Kỹ thuật luyện trâu chọi
Hội chọi trâu năm nào cũng diễn ra, thân chủ nào cũng muốn là người chiến thắng, không đơn thuần vì lợi ích kinh tế mà còn chứng tỏ tài chọn trâu và luyện trâu
Ở miền Bắc có hai lễ hội chọi trâu nổi tiếng là Hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng) và Hội chọi trâu xã Hải Lựu (Lập Thạch-Vĩnh Phúc).
Muôn nẻo tìm trâu
Theo tục lệ, trâu chọi tan hội là bị giết thịt, mang bán. Do vậy, năm nào các xới chọi cũng phải cất công đi tìm một trâu chiến mới. Có những người ngược rừng Tây Bắc, mò vào những bản làng xa xôi nhất. Nhiều người thì xuôi vào Thanh Hoá, Nghệ An, thậm chí sang tận bên Lào tìm trâu chiến. Ở các xới chọi còn hình thành những đường dây tìm trâu liên tỉnh.
Con trâu tướng tốt là con lông rậm, sừng đinh, đuôi chai, thấp quản... Và đặc biệt là “bốn khoáy đóng chuồng”, tức là các khoáy phải đều nhau trên thân. Rồi đến vanh (vòng ngực), từ 2,1m trở lên, tính khí “điềm đạm” nhưng phải có máu chiến. |
Sau nhiều lần hẹn gặp, cuối cùng tôi cũng có dịp tiếp kiến ông chủ của nhà vô địch xới chọi Hải Lựu Bùi Văn Bến. Hôm gặp chúng tôi, anh đang tất bật chuẩn bị cho chuyến đi rừng để tìm trâu. Năm ngoái thôn Gò Rừng đoạt chức vô địch, nên năm nay sức ép lại đè nặng lên vai anh: Bằng mọi giá phải kiếm được một con trâu chọi tốt. Theo anh Bến, quý nhất là trâu Lục Yên (đất trâu gốc). Giống trâu tốt nhất là ở hai xã Minh Tiến và Tân Phượng (giáp huyện Bảo Yên - Lào Cai), vì to con (giống gốc), béo, ngoại hình đẹp, phàm ăn, ít bị bệnh tật... Đó là lý do khiến mọi “lái trâu” đều “chết mê” trâu Lục Yên. Và từ lâu, trên địa bàn huyện cũng xuất hiện những “chợ” trâu với hàng trăm người làm nghề buôn trâu trong và ngoài huyện.
Sau mấy ngày luồn rừng, anh Bến mới vào tới xã Lâm Thượng. Vừa nhìn thấy con trâu của nhà ông Phìn, anh đã “chết mê chết mệt”. Mọi tiêu chuẩn, mọi số đo của chú trâu này đều đạt. Ông Phìn không muốn bán vì ông và nó đã gắn bó với nhau 10 năm có lẻ. Anh Bến đã phải “ăn dầm ở dề” gần nửa tháng trời mới thuyết phục được ông Phìn bán trâu cho anh.
Một vùng nữa ở Tây Bắc thường có trâu tốt là vùng Sông Mã - Sốp Cộp (Sơn La). Anh Thiến - một lái trâu có tiếng ở đây cho biết, vùng phía tây của Sơn La rừng núi ngút ngàn, đồng cỏ rộng nên giống trâu ở đây to khoẻ, hoang dã và “máu chiến” hơn trâu miền xuôi. Năm ngoái, Thiến đã giúp một ông chủ ở xới chọi Đồ Sơn mua được một con trâu cà dũng mãnh ở tận xã Mường Lèo của Sốp Cộp. Thành tích nổi bật của nó là đã từng quần nhau với hổ mấy trận mà không hề hấn gì. Anh mua con này với giá 20 triệu đồng và phải mất 2 ngày mới đưa được nó ra tới Sông Mã.
