Xử lý tham nhũng, tiêu cực ngày càng bài bản, thuyết phục hơn
VOV.VN - Bước tiến trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thể hiện ở cách làm ngày càng bài bản, lớp lang, chắc chắn hơn và thuyết phục hơn.
Phòng, chống tham nhũng tiêu cực có bước tiến, đạt hiệu quả cao hơn.
Chủ trì phiên họp thứ 23 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo khẳng định, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực ngày càng có bước tiến, hiệu quả cao hơn, thêm nhiều kinh nghiệm để tiếp tục làm tốt hơn nữa nhiệm vụ chống "giặc nội xâm", được nhân dân, cán bộ đảng viên trong cả nước, bạn bè quốc tế công nhận.
Kết quả cho thấy, trong năm 2022, 539 đảng viên đã bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 15 trường hợp so với năm trước); cho thôi giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng (khóa XIII) đối với 5 cán bộ; cho thôi giữ chức vụ đối với 2 Phó Thủ tướng Chính phủ, 3 Thứ trưởng và tương đương, 1 Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV).
Năm 2022, trên cả nước đã khởi tố mới 493 vụ/1.123 bị can về tội tham nhũng (tăng 163 vụ/328 bị can so với năm 2021). Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã khởi tố mới 11 vụ/37 bị can, xét xử kịp thời một số vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo, trong đó có vụ án xảy ra tại AIC, Bệnh viện Bạch Mai, Dự án Nha Trang Center 2, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế, đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng; Đồng Nai, Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận.
Cùng với đó, công tác thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạm giữ, kê biên, phong toả tài khoản trị giá trên 364.000 tỷ đồng (tăng hơn 10 lần so với năm 2021); cơ quan thi hành án dân sự thu hồi được 27.400 tỷ đồng (tăng gấp 3 lần so với năm 2021).
Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thực hiện rất nhân văn, nhân nghĩa, nhân ái, nhân tình nhưng vẫn đủ răn đe và giáo dục, ngăn ngừa là chính. “Xử là phải xử nghiêm theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với lương tâm, tình cảm chứ không phải cứ xử nặng mới là tốt”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.
Kết quả đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022 cũng được Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học khẳng định tại cuộc họp báo thông tin kết quả phiên họp 23 của Ban chỉ đạo vào chiều 12/1.
Ông Nguyễn Thái Học cho biết, tại phiên họp, Tổng Bí thư khẳng định bước tiến vượt bậc trên nhiều mặt trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thể hiện trong nhận thức và quyết tâm chống “giặc nội xâm” của toàn quân, toàn dân ta. Từ các vụ án lớn, nghiêm trọng, phức tạp, chúng ta càng nhận thức sâu sắc và đầy đủ về tham nhũng, tiêu cực với đầy đủ mức độ, tinh vi, phức tạp và tác hại nghiêm trọng.
Bước tiến vượt bậc đó còn thể hiện ở việc đi sâu, làm rõ bản chất của tham nhũng, tiêu cực và kiên quyết xử lý nghiêm minh, đến nơi đến chốn các hành vi vi phạm, dù đối tượng có bỏ trốn ra nước ngoài vẫn xét xử vắng mặt theo đúng quy định của pháp luật.
“Lâu nay ít khi nào chúng ta xử được tội đưa và nhận hối lộ mà thường chỉ xử tội Thiếu trách nhiệm hoặc Cố ý làm trái. Nhưng càng về gần đây, chúng ta đi đến tận cùng bản chất của hành vi tham nhũng, tiêu cực đó là đưa, nhận hối lộ, là tham nhũng với đầy đủ tính chất nguy hại, nghiêm trọng của nó. Đây là bước tiến mới trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”, ông Nguyễn Thái Học cho biết, qua việc xét xử vắng mặt đối với những bị cáo phạm tội nhưng bỏ trốn ra nước ngoài thể hiện quyết tâm của Đảng. Đã vi phạm pháp luật, trở thành tội phạm thì dù có trốn ở nơi nào cũng không thể thoát được sự trừng trị của luật pháp.
Những người bị xử lý tâm phục, khẩu phục.
Theo Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, tại phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, bước tiến trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn thể hiện ở cách làm ngày càng bài bản, lớp lang hơn, chắc chắn hơn và thuyết phục hơn, kỷ luật Đảng đi trước, kỷ luật hành chính, rồi mới xử lý hình sự.
“Tính thuyết phục thể hiện ở chỗ, không những trong Đảng, trong dân đồng tình, ủng hộ mà ngay cả những người bị xử lý cũng tâm phục, khẩu phục. Vừa qua, những người bỏ trốn ra nước ngoài cũng viết thư về xin chịu sự trừng trị của luật pháp. Các bị cáo khai báo rất thành khẩn đã nhận bao nhiêu tiền, làm gì, sử dụng vào mục đích nào và đề nghị pháp luật xem xét, như vậy là rất tâm phục, khẩu phục. Kết quả này có được không phải tự nhiên mà có, mà đó là cả một quá trình đấu tranh bài bản, lớp lang, chắc chắn của các cơ quan chức năng”, ông Nguyễn Thái Học cho biết.
Cũng theo ông Nguyễn Thái Học, bước tiến mới trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn thể hiện là sự phối kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan chức năng ở Trung ương trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và sự phối kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa Trung ương với địa phương.
Tổng Bí thư đã nói: Trung ương chỉ đạo đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực như thế nào thì nhiều Ban chỉ đạo ở cấp tỉnh cũng quyết tâm, nỗ lực chỉ đạo như thế. Kết quả, trong năm 2022, các địa phương trong cả nước đã phát hiện, khởi tố 453 vụ án tham nhũng (tăng 1,5 lần so với năm 2021); nhiều địa phương đã khởi tố vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, liên quan đến cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý, trong đó có cả Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, đến nay có 24 địa phương đã khởi tố 27 vụ án/68 bị can.
“Thông qua đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực càng khẳng định Đảng càng mạnh hơn, kỷ luật, kỷ cương càng được tăng cường hơn, lòng tin của người dân vào Đảng, vào chế độ được khẳng định, phát huy. Đây là điều rất quan trọng”, ông Nguyễn Thái Học cho biết, càng làm, chúng ta càng có thêm nhiều kinh nghiệm quý trong việc xử lý tội phạm có tính chất chuyên sâu, khép kín trên nhiều lĩnh vực như chứng khoán, trái phiếu Chính phủ, ngân hàng... Đồng thời từng bước xử lý trách nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo để cơ quan, đơn vị, cấp dưới làm sai; bước đầu xác định trách nhiệm và xử lý đối với cán bộ liên quan trong xây dựng và hoàn thiện thể chế. Nếu cán bộ có trách nhiệm tham mưu văn bản pháp luật không đúng, không đầy đủ, để xảy ra tham nhũng, tiêu cực thì cũng xác định trách nhiệm để xử lý./.