Australia cân nhắc hạn chế rủi ro của các công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo
VOV.VN - Trước mối lo ngại ngày càng tăng về một số công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo, Chính phủ Australia bắt đầu cân nhắc các biện pháp để hạn chế rủi ro trong lúc nâng cao nhận thức của các bên về vấn đề này.
Sự ra đời của một số công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo như công cụ ChatGPT hay công cụ tạo hình ảnh Midjourney không chỉ mang đến nhiều bất ngờ cho thế giới mà còn khiến nhiều người lo ngại vì những việc mà các công cụ này có thể làm được.
Tại Australia đã xuất hiện lo ngại về lỗ hổng về luật pháp và quy định áp dụng đối với các công nghệ hiện đại này. Trong bối cảnh này, hôm nay 1/6, Australia đã công bố báo cáo về những đóng góp và rủi ro có thể có của trí tuệ nhân tạo đối với nước này và đề xuất một số biện pháp ứng phó với nhưng rủi ro mà các công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo mang lại.
Báo cáo cho biết, trong lúc con người khó phán đoán về những rủi ro và cơ hội xuất phát từ các công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo thì thực tế cho thấy là một số công nghệ đã và sẽ có tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống từ ngân hàng, tài chính, lĩnh vực dịch vụ công tới giáo dục và các ngành công nghiệp sáng tạo.
Ngoài ra, hôm nay Chính phủ Australia cũng công bố việc lấy ý kiến của các bên về vấn đề này để có cái nhìn toàn diện trước khi ban hành chính sách về vấn đề này.
Bộ trưởng Công nghiệp và Khoa học Australia Ed Husic cho biết, mặc dù luật pháp Australia đã có một số quy định liên quan để áp dụng song sự phát triển của công nghệ đòi hỏi các cơ quan chức năng cần bổ sung khung pháp lý để thích ứng với sự xuất hiện của những công nghệ mới.
“Chúng tôi muốn tìm hiểu xem là có thể làm được gì, dưới góc độ khung pháp lý để có thể đối mặt với vấn đề này. Chúng tôi biết rằng hiện có nhiều luật đang tồn tại có thể liên quan đến tác động của trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, những bước phát triển gần đây cho thấy chúng ta cần có thêm nhiều hành động trong vấn đề này”, ông Ed Husic nói.
Không chỉ xây dựng khung pháp lý để tạo dựng khuôn khổ cho sự phát triển của các công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo, Bộ trưởng Công nghiệp và Khoa học Australia Ed Husic cũng cho biết, Australia cũng sẽ làm việc với các bên liên quan để tìm ra được giáp pháp thích hợp nhất, nhằm hạn chế các rủi ro từ việc sử dụng các công nghệ tiên tiến này.
“Điều chúng tôi đang cố gắng là làm việc cùng với các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu để đảm bảo rằng việc sử dụng công nghệ sẽ nhằm phục vụ chúng ta chứ không phải là điều ngược lại và muốn mọi người nghĩ thật sự sâu sắc về điều này ngay trở trong giai đoạn thiết kế”, ông Ed Husic nhấn mạnh.
Trước đó, vào năm 2018, Australia là quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành khuôn khổ đạo đức trong việc sử dụng có trách nhiệm trí tuệ nhân tạo. Tuy vậy đến nay, trong lúc nhiều quốc gia khác như Mỹ, Anh, Canada và Liên minh Châu Âu đã ban hành luật hoặc lên kế hoạch ban hành luật về hạn chế những thiệt hại do công nghệ mang lại thì tại Australia các quy định này vẫn chưa được đưa thành luật. Trong bối cảnh này, những thông tin và bước đi mà Australia công bố ngày hôm nay là một nỗ lực đưa nước này tiến gần hơn tới việc pháp điển hóa các quy định về việc phát triển và sử dụng các công nghệ tiên tiến./.