Những người dệt sắc xuân

VOV.VN - Mùa xuân đến, cây cối đâm chồi nẩy lộc, trăm hoa đua nở, tô điểm cho đất trời thêm rạng rỡ, khiến lòng người xốn xang. Truyền thống của người Việt mỗi khi xuân về là cùng nhau đi chúc Tết, mừng tuổi, cùng quây quần ăn những bữa cơm sum họp.

Trong không khí vui tươi, hạnh phúc đó, vẫn còn những người âm thầm bên phần việc của mình. Họ - những người dệt thêm sắc xuân cho đất trời, cho xã hội. 

Trong tiết trời nắng ấm của mùa xuân phương Nam, phố phường dường như đã khoác lên mình bộ áo mới rực rỡ sắc màu để đón Tết. Đường sạch đẹp hơn, khang trang hơn. Phố cũng rộn ràng với đào, mai đua sắc, với tiếng trống lân giòn giã mở hội khai xuân. Tất cả như lời chúc mừng cho mọi người, mọi nhà đón một mùa xuân vui tươi, bình an và một năm mới nhiều điều tốt đẹp.

Lẫn trong không khí đó là tiếng xe máy rồ rồ chạy vào từng con hẻm. Chiếc xe “cà tàng” của anh công nhân thu gom rác Trần Văn Thổ chẳng khuấy động sự chú ý của ai, nhưng lại là hình ảnh khiến người ta phải cảm ơn.

Lời cảm ơn cho những người vì phố mà cần mẫn làm việc xuyên Tết không ngơi nghỉ. Lời cảm ơn là chiếc bao lì xì đỏ tươi mà chị hàng xóm tốt bụng gửi biếu anh. Đôi khi, lời cảm ơn mộc mạc là tiếng cười hào sảng, đầy chân tình cùng câu hỏi thăm đầu năm: “Bao giờ anh về ăn Tết?” của chú Tư xe ôm đầu ngõ.

Anh công nhân vệ sinh Trần Văn Thổ năm nay 55 tuổi, là trụ cột của một gia đình có 03 thành viên cùng làm nghề vệ sinh môi trường. 7 năm trôi qua, gia đình anh đón Tết chỉ duy nhất “một kiểu”: Mùng 1 các thành viên quây quần ăn bữa cơm đầu năm, chúc Tết họ hàng. Từ mùng 2 đến hết Tết, cả nhà đi làm bình thường như mọi ngày.

Anh Trần Văn Thổ - công nhân thu gom rác địa bàn quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ chia sẻ: "Mình làm suốt năm chỉ nghỉ mùng 1 tết thôi, vậy là thấy vui lắm rồi. Ráng làm sạch sẽ cho bà con sinh hoạt. Rác nhiều nhất là những ngày cận tết trước giao thừa, người ta dọn nhà nên rác nhiều. Bình thường gom 5 xe, ngày Tết gom tận 7-8 xe."

Vào dịp Tết, lượng rác thải sinh hoạt thường tăng nhiều lần. Nếu ngày thường, sau giờ quy định đổ rác, anh Thổ chỉ thu gom một vòng rồi đưa đến điểm tập kết rác. Nhưng ngày Tết, thu gom một vòng, quay lại đã thấy rác mới xuất hiện, lại phải thu gom.

Trong khi, công ty yêu cầu không được để rác tồn đọng, ùn ứ trên các tuyến đường nên tinh thần năm nào anh Thổ và đồng nghiệp cũng gom rác xuyên Tết. Sau lớp áo bảo hộ dày cui và chiếc khẩu trang bịt kín mít là những giọt mồ hôi của của đời người và đời nghề: "Bổn phận mình phải vệ sinh sạch sẽ, không được để người ta phàn nàn. Rác mà thu gom chậm là có mùi khó chịu lắm. Chính vì chỗ ngày người ta lì xì cho mình, cũng đủ ăn 03 ngày tết đó…."

Theo số liệu từ Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Ninh Kiều, hiện nay, lượng rác thải của riêng quận là 300 tấn/ngày đêm, tập kết tại 11 điểm. Do công việc phải phục vụ cả trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, những người công nhân môi trường như anh Thổ phải chấp nhận hy sinh thời gian bên gia đình để hoàn thành công việc giữ phố thêm xinh, giữ đường thêm sạch. Mua được tấm áo mới cho con hay quây quần bên mâm cơm cùng người thân là mong ước bình dị của họ trong những ngày Tết đến.

Cũng như anh Thổ, anh Trần Thanh Ngoan – công nhân thu gom rác địa bàn quận Ninh Kiều – Tp.Cần Thơ cũng đã nhiều năm đón Tết “một mùng” – mùng 1, còn lại đều phải đi làm. Gắn bó với công việc thời gian dài, anh thấy thêm yêu cái nghề, cái nghiệp của mình. Anh Ngoan chia sẻ: "Cái nghề này là phải chấp nhận như vậy, người ta ăn Tết thì mình thấy cũng nôn chứ, nhưng ráng mà làm để kiếm chén cơm. Ngày Tết có cái vui là nhằm người lì xì, Tết lại nhà lấy rác người ta cho quà này quà kia. Sáng đi làm, chiều về tranh thủ đi chúc Tết. "

Nhiều năm gần đây, chính quyền các cấp và công đoàn cơ sở đều tổ chức chuỗi hoạt động chăm lo cho công nhân lao động trong dịp Tết Nguyên đán. Nhiều phần quà thiết thực như tiền mặt, nhu yếu phẩm, phiếu mua hàng ưu đãi tại các hội chợ công đoàn được trao tận tay người lao động. Đây là lời động viên khích lệ những người âm thầm làm việc xuyên Tết, giữ sạch phố phường.

Ngày xuân, khi nhà nhà, người người ăn Tết, chơi Tết thì những công nhân môi trường như anh Thổ, anh Ngoan vẫn lặng lẽ sớm chiều với chiếc xe rác đầy ứ của mình. Tiếng máy xe rồ rồ cứ đều đặn vang lên từ những con hẻm nhỏ nơi thành phố bên sông, bất kể ngày thường hay ngày Tết, như góp thêm thanh sắc cho thành phố này, để mỗi bận sớm mai, phố lại trở mình lấp lánh.

Ngày Tết, không chỉ có đường phố sạch đẹp hơn mà cả những công trường cũng rộn rã “sáng đèn”. Công trường của Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là một nơi như thế. Do thiếu cát và mặt bằng còn “xôi đỗ”, nhưng với quyết tâm “vượt nắng thắng mưa” cán đích công trình, một số mũi thi công của Dự án này đã đăng ký làm việc xuyên Tết, 3 ca 4 kíp để góp phần nâng hệ thống cao tốc của cả nước lên 3.000 km vào năm 2025. 

Trong tiết trời xuân mới, hoa mai bung nở khoe sắc vàng tươi thắm cả cung đường dẫn vào công trường thi công cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng. Vang thật xa là âm thanh của những chiếc máy đào đất đang làm việc cật lực trong ngày đầu năm mới. Gói thầu XL14 thi công cầu tạm và nền móng nằm trên địa bàn huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ vừa hoàn tất cúng mâm cơm khai máy đầu năm, đã vội vận hành. Làm việc xuyên Tết trên công trường cũng có nhiều điều vui và thú vị.

Ở công trường không được đi thăm hỏi họ hàng nhưng lại được nhiều đoàn thể, đơn vị ở địa phương, làng xóm quanh dự án cũng như cơ quan tới thăm, chúc Tết. Anh Nguyễn Nhất Bình – công nhân thi của gói thầu vui vẻ kể: "Hiện tại anh em làm việc xa nhà nhưng vẫn đón Tết như ở nhà, nấu nướng, đón giao thừa, cúng mùng 1,2,3. Tết là niềm vui chung nhưng mà 1 năm xa quê nên nhớ nhà lắm. Vì mục tiêu chung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Dự án để phục vụ Nhân dân nên chúng tôi quyết tâm cao lắm để hoàn thành nhiệm vụ."

