Ông nói, ngoài những giải pháp mang tính tình thế, điều căn cơ nhất là vẫn phải đẩy mạnh hơn nữa những cải cách đang đi đúng hướng, mới có thể thu hút tốt hơn dòng vốn nước ngoài.
Không ngại vốn đảo chiều
Những thống kê của các tổ chức quốc tế đều ghi nhận sự đảo ngược dòng vốn chảy ra khỏi các thị trường mới nổi trong năm 2015. Thị trường chứng khoán Việt Nam chịu tác động như thế nào, thưa ông?
Năm vừa qua, do tác động từ biến động của nền kinh tế toàn cầu, sụt giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, giá dầu lao dốc đã tác động khá toàn diện.
Trong đó, xu hướng chung của thị trường chứng khoán thế giới là sụt giảm, nhiều thị trường giảm mạnh như Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc đến Malaysia… đều giảm. Mức từ 6-15%, có thời điểm giảm 20%.
Các thị trường chứng khoán mới nổi bị rút vốn khá lớn, theo các thống kê thì khoảng 540 tỷ USD. Việc tăng lãi suất của Mỹ mặc dù cũng được dự báo trước, nhưng thị trường vẫn phản ứng tiêu cực.
Chúng ta có thể thấy, chỉ mỗi lần dự kiến tăng cũng đã gây tác động, đồng thời khi lãi suất được điều chỉnh tăng chính thức vẫn gây tác động.
Tôi cho rằng diễn biến tăng lãi suất này sẽ vẫn tác động trong năm 2016, và ta không thể tránh khỏi ảnh hưởng. Một khi nền kinh tế Mỹ hồi phục, lôi kéo dòng vốn nhiều hơn thì các nước yếu hơn sẽ gặp bất lợi trong hút vốn.
Đối với chúng ta, thị trường chứng khoán vẫn duy trì được ở mức tương đối, chỉ số tăng 6,1%, vốn hóa tăng 17%, huy động vốn tăng kỷ lục. Riêng huy động cổ phiếu tăng 46% là tích cực. Đó là thành tích rất tốt, cần ghi nhận.
Riêng dòng vốn nước ngoài, đến đầu tháng 11 vẫn đạt dương. Trong tháng 11 bị rút ra khi Mỹ tăng lãi suất đến gần. Dòng vốn đi ra khoảng 70 triệu USD. So với năm ngoái thì mức ra ròng chỉ bằng một nửa. Đó cũng có thể coi là dấu hiệu tốt, nhất là so với mảng thị trường mới nổi.
Trong năm 2015 chúng ta đã làm được khá nhiều trong câu chuyện cải cách, tháo gỡ vướng mắc pháp lý. Liệu đó có phải là yếu tố khiến dòng vốn nước ngoài không bị xáo trộn quá mức?
Đúng vậy. Tôi cho rằng lý do cơ bản nhất có lẽ là tín hiệu tăng trưởng kinh tế của ta vẫn tốt.
Về cơ bản, xu thế là nền kinh tế thoát đáy và đang hồi phục. Các giải pháp cải cách từ xử lý nợ xấu đến cải cách thể chế, cổ phần hóa… cũng được tháo gỡ nhiều.
Riêng với thị trường chứng khoán, Nghị định 60 có vai trò quan trọng nhất. Trong các hội nghị xúc tiến đẩu tư, nhất là thời điểm thị trường Trung Quốc giảm thì thị trường chứng khoán Việt Nam không giảm. Chỉ khi đồng Nhân dân tệ bị phá giá ta mới bị ảnh hưởng.
Chủ trương lớn của Chính phủ là quyết tâm thu hút dòng vốn trong và ngoài nước vào thị trường chứng khoán. Đành rằng việc áp dụng Nghị định 60 còn vướng, nhưng quan điểm chỉ đạo nói trên là đúng hướng.
Cần nhấn mạnh rằng việc cổ phần hóa gắn với niêm yết cơ bản đã được tháo gỡ các yếu tố kỹ thuật. Các văn bản pháp lý hướng dẫn đều nhấn mạnh điều này.
Hầu hết các đề xuất của Ủy ban Chứng khoán và Bộ Tài chính được Chính phủ ủng hộ. Quan điểm là khác trước, chúng ta đã coi phát triển thị trường chứng khoán là yếu tố để hỗ trợ tăng trưởng, cải cách các kênh huy động vốn.
