Bị tẩy chay hàng loạt, giá cổ phiếu của Facebook giảm mạnh

VOV.VN - Làn sóng tẩy chay làm giá cổ phiếu của Facebook giảm 8%, trực tiếp làm "bốc hơi" 7 tỷ USD tài sản của Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg.

Hàng loạt thương hiệu vừa tuyên bố ngừng quảng cáo trên Facebook ít nhất 1 tháng. Việc này gây thiệt hại đáng kể tới mạng xã hội lớn nhất hành tinh.

Chiến dịch “Stop Hate for Profit” (tạm dịch là “ngưng thù hận vì lợi nhuận”) chống lại Facebook là phong trào mới nhất dùng việc tẩy chay như một công cụ chính trị.

Những người lãnh đạo làn sóng này cho rằng Facebook đã không nỗ lực để kiểm duyệt nội dung phân biệt chủng tộc, xóa bỏ ngôn ngữ thù hận ra khỏi nền tảng của mình.

Chiến dịch “Stop Hate for Profit” (tạm dịch là “ngưng thù hận vì lợi nhuận”) chống lại Facebook là phong trào mới nhất dùng việc tẩy chay như một công cụ chính trị. (Ảnh minh họa: KT)

Phong trào đã thành công trong việc kêu gọi nhiều công ty lớn rút quảng cáo ra khỏi Facebook và một số truyền thông xã hội khác. Các công ty lớn nhất có thể nói đến Ford, Adidas, HP, Volkswagen (sở hữu các thương hiệu xe nổi tiếng như Audi, Porsche và Skoda), Coca-Cola, Unilever và mới nhất là Starbucks.

Vậy, làn sóng tẩy chay gây ảnh hưởng đến đâu cho mạng xã hội lớn nhất hành tinh này?

Phần lớn doanh thu Facebook từ quảng cáo

Phần lớn doanh thu của mạng xã hội lớn nhất hành tinh đến từ quảng cáo. Làn sóng tẩy chay này làm giá cổ phiếu của Facebook giảm 8%, trực tiếp làm bốc hơi 7 tỷ USD tài sản của Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg.

Thế nhưng, theo đánh giá của giới chuyên gia, làn sóng tẩy chay này không thực sự là mối đe dọa buộc Facebook phải xem xét lại chính sách phát triển của mình.

Năm 2017, nhiều thương hiệu lớn tuyên bố ngừng quảng cáo trên YouTube cũng với lý do tương tự: Quảng cáo của họ bị đặt cạnh các video phân biệt, kỳ thị chủng tộc. Sau đó, YouTube đã điều chỉnh chính sách quảng cáo (không quá khác biệt) và 3 năm qua, công ty này vẫn tiếp tục phát triển mạnh. Trong khi, các thương hiệu tuyên bố ngừng quảng cáo trên Facebook mới đưa ra thời hạn 1 tháng.

Với hầu hết doanh thu 70 tỷ USD của Facebook trong năm 2019 đến từ tiền quảng cáo, nhiều người cho rằng, việc hàng loạt các thương hiệu ngừng quảng cáo sẽ khiến Facebook “lung lay” và thay đổi lại chính sách phát triển.

Hầu hết doanh thu của Facebook đến từ tiền quảng cáo. (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, theo CNN, năm 2019, 100 thương hiệu chi tiền quảng cáo cao nhất chỉ chiếm 4,2 tỷ USD, chỉ tương đương 6% trong hoạt động quảng cáo của Facebook.

Như vậy, hơn 90% doanh thu quảng cáo của Facebook đến từ các doanh nghiệp cỡ vừa và nhỏ. Trong khi khối các doanh nghiệp này vẫn chưa tham gia chiến dịch tẩy chay.

Mat Morrison, Giám đốc chiến lược tại công ty quảng cáo Digital Whiskey cho rằng có một số lượng lớn doanh nghiệp nhỏ “không thể không quảng cáo”, bởi lẽ đối với các doanh nghiệp dạng này, quảng cáo trên Facebook rẻ và hiệu quả hơn so với những nền tảng như truyền hình hay phương tiện truyền thông khác.

“Facebook hỗ trợ doanh nghiệp hướng đến đúng nhóm đối tượng khách hàng nhiều khả năng sẽ sử dụng sản phẩm, chứ không quảng cáo đại trà. Đó là lý do nhiều bên vẫn sẽ không ngừng quảng cáo trên nền tảng này”, Morrison nói.

Năm 2020 sẽ là năm khó khăn cho các công ty sở hữu mạng xã hội. Nhưng “Stop Hate for Profit” sẽ khó mang lại hiệu quả gì nếu như nó không kéo dài ít nhất qua mùa thu năm nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên