Xuân ấy chúng tôi làm phát thanh Tết

Tôi chuyển khỏi nghề phát thanh đã lâu, nhưng mỗi lần Tết đến lại thấy hiện về biết bao kỷ niệm không thể nào quên của gần hai mươi mùa xuân được làm báo Tết trên sóng phát thanh.

Kỷ niệm thì nhiều nhưng nhớ nhất vẫn là chương trình phát thanh đón xuân 1975 trên buổi phát thanh “Quân giải phóng miền Nam” của Đài Phát thanh giải phóng.   

Vào đầu tháng 12/1974, toàn quân ta từ Bắc đến Nam vừa kết thúc đợt sinh hoạt chính trị để bước vào chiến cục Đông Xuân 1974 - 1975, ở các cấp chỉ huy quan trọng, kế hoạch chiến lược được phổ biến rất chi tiết. Còn cánh nhà báo quân đội như chúng tôi cũng chỉ được quán triệt ở những nét lớn rằng: “Năm 1975 sẽ tạo ra bước ngoặt lớn trong cuộc kháng chiến vĩ đại ở miền Nam”. Bấy giờ, vấn đề bí mật chiến lược trên báo chí được qui định rất nghiêm ngặt. Vì vậy, khi được giao viết bài Tết và làm chương trình Tết, đối với chúng tôi, những nhà báo trẻ mới vào nghề là vô cùng khó khăn. Anh Tất Đắc, Trưởng ban biên tập và anh Lê Hào, Phó Trưởng ban biên tập bảo chúng tôi: “Ngay tháng 12 đã phải có tư duy cho chương trình Tết. Nói chương trình Tết không chỉ nói về hoạt động trong Tết, mà phải nói về sức xuân của năm 1974 và sức bật của mùa xuân 1975. Không nói đến xuân mà chương trình lại mang hương sắc mùa xuân. Điều đó đòi hỏi phải tích lũy tư duy, tích lũy cảm xúc từ tư liệu khai thác trước Tết”.     

Nghe các anh nói, chúng tôi càng lo. Làm thế nào để có chương trình hay, hấp dẫn là một việc thật khó. Lo vậy nhưng được các anh chỉ dẫn, cứ học và làm rồi cũng sáng ra.     

Kế hoạch làm chương trình Tết của Buổi phát thanh “Quân giải phóng miền Nam” năm ấy có 6 chương trình, gồm 4 chương trình thời sự và 2 chương trình văn nghệ. Hai anh: Tất Đắc và Lê Hào giao cho tôi tổ chức chương trình tối mồng 2 Tết. Công việc khẩn trương và vất vả vô cùng.

“Nói thế nào cho giống như đang nói trong Tết đây?”

Gần cuối năm, bà Nguyễn Thị Định, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam, Phó Tư lệnh lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam ra miền Bắc dự lễ tấn phong quân hàm cấp tướng trong quân đội và ở lại họp bàn kế hoạch xuân 1975. Theo kế hoạch, bà Nguyễn Thị Định sẽ lên đường về miền Nam vào đầu tháng 1/1975. Anh Mai Đông Hải, Thiếu tá - BTV lâu năm được cử đi nghe cô Ba Định nói về tình hình miền Nam để viết bài. Khi đi, anh bảo tôi đem máy ghi âm R5 đi cùng. Đến khu nghỉ mát của Trung ương ở Hồ Tây, cô Ba dành hai giờ liền để nói chuyện. Vừa nghe cô nói, tôi vừa tổng hợp, suy nghĩ để ghi âm cho chương trình Tết. Khi giải lao 10 phút, anh Mai Đông Hải đề nghị: vào cuối buổi làm việc sẽ xin cô phát biểu một số ý kiến về tình cảm của đồng bào, chiến sĩ miền Nam đối với hậu phương miền Bắc. Cô vui vẻ đồng ý ngay.      

11 giờ kém 15 phút, đồng chí bảo vệ nhắc chúng tôi làm đúng giờ để cô Ba còn ăn trưa và nghỉ ngơi. Thời chiến tranh, việc thực hiện đúng lịch là một nguyên tắc.     