Trung Quốc, tỷ giá, giá dầu
Những tác động bất lợi của năm 2015 dự kiến vẫn sẽ còn ảnh hưởng lâu dài trong năm 2016. Theo ông chúng ta có những thuận lợi và khó khăn gì trong năm tới?
Tiêu cực lớn nhất theo tôi vẫn là diễn biến thị trường chứng khoán và nền kinh tế Trung Quốc. Diễn biến xấu sẽ tác động lớn đến thị trường toàn cầu. Điều hiển nhiên là một khi nền kinh tế thứ hai thế giới chuyển mình thì chắc chắn có tác động.
Yếu tố thứ hai là câu chuyện tăng lãi suất USD. Xu hướng chắc chắn sẽ là tiếp tục tăng, từ đó sự dịch chuyển dòng vốn trở thành xu hướng mạnh hơn.
Cuối cùng là giá dầu. Giá dầu giảm sâu sẽ gây bất lợi. Tôi cho rằng giá dầu có thể không còn giảm sâu nhiều nữa, nhưng sẽ vẫn ở mức thấp và tác động tổng thể lên nền kinh tế.
Thuận lợi lớn nhất là nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng. Các tổ chức nước ngoài dự báo 6,5-6,7%, rất tốt. Khi các tổ chức nước ngoài độc lập đưa ra dự báo, đó là tín hiệu tốt đối với các nhà đầu tư quốc tế.
Thứ hai là các chính sách cổ phần hóa năm tới sẽ tốt hơn vì hầu hết chính sách đã được ban hành. Cuối năm 2015 vấn đề thoái vốn trọn lô, thay đổi quản trị đã tốt hơn, từ đó thúc đẩy cải cách doanh nghiệp nhà nước, hút được dòng vốn tốt hơn.
Thứ ba là bản thân thị trường chứng khoán, chúng tôi thấy có khó khăn, thuận lợi và cũng có giải pháp chuyển giai đoạn từ phát triển bề rộng sang chiều sâu đang đi đúng hướng.
Điều cần làm tiếp là tái cấu trúc hơn nữa về chất lượng hàng hóa, huy động vốn, các tổ chức kinh doanh chứng khoán…. Tôi tin tưởng sẽ triển khai đượcc các giải pháp tháo gỡ để Nghị định 60 thực sự đi vào cuộc sống.
Thứ tư, năm 2016 vẫn là năm khó khăn của ngân sách. Giá dầu thấp, kinh tế tuy đang hồi phục nhưng vẫn còn khó khăn. Bộ Tài chính cũng đã có lộ trình và đối sách để xử lý. Đến 2017 các vấn đề nợ công, ngân sách sẽ đỡ khó hơn theo lộ trình này.
Cổ phần hóa phải có điểm nhấn
Ông có nói đến nhiệm vụ cải cách là ưu tiên để thu hút dòng vốn nước ngoài trong bối cảnh khó khăn hiện tại. Vậy đâu là những bước đi cần thiết nhất lúc này?
Như tôi đã nói ở trên, câu chuyện Trung Quốc và tỷ giá sẽ tác động mạnh lên sự vận động của dòng vốn trong năm 2016.
Đây là các yếu tố rất khó dự báo và chúng ta chỉ có thể xác định từ đầu là việc thu hút dòng vốn sẽ gặp khó khăn, để từ đó kiên trì cải cách hơn nữa.
Lớn nhất, theo tôi là vẫn phải cải thiện, tháo gỡ khó khăn để thu hút dòng vốn. Kinh tế phục hồi và tăng trưởng được quốc tế nhìn nhận như điểm sáng. Nếu ta làm tốt những tháo gỡ khó khăn và mở cửa thị trường thì chắc chắn dòng vốn sẽ không rút ra mà tìm đến VIệt Nam.
Trong cải cách, theo tôi có mấy trọng tâm: đưa Nghị định 60 vào cuộc sống và đột phá trong cổ phần hóa, thoái vốn.
Chúng ta tháo gỡ được khá nhiều vướng mắc trong những vấn đề này nhưng vẫn vướng mắc. Qua thực tiễn, thoái vốn thì thành công tới 97% nhưng cổ phần hóa thì chưa. Năm 2015, nhà đầu tư nước ngoài hầu như không tham gia cổ phần hóa vì lý do lớn nhất là tỷ lệ chào bán thấp quá, không thay đổi quản trị được thì họ không yên tâm bỏ tiền vào.
Đó là điều cần thay đổi, bằng cách tăng tỷ lệ chào bán lên. Tiếp nữa là phương thức cổ phần hóa đấu giá công khai cũng tốt, nhưng lại ko thu hút được nhà đầu tư chiến lược.
