Xét xử đại án Việt Á: Thấy gì khi 3 cựu Ủy viên Trung ương hầu tòa?
VOV.VN - Nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đào Duy Quát cho rằng, khi chúng ra đưa vụ việc này ra xét xử công khai thì đây là bước tiến lớn của tất cả các lực lượng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Sau gần 2 tuần xét xử, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đã đưa ra phán quyết đối với 38 bị cáo trong vụ án liên quan Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á. Đây là lần đầu tiên, trong một vụ án cả ba cựu Ủy viên Trung ương cùng bị đưa ra xét xử, bao gồm: Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh và cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng. Từ bản chất của vụ án này, chúng ta cần đúc rút ra điều gì trong công tác rèn luyện đội ngũ cán bộ? Để từ đó củng cố niềm tin của Nhân dân vào quyết tâm chính trị của Đảng trong công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Phóng viên VOV phỏng vấn PGS-TS Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
PV: Thưa ông, trong vụ án liên quan đến Công ty Cổ phần Việt Á, lần đầu tiên ba cựu Ủy viên Trung ương cùng bị đưa ra xét xử và lĩnh án. Theo đó, toà tuyên án ông Nguyễn Thanh Long 18 năm tù, ông Chu Ngọc Anh 3 năm tù, ông Phạm Xuân Thăng 5 năm tù. Rõ ràng, đây là phiên tòa để lại nhiều suy nghĩ?
PGS- TS Đào Duy Quát: Trước hết, đây là một vụ đại án. Nó xảy ra trong bối cảnh chưa từng có tiền lệ. Đó là khi đất nước chúng ta đang phải "gồng mình" chống chọi với dịch Covid-19. Khi chúng ra đưa vụ việc này ra xét xử công khai thì nó là một bước tiến lớn của tất cả các lực lượng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, do chỉ đạo của Đảng trong cải cách tư pháp, trong xây dựng Đảng. Phương châm của chúng ta là vừa phòng, vừa chống, trong đó lấy phòng là chính. Nhưng chống thì không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Và khi chúng ta xét xử vụ Việt Á này thì các bị cáo đều tâm phục, khẩu phục, nhận tội. Điều đó cho thấy, chúng ta đã làm rất nhân văn, đúng luật, đúng người, không sai người, sai tội.
Sau khi điều tra rất cặn kẽ, thì sai đến đâu, rõ đến đâu chúng ra xử đến đó. Nếu chưa rõ thì tiếp tục điều tra. Và cuối cùng, tất cả các bị can đều nhận tội, đều phải xin lỗi, xin lỗi Đảng, Nhà nước và Nhân dân, xin lỗi các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tức là họ đã rất ân hận, họ đã nhận thức được tội của mình, biết nhận tội và biết hối cải. Điểm nhân văn nữa mà tôi thấy đó là, chúng ta phân định rất rõ ràng, rạch ròi, cùng nhận hối lộ, nhận tiền nhưng căn cứ vào động cơ, mục đích, hoàn cảnh, bối cảnh để đưa ra phán quyết hợp tình, hợp lý. Chúng ta thấy những người mà không nhận, hoặc là có nhận nhưng đã trả lại, hoặc từ chối nhận, hay là bị ép buộc phải nhận…thì đều được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng và có bị cáo không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Như thế, cũng là một bước tiến lớn trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, rất nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn. Đúng người, đúng tội.
PV: Những cựu cán bộ từng có chức quyền như vậy hầu tòa cũng có nghĩa, chúng ta đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, bất kể người đó là ai?
PGS-TS Đào Duy Quát: Đúng vậy, trước đây, đúng là cũng có tâm trạng xã hội, người ta cảm thấy có "vùng cấm". Thế nhưng, khi chúng ta kiên quyết chống và đã đưa được một số vụ đại án ra xử lý thì lòng tin của dân được nâng lên rất rõ. Tôi thấy ở đây có hai vấn đề. Thứ nhất, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đều nhất trí rằng, tham nhũng, tiêu cực đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng và chế độ. Cho nên, quyết tâm chính trị của toàn Đảng đã được toàn dân đồng tình.