Ngày Tết khác ngày thường ở chỗ kết thúc ca thi công, anh em trên công trường người thì gói bánh chưng, cuốn chả giò, người thì đi mua mai, anh em khác thì làm gà, nấu thịt đông, sắm sửa, bày biện mâm cơm thắp hương cúng giao thừa. Với đôi bàn tay chai sạn của những người đàn ông trên công trường, bữa cơm đêm giao thừa rất thú vị với những món ăn mang hương vị đặc biệt của các vùng miền trong cả nước.

Mọi người hào hứng kể về quy trình thực hiện "món tủ" do mình chế biến. Anh Phạm Đỗ Thành Thông – công nhân thi công trên công trường cho biết: "Để bù đắp lại sự nhiệt tình của chúng tôi thì công ty cũng có chế độ lương và thưởng phù hợp để anh em chúng tôi gửi quà về quê, giúp gia đình có cái Tết đầy đủ.

Ăn Tết ở công trường hơi khá so với ở nhà là thiếu vắng khung cảnh sum hợp gia đình nhưng bù lại chúng tôi có sự đoàn kết của anh em chung công trường, rồi đơn vị cũng động viên nên cũng vơi đi phần nào nỗi nhớ mà nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ."

Phía sau bữa cơm giao thừa ấm áp của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân trên công trường xây dựng là cả nỗi niềm của những người con xa gia đình, của người thân nơi quê nhà. Anh em tự động viên bản thân mình rằng: Còn nhiều nghề khác vất vả hơn mình, có người phải thường trực nơi đầu sóng, ngọn gió, có người bao năm không được về bên gia đình ăn Tết. Trong khi mình còn có năm nọ, năm kia, đêm giao thừa vẫn còn có lúc được ở bên gia đình, thắp nén hương cho ông bà, tổ tiên...

Công việc nào cũng cao cả, nghề xây dựng công trình giao thông cũng có những niềm vui, tự hào khi chứng kiến người dân phấn khởi đi trên những cây cầu, con đường mới khang trang, hiện đại. Vượt qua nỗi nhớ gia đình, giữa thời khắc thiêng liêng giao thừa là những giây phút đầy phấn chấn tự hào của người kỹ sư, công nhân khi được đóng góp một phần công sức trong quá trình xây dựng các công trình trọng điểm của đất nước.

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài hơn 188 km, đi qua 4 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, tổng mức đầu tư gần 44.700 tỷ đồng được khởi công sáng 17/6. Tuyến đường dài hơn 188 km, có điểm đầu kết nối quốc lộ 91 thuộc TP Châu Đốc, tỉnh An Giang; điểm cuối tại cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.

Trong đó, đoạn qua An Giang dài gần 57 km, Cần Thơ gần 38 km, Hậu Giang khoảng 37 km và hơn 56 km đi qua tỉnh Sóc Trăng. Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cùng tuyến An Hữu - Cao Lãnh là hai tuyến cao tốc theo trục ngang của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Khi hoàn thành, những tuyến này sẽ kết nối các đường theo trục dọc, giảm áp lực cho quốc lộ 1, tuyến N1, nhất là quốc lộ 91 đang quá tải... Công trình còn góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông khu vực, kết nối kinh tế, xã hội các tỉnh miền Tây cùng Campuchia và các nước Đông Nam Á.

Để hiểu hơn về quyết tâm “vượt nắng thắng mưa”, thi công xuyên Tết của cán bộ, kỹ sư, công nhân trên công trường này, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi nhanh với ông Mạc Trí Đức – Phó Giám đốc ty cổ phần đầu tư Xây lắp Miền Nam.

PV: Thưa ông, Tết năm nay thì đơn vị làm việc xuyên Tết, phần việc của đơn vị là gì, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn được không ạ?

Ông Mạc Trí Đức: 2 gói thầu XL11 và XL14 do công ty cổ phần đầu tư Xây lắp Miền Nam phụ trách là thi công nền đường chính. Gói thầu XL11 từ Km 64+715 đến Km68+800 thuộc huyện Vĩnh Thạnh xây phần đường chính không bao gồm cầu. Còn gói thầu XL14 thì thi công cầu Kênh xáng Ô Môn nằm trên địa bàn huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.

 Xác định Dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng là dự án trọng điểm quốc gia nên bố trí nhân lực và thiết bị để thi công xuyên tết, nhằm thúc đẩy dự án sớm hoàn thành theo đúng tiến độ. XL11 thì bố trí nhân công và thiết bị đào để đào đất. XL14 bố trí nhân công xây dựng cầu tạm và nền móng…

PV: Khi công nhân đón Tết trên công trường thì đơn vị đã có kế hoạch, bố trí, tạo điều kiện để công nhân vừa lao động, vừa đón Tết như thế nào?

Ông Mạc Trí Đức: Đối với lực lượng cán bộ, công nhân viên và công nhân trên công trường thì chúng tôi đã bố trí ăn uống đầy đủ và tặng quà tết để động viên cho công nhân ở lại làm việc xuyên Tết. Tết là ngày rất thiêng liêng của dân tộc ta, quan điểm công ty lúc nào cũng rất trân trọng lực lượng công nhân đã đồng hành và chấp nhận ở lại trên công trường trong những ngày Tết.

Chúng tôi đã bố trí và sắp xếp thời gian nghỉ bù để cho công nhân được sum vầy bên gia đình ở năm mới này!

PV: Xin cảm ơn ông.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Dọc miền Tết Việt (kỳ 1): Tình xuân vang vọng mái đình
Dọc miền Tết Việt (kỳ 1): Tình xuân vang vọng mái đình

VOV.VN - Để những câu hát, điệu múa xoan vẫn vang vọng trước mái đình những ngày xuân là cả một sự nỗ lực không ngơi nghỉ của nhiều lớp thế hệ nghệ nhân...

Dọc miền Tết Việt (kỳ 1): Tình xuân vang vọng mái đình

Dọc miền Tết Việt (kỳ 1): Tình xuân vang vọng mái đình

VOV.VN - Để những câu hát, điệu múa xoan vẫn vang vọng trước mái đình những ngày xuân là cả một sự nỗ lực không ngơi nghỉ của nhiều lớp thế hệ nghệ nhân...

Xuân về nơi thượng nguồn biên ải Ka Lăng
Xuân về nơi thượng nguồn biên ải Ka Lăng

VOV.VN - Xuân này ở nơi heo hút, gian khổ nơi thượng nguồn sông Đà, thuộc huyện biên giới Mường Tè, tỉnh Lai Châu, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ka Lăng (Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Lai Châu) vẫn đêm ngày giữ vững phên giậu của Tổ quốc.

Xuân về nơi thượng nguồn biên ải Ka Lăng

Xuân về nơi thượng nguồn biên ải Ka Lăng

VOV.VN - Xuân này ở nơi heo hút, gian khổ nơi thượng nguồn sông Đà, thuộc huyện biên giới Mường Tè, tỉnh Lai Châu, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ka Lăng (Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Lai Châu) vẫn đêm ngày giữ vững phên giậu của Tổ quốc.

Xuân Mả Phềnh
Xuân Mả Phềnh

VOV.VN - Những cung đường mới ở Quảng Ninh được hoàn thành trong năm qua đã "dệt" nên niềm tin và hy vọng cho đồng bào vùng cao, mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế giúp người dân có cuộc sống khấm khá hơn. Có đường mới, cầu mới, mùa Xuân này, bà con người Dao ở Mả Phềnh, thôn Đồng Sơn (xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) không còn chịu cảnh "cô lập" như hàng chục năm qua.

Xuân Mả Phềnh

Xuân Mả Phềnh

VOV.VN - Những cung đường mới ở Quảng Ninh được hoàn thành trong năm qua đã "dệt" nên niềm tin và hy vọng cho đồng bào vùng cao, mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế giúp người dân có cuộc sống khấm khá hơn. Có đường mới, cầu mới, mùa Xuân này, bà con người Dao ở Mả Phềnh, thôn Đồng Sơn (xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) không còn chịu cảnh "cô lập" như hàng chục năm qua.