Chúng tôi đã nhiều lần báo cáo Chính phủ, Bộ Tài chính và Cục Tài chính doanh nghiệp, và thấy rằng nếu có điểm nhấn thì cổ phần hóa sẽ tốt hơn, triệt để hơn, hút vốn nhiều hơn.
Trong vấn đề cổ phần hóa, tỷ lệ chào bán phải cao hơn; bán cho nhà đầu tư chiến lược theo hình thức dựng sổ. Trên thế giới các đối tác lớn đều tham gia đấu giá theo cách này. Họ chỉ mời một số tổ chức chiến lược đến và đấu giá với nhau xác định giá chứ không chờ các nhà đầu tư nhỏ lẻ xác định giá ở đấu giá công khai rồi dùng giá đó áp cho các tổ chức chiến lược.
Quan trọng là việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, trách nhiệm thế nào, giá nào, cam kết ra sao và để các tổ chức cạnh tranh trực tiếp với nhau.
Điều cuối cùng là chính sách tỷ giá. Rõ ràng là áp lực tỷ giá đang cao, Mỹ tăng lãi suất, các nước phá giá đồng nội tệ nhiều hơn Việt Nam. Nếu chúng ta muốn giữ ổn định tỷ giá thì phải bơm dự trữ, thậm chí là tăng lãi suất tiền đồng, dẫn đến nhiều khó khăn khác.
Tôi cho là vấn đề tỷ giá phải xử lý chủ động, linh hoạt và tinh tế. Chúng ta thoát hiểm được áp lực, thì sẽ thành công.
Tỷ lệ sở hữu nước ngoài sẽ có đột phá
Ông có đề cập đến việc tháo gỡ các vướng mắc trong việc triển khai Nghị định 60, để thực sự đưa Nnghị định này vào cuộc sống. Liệu thị trường có thể kỳ vọng một giải pháp trọn vẹn hay không?
Hai vướng mắc chính trong quá trình triển khai Nghị định 60 mở room cho nhà đầu tư nước ngoài, là vấn đề “vênh” với Luật Đầu tư khi luật này quy định tỷ lệ nắm giữ trên 51% được coi là doanh nghiệp nước ngoài và được ứng xử theo các quy định đối với loại hình doanh nghiệp này.
Vướng thứ hai là tinh thần mở 100% đối với các doanh nghiệp không thuộc diện bị hạn chế, có điều kiện. Tuy nhiên việc xác định một doanh nghiệp có thuộc diện bị hạn chế, có điều kiện hay không thì bản thân doanh nghiệp và cơ quan quản lý cũng thấy khó khăn.
Chính vì hai vướng mắc này mà khi Nghị định 60 ra đời, thị trường cũng rất háo hức, nhưng khi va chạm với thực tế lại nảy sinh nhiều vấn đề. Rất ít doanh nghiệp tuyên bố mở room 100% và một vài công ty có mở, nhưng thực tế là chưa triển khai được.
Khi đã xác định được những vướng mắc như vậy thì hướng xử lý là gì, thưa ông?
Chúng tôi đã làm việc chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xử lý các vướng mắc, thậm chí có thể áp dụng các xử lý mang tính kỹ thuật. Nghị định 118 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư đã có quy định mở.
Đó là, doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán thì tỷ lệ sở hữu, thủ tục đầu tư được thực hiện theo quy định về chứng khoán. Nghị định 118 cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện quy định này.
Trên cơ sở này, chúng tôi dự kiến đề xuất một số phương án. Phương án 1 là doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch khi chưa mở được room cho nhà đầu tư nước ngoài 100% thì có thể mở 65% và nếu vượt quá 65% thì mới coi đó là doanh nghiệp nước ngoài.
Phương án hai là không đề cập đến tỷ lệ 65% mà vẫn mở room không giới hạn, nhưng kèm một số điều kiện để coi doanh nghiệp đó là doanh nghiệp nước ngoài, như: có thời gian nắm giữ 1 năm trên 51%; thành viên hội đồng quản trị có người nước ngoài nắm đa số cổ phần...
Khi đó, việc vận dụng sẽ không bị áp lực vì tỷ lệ 51%.
Hiện nay, chúng tôi đang chờ trả lời của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hoàn thiện hướng dẫn. Tuy nhiên, đây cũng không phải là giải pháp căn cơ bởi theo quy định tại Luật Đầu tư thì các thông tư không được đề ra các điều kiện kinh doanh.
