Xây dựng quân đội vững mạnh nhưng không tạo gánh nặng cho nền kinh tế
VOV.VN - Theo Ph.Ăngghen "Người lính sẽ có sức mạnh vượt trội nếu có kỹ thuật chiến đấu tốt và mang theo bên mình một chiếc áo giáp, một thanh kiếm bảo vệ". Đảng ta luôn thấu suốt phương châm "người trước súng sau". Bên cạnh xây dựng bản lĩnh chính trị và tinh thần cho bộ đội, Quân đội đã từng bước đầu tư mua sắm những trang thiết bị, vũ khí hiện đại, nâng cao năng lực bảo vệ Tổ quốc.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu từ năm 2030 xây dựng quân đội hiện đại. Đây là một chủ trương lớn, đặc biệt quan trọng liên quan đến nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước. Vì thế, việc xây dựng quân đội hiện đại cần có lộ trình phù hợp với khả năng của nền kinh tế đất nước. Từ nay đến năm 2030, Đảng và Nhà nước ưu tiên một số lực lượng như phòng không, không quân, thông tin liên lạc, tác chiến điện tử, trinh sát kỹ thuật, lực lượng không gian mạng và cơ yếu tiến thẳng lên hiện đại. Từ đó, tạo tiền đề, nền tảng đến năm 2030, toàn quân tiến lên hiện đại.
Trung tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Cương Quyết, Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng phân tích: "Chúng ta mong muốn xây dựng quân đội hiện đại ngay, nhưng hiện nay, điều kiện, khả năng kinh tế của nước ta chưa thể đáp ứng luôn được. Do vậy, chúng ta phải lựa chọn theo hướng ưu tiên một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến lên hiện đại trước. Chúng ta phải thực hiện từng bước chứ không thể nóng vội và đốt cháy giai đoạn. Xây dựng quân đội vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới nhưng không tạo ra gánh nặng cho nền kinh tế."
Hiện nay, hình thái chiến tranh đã khác nhiều so với chiến tranh truyền thống, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong tương lai nếu có xảy ra sẽ là chiến tranh công nghệ cao mà đối phương sẽ sử dụng những vũ khí hiện đại, thông minh, tàng hình, tốc độ siêu thanh có sức hủy diệt lớn, độ chính xác cao. Để đối phó và đánh chặn những loại vũ khí này, chúng ta cũng cần phải có những vũ khí hiện đại.
Mặt khác, hình thái chiến tranh ngày nay cũng đã được mở rộng, ngoài tác chiến trên bộ, trên biển, trên không, còn có các hình thức tác chiến trong vũ trụ, trong môi trường điện từ và trên không gian mạng. Một đội quân không thể đem giáo mác, gậy tầm vông để tác chiến với máy bay ném bom tàng hình và tàu chiến sân bay trên biển. Vì thế việc tập trung nguồn lực cho việc hiện đại hóa quân đội phù hợp với tiềm lực và khả năng của nền kinh tế là yêu cầu khách quan, tất yếu.
Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: "Nguyên tắc bất di bất dịch là nhất định phải tìm mọi giải pháp tốt nhất có thể để bảo vệ Tổ quốc, thế nhưng cách thức thực hiện thì không thể nhất nhất như một. Thời đánh Pháp khác, gậy tầm vông có thể đánh được, thời đánh Mỹ đã bắt đầu khác rồi, nhưng đến thời nay, để bảo vệ Tổ quốc vùng biển, vùng trời thì không thể mang những thiết bị thông thường ra để đánh nhau ở trên trời, trên biển được. Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay còn vấn đề về không gian mạng, bảo vệ Tổ quốc phải từ sớm, từ xa, có nghĩa là từ khi chưa xuất hiện, hoặc có khả năng xuất hiện thì mình có thể nắm chắc được và dập tắt nó."
Việc chúng ta đầu tư kinh phí mua sắm, trang bị cho quân đội những vũ khí thế hệ mới đều được Việt Nam công khai với Liên Hợp Quốc và cộng đồng quếc tế. Hiện đại hóa quân đội, Việt Nam nhằm mục đích hòa bình, tự vệ, củng cố tăng cường tiềm lực quốc phòng và khả năng phòng thủ của đất nước. Chủ trương của Việt Nam là không tham gia liên minh quân sự, không phát triển quân đội để chạy đua vũ trang, không phát triển quân đội để làm phương hại và đe dọa tới hòa bình, ổn định của khu vực và trên thế giới.
Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Sỹ Lộc, Phó Tư lệnh Quân đoàn 3 lý giải rõ hơn về điều này: "Xây dựng quân đội hiện đại để đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, phải làm cho đất nước có môi trường hòa bình, ổn định để thu hút đầu tư, để tập trung phát triển kinh tế, làm cho dân giàu, nước mạnh thì quốc phòng cũng vững mạnh. Và tôi muốn nói thêm một điểm này, chúng ta xây dựng quân đội hiện đại từ năm 2030 là nhằm mục đích hòa bình, tự vệ, chứ không phải là nhằm mục đích phô trương sức mạnh quân sự."
Con người và vũ khí là hai yếu tố quan trọng, quyết định đến chất lượng sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Trong hai yếu tố này, con người vẫn giữ vai trò chủ đạo, chi phối và mang tính quyết định. Vũ khí đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ cho người chiến sĩ. Thấu triệt quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênnin về xây dựng Quân đội, chúng ta cần phát triển hài hoà, song hành vừa đầu tư phát triển con người vừa ưu tiên mua sắm trang bị vũ khí cho quân đội.
Theo Đại tá Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Văn Phai, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn quân sự, mọi biểu hiện coi nhẹ hoặc tuyệt đối hoá vai trò của con người và vũ khí đều rơi vào chủ quan và sai lệch trong nhận thức: "Tuyệt đối hóa vai trò của vũ khí hay con người, đều rơi vào quan điểm siêu hình, làm suy yếu và ảnh hưởng đến sức mạnh chiến đấu của quân đội ta. Mặt khác cũng cần lưu ý là trong quan điểm về vũ khí, thì cũng cần phải tránh những quan điểm quá nhấn mạnh về vũ khí hiện đại, vũ khí thông minh, vũ khí, công nghệ cao mà xem nhẹ đi vũ khí truyền thống và ngược lại."
Để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới, chúng ta luôn có phương án và sẵn sàng chuyển trạng thái của quân đội từ thời bình sang thời chiến, chuyển địa phương vào trạng thái quốc phòng, trong bất kỳ tình huống nào, khi độc lập, chủ quyền lãnh thổ của đất nước bị xâm phạm, chúng ta huy động sức mạnh của toàn dân để bảo vệ đất nước. Để thực hiện được điều đó, cần tiếp tục đầu tư kinh phí mua sắm, trang bị cho Quân đội những vũ khí, trang bị hiện đại phù hợp với tiềm lực của nền kinh tế đất nước, đủ sức đánh trả và đánh thắng mọi cuộc chiến tranh xâm lược, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.