Xây dựng chính phủ điện tử là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam
VOV.VN -Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Mùa xuân (Spring Meetings) 2019 diễn ra ở thủ đô Washington, Mỹ.
Ngày 13/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã tham dự và phát biểu tại phiên họp mở đầu của Hội nghị Mùa xuân (Spring Meetings) 2019" do Ngân hàng Thế giới tổ chức (WB) về Quản trị số, phát triển Chính phủ số tại thủ đô Washington, Mỹ. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh xây dựng chính phủ điện tử là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ Việt Nam.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng tại Hội nghị Mùa xuân 2019 của Ngân hàng thế giới. |
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam bắt đầu từ năm 2000 và đạt được một số kết quả nhất định. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ Việt Nam xác định xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số là một trong những ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn 2016-2020 để tạo ra những nền móng vững chắc cho việc chuyển đổi số toàn diện trong giai đoạn 2021-2030.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trả lời các câu hỏi của các đại biểu về phát triển chính phủ điện tử ở Việt Nam. |
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nêu một số rào cản đối với phát triển chính phủ điện tử ở Việt Nam bao gồm: thể chế thiếu các nền tảng pháp lý quan trọng như việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước; định danh, xác thực điện tử; giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; và bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, các quốc gia phát triển và các tổ chức, định chế lớn như Ngân hàng thế giới cần tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt cho các nước đang phát triển. Ngoài ra, chính phủ các nước và khu vực tư nhân cùng hợp tác xây dựng các nền tảng mở, tiêu chuẩn kỹ thuật mở phục vụ quản trị số. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định Việt Nam sẵn sàng chia sẻ những bài học kinh nghiệm, những thành công cũng như những hạn chế trong việc triển khai Chính phủ điện tử với các nước, tổ chức có nhu cầu./.