Thứ hai, đưa những đại án như vậy ra ánh sáng cũng thể hiện bản lĩnh của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra. Nếu họ làm sai lệch bản chất vụ việc thì cũng có nghĩa là rất khó để làm rõ sai phạm. Cho nên Tổng Bí thư đã nói rằng, nếu kiểm tra, giám sát tốt, để các lực lượng đang làm nhiệm vụ này giữ vững bản lĩnh, giữ vững được phẩm chất đạo đức, thật sự liêm chính thì chắc chắn cuộc đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực sẽ thành công. Nhưng nếu họ lạm dụng quyền lực thì chúng ta phải xử. Vừa rồi Bộ Chính trị mới có quy định bổ sung, giám sát quyền lực của chính các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra.
PV: Khi chúng ta phanh phui các vụ đại án như chuyến bay giải cứu hay Việt Á, có ý kiến cho rằng, làm mạnh như vậy thì có thể nhiều cán bộ sẽ nảy sinh tâm lý e dè, né tránh, sơ sại, sợ trách nhiệm nên chần chừ, do dự, không dám làm. Vậy theo ông, đây có phải là biểu hiện của "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" không?
PGS-TS Đào Duy Quát: Không nên nghĩ như thế. Tôi lấy một ví dụ thôi. Hiện nay, Luật Đất đai đang trong quá trình sửa đổi. Rất nhiều vấn đề liên quan đến đất đai, đến bất động sản…Nhiều địa phương họ cũng muốn làm, nhất là vấn đề như giải phóng mặt bằng, đền bù, chuyển đổi mục đích sử dụng đất…Nhưng không làm được vì vướng Luật. Nếu họ làm thì sai Luật. Nên đúng là có người nói thà nhận kỷ luật hành chính còn hơn phải đứng trước vành móng ngựa. Quốc hội sắp tới cũng phải có phiên họp đột xuất, bất thường để thông qua Luật Đất đai, chính là để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các địa phương là như thế. Do vậy, nếu nói họ sợ sai, sợ trách nhiệm mà quy kết ngay thành "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" thì chưa đúng và không nên. Nó chỉ đúng khi cơ chế thông thoáng, pháp luật không vướng, mà anh chần chừ, do dự, anh không làm, anh né tránh, đùn đẩy. Lúc nào cũng sợ sai, không làm thì anh là người thiếu trách nhiệm. Mà nếu như thế thì dứt khoát như Tổng Bí thư nói, anh đứng ra chỗ khác để cho người khác làm. Tức là chúng ta phải căn cứ vào tình hình rất cụ thể để đánh giá cán bộ.
PV: Qua vụ án Việt Á cũng như vụ án liên quan chuyến bay giải cứu thì theo ông, trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nếu chúng ta chỉ nhấn mạnh vào giáo dục đạo đức của cán bộ, đảng viên thôi thì có thực sự giải quyết triệt để được vấn đề hay không?
PGS- TS Đào Duy Quát: Thực ra là phải đồng bộ. Đồng bộ cả tư tưởng, tổ chức, cơ chế, chính sách và cán bộ. Phải làm đồng thời, chứ nếu chỉ làm tư tưởng là làm chay. Tôi lấy ví dụ như anh bố trí một cán bộ năng lực kém, phẩm chất, đạo đức, lối sống không tốt thì giáo dục thế nào? Anh không có năng lực, không có phẩm chất đạo đức thì anh đứng giao giảng đạo đức ai nghe. Theo tôi là phải đồng bộ. Đương nhiên hàng đầu vẫn là giáo dục. Đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải tự giáo dục, tự rèn luyện trước. Riêng phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tôi vẫn cho rằng, giải pháp cần phải đồng bộ. Cả giải pháp về chính trị, tư tưởng, giải pháp về cơ chế chính sách, giải pháp về kiểm tra, giám sát, giải pháp về tổ chức, cán bộ, giải pháp về dựa vào nhân dân... Chứ không chỉ có riêng tư tưởng.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.