Cuộc ghi âm bắt đầu. Cô Ba Định hỏi tôi: “Nói thế nào cho hay hả Sáu? (khi bắt đầu làm việc cô hỏi tôi thứ mấy trong nhà, tôi nói: thứ năm; theo cách gọi Nam bộ là thứ sáu) - Tôi trả lời: “Thưa cô! Cô nói chuyện như đang đón Tết” - “Ủa! Hơn tháng nữa mới Tết, nói thế nào như đang nói trong Tết đây cháu?” -  Anh Mai Đông Hải đỡ lời: “Dạ! Chị cứ nói như đang ở B2, khi Tết đã về…”.  

Tôi mở máy ghi âm. Cô Ba nói một mạch, nhỏ nhẹ, tình cảm và đầm ấm. Nói xong, Cô hỏi: “Dzậy, được chưa?”     

Chúng tôi báo cáo: “Rất hay ạ!”. Cô cười: “Dzậy, mở thử, coi cho dzui”. Cô tỏ vẻ rất hài lòng và dặn chị Mẫn ghi lịch phát sóng vào 20h30 mồng 2 Tết 1975 để cô nghe. Đó là một đoạn băng ghi âm 5 phút, điểm chủ đạo của chương trình tối mồng hai Tết 1975.

3 giờ sáng 28 Tết, ở Đài bá âm     

Ngày 25 Tết, Bộ biên tập Đài Phát thanh giải phóng và toàn bộ Ban biên tập chương trình phát thanh “Quân giải phóng miền Nam” tổng duyệt 6 chương trình Tết. Đến cuối chiều, sau khi mọi người phát biểu ý kiến, anh Nguyễn Thành, Giám đốc Đài và anh Hồng Cư quyết định: Các chương trình đón Giao thừa đêm 30, chương trình văn nghệ tối mồng một Tết và chương trình mồng 2 Tết phải dỡ ra dựng lại. Các đồng chí yêu cầu: Bài tùy bút của anh Dân Hồng cho phát vào đêm Giao thừa, sau đó phát kèm bài hát “Đường chúng ta đi” của Huy Du. Cũng bài tùy bút đó, phát lại trong phần đầu chương trình tối mồng 2 Tết, sau đó pha âm bài hát “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát”, cũng của Huy Du. Chương trình văn nghệ tối mồng một Tết, rút bớt các bài hát: “Xuống đường”, “Tiến về Sài Gòn”, và bài “Bão nổi lên rồi”. Nghe ý kiến chỉ đạo, chúng tôi hiểu, đó là bí mật chiến lược.       Khổ một nỗi, trong ngày 26, 27 và 28 Tết, các giờ đọc, giờ thu ở Đài Bá âm đã kín chỗ, chỉ còn thời gian từ 23 giờ ngày 28 đến 2 giờ đêm 29 Tết. Đành phải chấp nhận.       

Giáp Tết 1975, rất rét, mưa phùn lê thê. Suốt buổi chiều nhờ đọc lại bài và chọn nhạc, đến 23 giờ đêm 28, chúng tôi mới bắt tay vào dựng lại chương trình. Các chị: Kim Sen (phát thanh viên), chị Kim Oanh và Thanh Lâm (công nhân kỹ thuật âm thanh) mặc áo mưa đến Đài Bá âm làm ca đêm nhưng rất vui vẻ, nhiệt tình. Máy cứ chạy. Pha tiếng, pha nhạc vào băng, thấy chưa ăn nhập, lại dỡ ra làm lại. Mãi đến 2 giờ đêm 29 Tết, băng chương trình phát thanh 30 phút mới hoàn thành.     

Cất băng vào kho xong, bốn chị em đi ra quán phở đêm ở phố Bà Triệu để liên hoan, chào mừng việc hoàn thành kế hoạch. Khi tôi đạp xe về nhà thì ba chị lại trở vào Đài Bá âm làm tiếp. Họ phải trực cả đêm 28, 29 và đêm Giao thừa để làn sóng không bao giờ ngừng trước một mùa xuân vĩ đại đang chờ…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên