Vì sao Đảng cho cán bộ bị kỷ luật cơ hội sửa sai?
VOV.VN - Theo tinh thần của Quy định 41 và Kết luận 20 của Bộ Chính trị, những cán bộ bị khiển trách, cảnh cáo mà vẫn còn thời gian để phấn đấu rèn luyện, khắc phục thì nên cho họ cơ hội sửa sai. Quan điểm đó cho thấy sự nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn của Đảng.
Thời gian qua, nhiều cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo, khiển trách được điều chuyển xuống một vị trí công tác thấp hơn so với chức vụ khi bị kỷ luật, cho thấy tinh thần của Quy định 41-QĐ/TW, ngày 3/11/2021 (trước đó là Quy định số 260-QĐ/TW, ngày 02/10/2009) về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và Kết luận 20 của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật đã được áp dụng trên thực tiễn.
Mới đây nhất, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai điều động ông Cao Tiến Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy tới công tác tại Ban Dân vận Tỉnh ủy, giữ chức vụ Trưởng ban.
Ông Cao Tiến Dũng từng là Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ 2021-2026. Ông Dũng chịu trách nhiệm cùng với Ban thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Đồng Nai khi để UBND tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện một số dự án và công tác cổ phần hóa. Tại kỳ họp vào tháng 7/2023, HĐND tỉnh Đồng Nai khóa X đã miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Cao Tiến Dũng. Thời điểm ông Dũng thôi giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh tính từ ngày 1/8/2023.
Theo PGS-TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan đảng Trung ương, việc Tỉnh ủy Đồng Nai điều động, bổ nhiệm ông Cao Tiến Dũng làm Trưởng ban Dân vận là thực hiện theo đúng Quy định 41 và Kết luận 20 của Bộ Chính trị, hạ một cấp từ Phó Bí thư, Chủ tịch UBD tỉnh xuống làm Thường vụ, Trưởng ban Dân vận.
“Việc Tỉnh ủy Đồng Nai điều động, bổ nhiệm ông Dũng hoàn toàn phù hợp Quy định 41 và Kết luận 20 của Bộ Chính trị. Đặc biệt, ông Cao Tiến Dũng không phải là trường hợp đầu tiên”, PGS-TS Vũ Văn Phúc khẳng định.
Trước ông Dũng, ông Trần Hữu Thế cũng là Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên sau khi bị kỷ luật cũng đã bị hạ một cấp xuống làm thường vụ, hiện giờ là ủy viên Ban thường vụ, Bí thư Đảng ủy khối cơ quan, doanh nghiệp của tỉnh Phú Yên.
Theo Quy định 41 và Kết luận 20 của Bộ Chính trị, trường hợp cá nhân tự nguyện xin thôi chức, nghỉ việc, nghỉ hưu hoặc chờ nghỉ hưu đều được xem xét giải quyết. Có thể kể ra trường hợp của ông Nguyễn Thành Phong, bị kỷ luật khi làm Phó Bí thư, Chủ tịch UBND TP.HCM. Trước khi nhận quyết định kỷ luật, ông Phong đã được chuyển qua làm Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, khi bị kỷ luật ông Phong cũng xin thôi việc, chờ đến tuổi nghỉ hưu. Hay trường hợp của ông Huỳnh Tấn Việt khi bị kỷ luật đang là Bí thư Đảng ủy khối cơ quan Trung ương, ông Việt xin nghỉ hưu luôn. Một trường hợp nữa được cho thôi chức là ông Bùi Nhật Quang, Ủy viên Trung ương khóa XIII, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, sau khi bị kỷ luật cảnh cáo được cho thôi Ủy viên Trung ương, hiện chỉ là Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương…
“Quy định 41 và Kết luận 20 của Bộ Chính trị cho thấy Đảng không chỉ nghiêm minh trong kỷ luật nhưng cũng rất nhân văn trong xử lý. Nghiêm minh ở chỗ, anh đã bị kỷ luật (cảnh cáo hoặc khiển trách) thì theo đúng nguyên tắc không còn đủ uy tín để giữ chức vụ đó nữa phải chuyển xuống một vị trí công tác khác nếu vẫn còn tuổi công tác, như vậy là công bằng với những cán bộ không bị kỷ luật. Tính nhân văn của Đảng thể hiện ở chỗ, vẫn bố trí công tác khác để cán bộ có cơ hội sửa sai, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, 2 năm sau nếu hoàn thành xuất sắc nhiệm có thể được quy hoạch, bổ nhiệm vào chức vụ tương đương với chức vụ trước đây. Tính nhân văn này hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực, sự phấn đấu của cán bộ”, PGS-TS Vũ Văn Phúc nêu quan điểm.
Theo PGS-TS Vũ Văn Phúc, sở dĩ ông Cao Tiến Dũng được bố trí vào vị trí Trưởng Ban Dân vận của tỉnh, vị trí làm lãnh đạo, quản lý chứ không phải làm công tác chuyên môn là bởi theo Kết luận 20, khi bị kỷ luật, ông này đã bị hạ xuống một cấp. Cụ thể ông Dũng khi ở vị trí Phó Bí thư, Chủ tịch tỉnh gần tương đương với Thứ trưởng, Phó ban đảng, có hệ số phụ cấp 1,3, hạ xuống ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận, hệ số phụ cấp 1,05. Cũng theo tinh thần của Kết luận 20, những cán bộ không còn cấp nào để hạ (ví như Phó phòng-PV) thì mới xuống làm công tác chuyên môn.
Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan đảng Trung ương cũng cho rằng, cách xử lý cán bộ sai phạm của Đảng thời gian qua đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo cán bộ đảng viên nhân dân. Cũng có người này, người khác còn băn khoăn vì sao cán bộ đã bị kỷ luật mà vẫn còn bố trí công tác. Băn khoăn này có thể hiểu, cán bộ bị kỷ luật ở đây chỉ ở mức khiển trách, cảnh cáo chứ không phải kỷ luật cách hết chức vụ hay khai trừ khỏi Đảng. Cán bộ bị khiển trách, cảnh cáo mà vẫn còn thời gian để phấn đấu rèn luyện, khắc phục thì nên cho họ cơ hội. Khi cán bộ đã bị khai trừ khỏi Đảng, cách hết các chức vụ là mức độ kỷ luật rất cao, Quy định 41 và Kết luận 20 không bàn đến.
Theo khoản 1 Điều 10 của Quy định 41: “Cán bộ sau khi từ chức nếu có nguyện vọng tiếp tục công tác thì cấp có thẩm quyền có thể căn cứ vào năng lực, đạo đức, kinh nghiệm để xem xét, bố trí công tác phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị”.
Theo khoản 2 Điều 10: “Cán bộ đã từ chức và bố trí công tác khác, nếu được cấp có thẩm quyền đánh giá tốt, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện và khắc phục được những yếu kém, sai phạm, khuyết điểm thì có thể được xem xét để quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo quy định”.
Đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, sau khi bị kỷ luật, Kết luận số 20-TB/TW nêu rõ: “Việc bố trí cán bộ sau khi từ chức, miễn nhiệm thực hiện theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, theo hướng, cán bộ tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi, xin nghỉ công tác hoặc có nguyện vọng tiếp tục công tác thì cấp có thẩm quyền xem xét bố trí hoặc giải quyết theo nguyện vọng”.
Trường hợp cán bộ có nguyện vọng tiếp tục công tác, thời gian công tác còn dưới 5 năm, cán bộ là Uỷ viên Trung ương Đảng thì Bộ Chính trị xem xét, bố trí công tác phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Cán bộ ở cơ quan Trung ương và địa phương thì cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí làm công tác chuyên môn (không làm công tác lãnh đạo, quản lý), được giữ nguyên ngạch công chức đã được bổ nhiệm.
Trường hợp cán bộ còn thời gian công tác từ 5 năm trở lên thì cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí công tác theo nguyên tắc như trên.
Cán bộ sau khi bị kỷ luật tự nguyện xin từ chức thì được cấp có thẩm quyền căn cứ tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương xem xét từng trường hợp cụ thể để bố trí công tác theo hướng giảm một cấp so với chức vụ khi bị kỷ luật. Sau 24 tháng công tác ở vị trí mới, nếu khắc phục tốt những sai phạm, khuyết điểm, được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện thì được cấp có thẩm quyền xem xét quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử lại chức danh đã đảm nhiệm hoặc tương đương.