Nghề chơi cũng lắm công phu
Tìm được trâu tốt đã khó, thuần dưỡng và “biến” chúng thành một chiến ngưu biết nghe lời còn khó hơn nhiều. Đa phần những con trâu tìm về được là những mãnh thú ở rừng già. Chúng quen được thoả sức tung hoành nơi sơn cước, giờ về đồng bằng chúng bị hụt hẫng. Đây cũng là lúc các thân chủ thể hiện tài năng luyện trâu của mình. Đầu tiên phải lân la làm quen cho chúng bện hơi chủ. “Giống trâu cũng khôn như người vậy, ai tốt với mình nó đều biết cả”, ông Hoa - một lão nông chi điền ở Hải Lựu tâm sự.
Ở Hải Lựu, khi mua được trâu về là cả làng, xã gọi là “ông cầu”. Năm nay ông lão Hoa nhận nuôi “ông cầu” cho Hội doanh nghiệp của xã. Lão chăm sóc “ông cầu” giống như nuôi con mình vậy. Chuồng trại luôn sạch sẽ, mùa hè dẫn trâu đi tắm, mùa đông che chắn gió cẩn thận. Lão còn trồng cỏ voi, nấu cháo ngô cho “ông cầu”. Hàng ngày phải xuống chuyện trò, gãi lưng, xoa đầu, xoa tai cho chúng. Cán bộ thú y đến khám định kỳ cho “ông cầu”. Giai đoạn này gọi là “vỗ béo”. Khi giữa người chủ và vật đã “tâm đồng ý hợp” thì mới đến lúc “luyện trâu”. “Ông cầu” nào trước khi đưa vào xới chọi đều có trọng lượng từ 5 tạ trở lên.
Theo quy định ở Hội Chọi trâu Hải Lựu, những chiến ngưu không được cho đánh nhau với các con khác cho đến khi vào hội, đặc biệt là không được “tơ tình” với bất cứ một con trâu cái nào. Con nào vi phạm sẽ không được tham gia hội, thân chủ còn bị phạt nặng. Anh Bến là một trong những người nổi tiếng về luyện trâu. Sau nhiều năm nuôi trâu chọi, anh Bến đã rút ra một kết luận là trâu có 4 miếng đánh cơ bản: bổ đao - thuộc về những con trâu có tính khí hung tợn và thường đánh đòn này phủ đầu; móc mắt - thuộc về những chiến ngưu có sừng ngắn, khôn khéo trong việc tiến, lui, đợi đối thủ sơ hở là ra đòn; ngáng chân - làm ngã đối thủ; khoá sừng quật ngã đối thủ - dành cho những con trâu có sừng dài.
Thường thì không một chiến ngưu nào hội đủ cả ba yếu tố này. Con nào cũng có sở trường, sở đoản khác nhau. Người nuôi trâu phải biết phát huy sở trường và hạn chế sở đoản. Ngoài việc cho trâu tập húc, những ngày nông nhàn, người nuôi trâu nhờ bà con trong làng đứng hai bên đường hô hét ầm ĩ, đánh thanh la, gõ nồi, xoong rầm rầm... cho trâu quen với không khí trận mạc. Thành bại của một chiến ngưu phụ thuộc rất nhiều vào huấn luyện viên, đặc biệt là cách dắt trâu ra đấu trường. Nếu trâu máu chiến thì phải để chiến ngưu tránh được đòn bổ đao. Nếu là trâu đánh móc mắt thì phải thả trâu vào thật nhanh tung đòn phủ đầu. Ngược lại, nếu đối thủ có bộ sừng dài, nên để trâu của mình vào xới từ từ.
Trước lễ hội chính vào ngày 17 tháng Giêng, đã có một buổi lễ trình trâu vào tháng 9 âm lịch năm trước, để kiểm tra xem trâu chọi có đạt tiêu chuẩn không. Đúng ngày lễ hội, các “ông cầu” được đưa đến khu vực gò Mả Đàm cũ nay đã được xây thành đấu trường, với sức chứa 2 vạn khán giả, có hai cửa đông và tây. Ở cửa đông có bố trí ao thoát hiểm để trâu thua cuộc chạy trốn. Thể lệ thi đấu gắp thăm, đấu loại trực tiếp cho tới khi còn cặp trâu cuối cùng. Lễ hội kết thúc, cả trâu thắng và thua đều được giết thịt để cúng trời đất và bao giờ người chủ trâu cũng được chia phần là bộ sừng để làm kỷ vật./.