Chậm chuyển đổi số, các doanh nghiệp sẽ bỏ lỡ hàng loạt cơ hội
VOV.VN - Khảo sát do Fujitsu thực hiện cho thấy, 66% lãnh đạo các doanh nghiệp nhận định dự án số hóa thất bại sẽ làm chậm trễ những nỗ lực cho tương lai.
Khảo sát do Fujitsu thực hiện với 1.600 nhà lãnh đạo các doanh nghiệp cho thấy, có tới 66% nhận định dự án số hóa thất bại làm chậm trễ những nỗ lực cho tương lai, 71% lo lắng về khả năng doanh nghiệp ứng phó với những biến đổi.
Doanh nghiệp sẽ bỏ lỡ hàng loạt cơ hội nếu chậm chuyển đổi số. (Ảnh minh họa: KT). |
Để có thể thích ứng với sự thay đổi, tăng tốc trong hoạt động kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn và đầu tư cho chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ mới nhất như AI (trí tuệ nhân tạo), IoT (Internet kết nối vạn vật), Cloud… ở nhiều quy mô khác nhau.
Tại Việt Nam, chuyên gia của Fujitsu đánh giá nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử, công nghiệp chế tạo, tài chính số, giao vận… đang thử nghiệm mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ số.
Đồng thời, Việt Nam cũng dần hoàn thiện, đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, tập trung kết nối 4G, hướng tới 5G, phủ Wi-Fi rộng khắp… để sẵn sàng cho sự chuyển đổi số của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, trong nền cách mạng 4.0, lõi quản trị là quản trị tài năng, do đó Việt Nam cần phải nỗ lực lớn hơn trong thay đổi tư duy quản lý.
"Lực lượng chính của thúc đẩy tăng trưởng không còn là người nông dân ngoài ruộng đồng hay công nhân tại nhà máy, mà là những người có đầu óc, tài năng. Việc này đòi hỏi sự thay đổi về quản trị sang quản trị hiện đại tài năng", PGS-TS Đặng Ngọc Dinh phân tích.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech Group cho rằng, sự cấp thiết của việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp thể hiện rõ nhất trong danh sách 500 công ty hàng đầu thế giới, hiện phần đa trong số đó là những công ty phát triển trên nền tảng kỹ thuật số. Nhiều công ty nắm trong tay công nghệ, dữ liệu và trở thành một đế chế mà không dễ một quốc gia nào có thể nắm giữ nổi.
Các chuyên gia khẳng định, việc chuyển đổi số sẽ quan trọng hơn bao giờ hết. Các doanh nghiệp sẽ nhận được lợi thế cạnh tranh lớn nếu biết tận dụng những thế mạnh của công nghệ trong cuộc chuyển đổi số.
Khi Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên của nền kinh tế số, ngưỡng cửa của cuộc cách mạng 4.0 thì tất cả các ngành nghề, lĩnh vực đều phải tiến tới kết nối số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi không ngừng theo sự phát triển của công nghệ.
Trong bối cảnh số hóa, chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0, các công nghệ mới, tự động hóa, robot... sẽ ứng dụng vào doanh nghiệp rất nhanh chóng. Hành vi của con người hiện cũng đã thay đổi nhanh bởi công nghệ mới. Do đó, nếu các doanh nghiệp Việt Nam không chuyển đổi kịp thì sẽ nhanh chóng bị thua, bị loại khỏi cuộc chơi.
Theo ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc công nghệ Công ty Hệ thống thông tin FPT, chuyển đổi số không phải là câu chuyện của riêng doanh nghiệp nào và cũng không phải là việc có chuyển đổi hay không.
"Cách mạng công nghiệp 4.0 không phải là cuộc chơi dành cho người đứng ngoài nhìn vào quá trình chuyển đổi của doanh nghiệp khác mà học hỏi chuyển đổi sau. Đây là cuộc chơi "cá nhanh nuốt cá chậm". Doanh nghiệp nào muốn đứng lại chờ thì không chỉ bị tụt hậu mà còn tự đào thải mình khỏi chuỗi giá trị mới", ông Phan Thanh Sơn nhấn mạnh./. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: ASEAN cần xây dựng chiến lược chuyển đổi số
Nhân lực ICT Việt buộc phải nâng trình độ để đáp ứng chuyển đổi số