông cũng nhấn mạnh, quan điểm của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp phân quyền là rất rõ ràng, Trung ương tập trung quản lý những vấn đề lớn, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, kiểm tra, giám sát, còn cấp địa phương phải thực hiện và chịu trách nhiệm.
Nếu phân cấp phân quyền triệt để rồi mà có nơi làm tốt, nơi không, vậy người đứng đầu ở những địa phương, cơ quan không làm tốt có trách nhiệm ra sao? Liệu rằng họ đã thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được giao hay chưa?
Trong bối cảnh việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thì việc nhiều bộ ngành, địa phương có mức giải ngân dưới trung bình cả nước, có địa phương xin hoàn trả ngân sách Nhà nước do không giải ngân hết, trước tiên phải khẳng định lãnh đạo, người đứng đầu ở những nơi đó chưa hoàn thành nhiệm vụ.
Ông Lê Xuân Lịch, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Địa phương (Ban Tổ chức Trung ương) cho rằng, phân cấp phân quyền là một cách thức quản lý. Khi đã phân quyền rồi, với trách nhiệm người đứng đầu, anh phải chịu trách nhiệm. Nơi nào làm tốt, người đứng đầu ở đó có năng lực, có trách nhiệm, nhiệt tình trong công việc, anh ta sẽ bàn bạc tìm giải pháp để khắc phục. Và ngược lại.
Khi đã được phân cấp phân quyền, trách nhiệm của lãnh đạo, người đứng đầu là phải làm hết khả năng của mình dựa trên điều kiện, hoàn cảnh thực tế ở địa phương mình quản lý. Vì lẽ đó, Trung ương mới giao anh thay mặt Trung ương phụ trách địa bàn, lĩnh vực đó. Nếu anh làm chưa tốt là anh chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao, đặc biệt với những nhiệm vụ gây ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế xã hội của cả một địa phương.
Theo nguyên Phó vụ trưởng Vụ Địa phương (Ban Tổ chức Trung ương), phân cấp phân quyền là hình thức tăng cường công tác quản lý, để giao nhiều trách nhiệm hơn cho cơ sở, cơ sở có thể chủ động hơn khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Kết quả tại một số địa phương đã cho thấy, khi phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước, đẩy mạnh phân cấp phân quyền đã nâng cao hiệu quả lãnh đạo điều hành. Trong khi thực tế thời gian qua cho thấy, cũng có nhiều vấn đề khiến cán bộ không khỏi tâm tư, dẫn đến tâm lý có phần bị ảnh hưởng. Nhưng chiếu theo yêu cầu của Tổng Bí thư, ai không làm được thì đứng sang một bên cho người khác làm, thì ở nhiều nơi, cán bộ không hẳn đến mức đó, người ta vẫn làm, nhưng làm cầm chừng, làm không hết sức, kết quả công việc không hiệu quả. Đây là vấn đề cần được giải quyết, tháo gỡ.
Câu chuyện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm khi đã phân cấp phân quyền đang trở nên phổ biến, thời gian gần đây được nói đến nhiều hơn. Tuy nhiên dường như việc xử lý mới chỉ dừng lại ở nhắc nhở, răn đe. Có quan điểm cho rằng, việc xử lý những cán bộ như thế này sẽ rất khó bởi cơ chế, quy định hiện có chỉ xử lý cán bộ có những sai phạm đã rõ, chứ chưa xử lý người né tránh không làm, hay sợ sai không làm. Cái khó nữa để đánh giá cán bộ có làm không và kết quả ra sao là phải căn cứ, đối chiếu vào những nhiệm vụ của cơ quan, địa phương đã đăng ký từ đầu nhiệm kỳ có đạt không, qua đó mới đánh giá được lãnh đạo, người đứng đầu có hoàn thành nhiệm vụ hay không. Nhưng thực tế việc căn cứ, đối chiếu này cũng chưa được thực hiện nghiêm túc.
Trong bối cảnh đang rất cấp bách, cần khẩn trương giải ngân vốn vào phát triển kinh tế xã hội, việc chậm giải ngân sẽ kéo theo hệ lụy là việc phát triển sẽ bị trễ lại, do đó cần có biện pháp xử lý phù hợp hoàn cảnh chứ không thể ngồi chờ quy định hay cơ chế. Song song với đó cũng cần hoàn thiện các quy định sao cho rõ ràng, rành mạch hơn để cán bộ không phải e ngại khi đưa ra các quyết định thực thi nhiệm vụ./.