Thành phố Thanh Hóa: Xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số
VOV.VN - Chỉ có đẩy nhanh chuyển đổi số mới tăng được năng xuất lao động, mới kết nối được các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là thương mại, dịch vụ.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại là 1 trong10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 05 ngày 25/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về xây dựng và phát triển thành phố Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, UBND thành phố Thanh Hoá đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này.
Anh Lê Đình Bắc (ở phố 4, phường Đông Cương, thành phố Thanh Hoá) đi khai sinh cho con. Khác với lần trước anh phải mất nhiều thời gian chờ khai báo, xin chữ ký, lần này, phường Đông Cương áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, anh Bắc đã thực hiện khai báo điện tử và được hẹn giờ đến nhận kết quả.
"Người dân được tiếp đón nhiệt tình, hướng dẫn thủ tục chu đáo. Hiện nay công nghệ số được áp dụng nên bản thân tôi thấy đáp ứng được nhu cầu, giải quyết công việc của công dân nhanh, gọn" - anh Tâm chia sẻ.
Chị Lê Thị Ngọc Hoàn (Văn phòng - thống kê UBND phường Đông Cương) cho biết, để đáp ứng nhu cầu của tổ chức, cá nhân trên địa bàn về thủ tục hành chính, cùng với các trang thiết bị được đầu tư, mua sắm mới, 100% cán bộ, công chức phường được cấp chứng thư số và cơ bản thực hiện ký văn bản điện tử theo quy định. Do đó đã thực hiện tốt quy trình tiếp nhận và xử lý văn bản trong hệ thống chuyển nhận văn bản và đáp ứng được việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3.
"Về chính quyền số, hiện tại 100% văn bản đã được ký số hoá. Công tác một cửa đang vận động nhân dân khi đến giao dịch thì thực hiện chứng thực qua cổng thông tin điện tử. Về kinh tế hoá thì vận động, hướng dẫn nhân dân tham gia một số sàn giao dịch trực tuyến, vận động hộ sản xuất đưa vào sàn cung cầu của tỉnh" - chị Lê Thị Ngọc Hoàn cho biết.
Không chỉ hoạt động tại bộ phận một cửa với các thủ tục hành chính triển khai trên môi trường mạng, mà với 100% phố trên địa bàn phường được kết nối internet là điều kiện thuận lợi để phường Đông Cương đẩy mạnh chuyển đổi số ở các lĩnh vực khác, nhất là kinh tế số.
Theo ông Lê Văn Ngân, Bí thư Đảng ủy phường Đông Cương, chuyển đổi số ngay cả ứng dụng điện thoại thông minh, công nghệ thông tin, phường đã phổ biến cho doanh nghiệp, nhân dân, thực hiện nộp hồ sơ, đăng ký qua điện tử.
Thành phố Thanh Hóa đang đề ra nhiệm vụ hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, các ứng dụng về chuyển đổi số, đáp ứng các tiêu chí công nghệ thông tin cho đô thị thông minh. Phấn đấu đến năm 2030, thành phố Thanh Hóa cơ bản trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại.
Để hoàn thành được nhiệm vụ này, thành phố sẽ huy động đa dạng các nguồn vốn để đầu tư hạ tầng số; phối hợp với các ngành cấp tỉnh đưa khu công nghệ thông tin tập trung tại phường Đông Hải đi vào hoạt động; duy trì vận hành hiệu quả Trung tâm điều hành thành phố thông minh.
Bà Phạm Thị Việt Nga – Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Thanh Hóa cho biết, địa phương khuyến khích doanh nghiệp, người dân tiếp cận, thực hiện các hoạt động mua bán, trao đổi trên các sàn thương mại điện tử, xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, phát triển bền vững.
"Hướng tới thành phố thông minh, văn minh hiện đại thì chuyển đổi số là điều kiện đảm bảo. Chỉ có đẩy nhanh chuyển đổi số chúng ta mới tăng được năng xuất lao động, mới kết nối được các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là thương mại, dịch vụ là ngành chủ lực để phát triển thành phố so với các vùng khác" - bà Phạm Thị Việt Nga nêu rõ.
Thành phố Thanh Hóa xác định chuyển đổi số là giải pháp nền tảng, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân./.