Chính vì lẽ đó, giải pháp được chúng tôi tính tới là gom các điều kiện tại các thông tư hướng dẫn để chuyển thành dự thảo nghị định để có tầm cao hơn.
Tôi cho rằng các vấn đề của Nghị định 60 sẽ được tháo gỡ một cách căn cơ trong năm 2016.
Ngoài ra, giải pháp tình thế là Ủy ban Chứng khoán có văn bản hướng dẫn cho doanh nghiệp là khi chưa có hướng dẫn chưa triệt để, doanh nghiệp vẫn có thể mở room căn cứ vào danh mục kinh doanh có điều kiện hiện tại mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố để xác định mình.
Từ đó, doanh nghiệp họp cổ đông để xác định tỷ lệ mở room phù hợp và và gửi lên Ủy ban chấp thuận thực thi. Nếu doanh nghiệp có vấn đề chưa rõ thì gửi xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Chúng tôi cũng đã giao cho vụ chức năng tập hợp các vướng mắc và làm văn bản chung gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tháo gỡ kỹ thuật. Như vậy, trong lúc chờ hướng dẫn mới thì chúng ta cũng thúc đẩy quá trình mở room.
Gỡ khó để nâng hạng thị trường
Một giải pháp quan trọng khác đang được chú ý là nâng hạng thị trường. Rõ ràng là khi tiến lên “phân khúc” thị trường mới nổi, cơ hội được các tổ chức lớn phân bổ vốn đầu tư sẽ tăng lên. Vậy tiến trình nay đến đâu và ta đã đáp ứng được những gì?
Để nâng hạng thị trường lên “mới nổi”, có nhiều điều kiện như quy mô thị trường, vốn hóa, số lượng doanh nghiệp lớn niêm yết. Về cơ bản ta có thể đáp ứng được. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài cũng đã có bước tiến đầu tiên.
Về vấn đề quản trị công ty, hiện đang có yêu cầu thành lập viện quản trị công ty. Thông lệ quốc tế cho rằng quản trị công ty bằng các quy định pháp lý hành chính đều thất bại. Vì doanh nghiệp có rất nhiều loại hình, quy mô. Các quy định này có thể đúng với doanh nghiệp lớn nhưng lại không đúng với doanh nghiệp nhỏ. Nếu áp tiêu chuẩn cho doanh nghiệp lớn thì doanh nghiệp nhỏ lại quá rộng rãi.
Thứ hai là đã có quy định pháp lý thì phải có chế tài xử phạt hành chính. Thực tế là nhiều chế tài cũng không xử phạt được vì không phải tất cả doanh nghiệp đều theo được. Ví dụ quy định về thành viên hội đồng quản trị động lập, nếu không đáp ứng thì có xử phạt được ko? Bởi vì nó quán tân tiến, các doanh nghiệp vừa và nhỏ không làm được.
Do đó nên có một bộ tiêu chuẩn bên ngoài có tính chất khuyến nghị, khuyến cáo do Viện quản trị ban hành và pháp lý chỉ quy định những nét chính tổng quan. Viện này ban hành tiêu chuẩn, đánh “score card” (bảng điểm) để chấm điểm và công bố công khai.
Nhà đầu tư nhìn vào đó để biết doanh nghiệp nào quản trị tốt hay chưa tốt để quyết định mà không cần xử phạt. Doanh nghiệp nào không áp dụng được thì cũng có thể chỉ vì quy mô còn nhỏ quá, chưa đáp ứng được và phải chấp nhận ở thứ hạng thấp.
Cái vướng nữa vẫn là công bố thông tin bằng tiếng nước ngoài. Các cơ quan quản lý, các sở giao dịch thì đơn giản, nhưng đến doanh nghiệp thì thực thi khó khăn. Các doanh nghiệp phải dịch công bố thông tin, báo cáo tài chính… bằng tiếng Anh. Điều này ta chưa làm được.
Ủy ban Chứng khoán sẽ phải tháo gỡ khó khăn cho vấn đề này. Chúng tôi cũng sẽ liên hệ với tiểu ban đánh giá xếp hạng thị trường của MSCI để hoàn chỉnh các tiêu chuẩn.
Việc nâng hạng thị trường là một quá trình, và không phải làm một lần, mà cần thực hiện một cách căn cơ. Thậm chí sau khi được nâng hạng, chúng ta còn phải duy trì mức xếp hạng đó, chứ không phải cố một lần là xong./.