Án phạt 5 tỷ USD dành cho Facebook: Bài học về bảo mật thông tin
VOV.VN - Án phạt này nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm trong tương lai và thay đổi toàn bộ văn hóa làm việc của các công ty công nghệ lớn.
Trong một nỗ lực mới nhất cho thấy quyết tâm siết chặt quản lý đối với các “ông lớn” công nghệ, Chính quyền Mỹ vừa quyết định mở cuộc điều tra mở rộng về việc liệu các nền tảng trực tuyến, có làm tổn hại đối thủ cạnh tranh và kìm hãm sự đổi mới hay không. Dù chưa chỉ đích danh các đối tượng trong tầm ngắm, nhưng Bộ Tư pháp Mỹ cho biết sẽ tập trung vào các hãng “dẫn đầu thị trường”.
Một khoản tiền phạt kỷ lục lên tới 5 tỷ USD, một ủy ban độc lập nhằm kiểm soát việc bảo mật thông tin cá nhân và cam kết về trách nhiệm cá nhân của Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg.
Đây là những hình phạt mà Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Mỹ công bố mới đây dành cho Facebook, và cũng là án phạt nghiêm khắc nhất được áp dụng dành cho những hành vi xâm phạm đời tư của người dùng. Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Mỹ cáo buộc “ông lớn” mạng xã hội này đã “lừa dối” người dùng về khả năng kiểm soát thông tin cá nhân.
CEO Facebook Mark Zuckerberg (Ảnh: Business Insider) |
Người đứng đầu Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Mỹ Joseph Simons giải thích, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Mỹ và Bộ Tư pháp đã đạt được một thỏa thuận bảo mật đột phá với Facebook. Theo đó áp dụng mức phạt kỷ lục 5 tỷ USD, cùng các quy định nghiêm khắc nhằm thay đổi cách thức bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, cũng như tăng cường trách nhiệm của Facebook và các giám đốc điều hành đối với những quyết định mà họ đư ra về quyền riêng tư trong tương lai.
“Đây là kết quả của một cuộc điều tra toàn diện và đi tới kết luận rằng, Facebook đã phản bội niềm tin của người dùng và lừa dối họ về khả năng kiểm soát thông tin cá nhân”, ông Joseph Simons nói.
Đối với Facebook, lo ngại lớn nhất chính là vấn đề bảo mật dữ liệu của người dùng mà cả châu Âu và Mỹ đều đang nhắm tới. Điều này có thể gây tác động mạnh tới mô hình kinh doanh của tập đoàn. Facebook đã đưa ra dự báo suy giảm tăng trưởng doanh thu từ quảng cáo từ nay đến cuối năm và trong năm 2020 tới do những quy định kiểm soát chặt chẽ hơn, cũng như sự phát triển công nghệ liên quan.
Án phạt của Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Mỹ dành cho Facebook là chỉ điểm khởi đầu. Bởi Bộ Tư pháp nước này mới đây cũng thông báo mở cuộc điều tra mở rộng với các công ty công nghệ lớn để xem liệu họ có “bóp nghẹt” sáng tạo hay kìm hãm cạnh tranh hay không, động thái được cho là nhắm vào Facebook, Google hay Amazon.
Trong một thông cáo mới nhất, Facebook thừa nhận, lĩnh vực công nghệ trực tuyến và các công ty đã phải chịu sự kiểm soát ngày càng chặt chẽ của cơ quan quản lý trong quý vừa qua.
Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg nhấn mạnh: “Đây là một thời điểm quan trọng với Facebook. Như một phần của thỏa thuận, chúng tôi đã đồng ý trả mức phạt 5 tỷ USD - lớn nhất trong lịch sử. Song điều quan trọng hơn là chúng ta sẽ phải tiến hành một số thay đổi lớn về cách thức chúng ta tạo ra sản phẩm và điều hành công ty”.
Án phạt của Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Mỹ dành cho Facebook và cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ được tiến hành sau khi Liên minh châu Âu (EU) áp đặt mức phạt nặng với Google liên quan tới các cáo buộc lạm dụng vị trí thống trị của mình để chèn ép các đối thủ khác.
Đồng thời, EU cũng mở cuộc điều tra chính thức đối với “gã khổng lồ” thương mại điện tử Amazon. Theo Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Mỹ, án phạt dành cho Facebook không chỉ nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm trong tương lai, mà còn nhằm thay đổi toàn bộ văn hóa làm việc của các công ty công nghệ lớn, đặc biệt là trong vấn đề bảo mật dữ liệu cá nhân của người dùng./.
Facebook bị phạt 5 tỷ USD do vi phạm quyền riêng tư của người sử dụng