Hiệu quả chuyển đổi số đối với công tác quản trị đất đai ngành tài nguyên môi trường
VOV.VN - Nhờ chuyển đổi số, công tác quản trị đất đai ngành tài nguyên môi trường đã có những bước tiến rõ rệt, minh bạch và hiệu quả hơn, từ đó đem lại nhiều quyền lợi thụ hưởng hơn cho người dân. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai cũng sẽ góp phần giúp công tác quy hoạch, chỉ đạo điều hành và phát triển kinh tế xã hội của các bộ ngành, địa phương được tối ưu, thuận tiện.
Chuyển đổi số để người dân được thụ hưởng nhiều hơn các quyền lợi đối với lĩnh vực đất đai
Nếu như trước kia, khi có ý định “ngắm nghía” một thửa đất, một căn nhà, một bất động sản, người dân thường phải mất khá nhiều thời gian để tìm hiểu xem có nằm trong quy hoạch nào không, thông tin thị trường, giá cả trung bình, quyền sở hữu (sổ hồng), các tồn tại tranh chấp, vi phạm (nếu có) thì hiện nay, chỉ cần truy cập vào website của sở Tài nguyên và Môi trường (tỉnh/thành phố) hoặc các website của các bên thứ ba uy tín là đã có được tất cả những thông tin mà mình cần.
Người dân cũng có thể thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai như đóng thuế, thuê đất, kê khai các biến động… thông qua cổng dịch vụ công của Sở Tài nguyên môi trường các tỉnh thành, cổng dịch vụ công của Bộ Tài nguyên và môi trường, cổng dịch vụ công quốc gia… một cách dễ dàng, tiện lợi, không phải đến trưc tiếp trụ sở cơ quan chức năng, tiết kiệm được thời gian đi lại và chi phí…
Đó chỉ là một số trong những quyền lợi rõ rệt mà người dân được thụ hưởng nhờ hiệu quả của chuyển đổi số công tác quản trị đất đai ngành tài nguyên môi trường đem lại trong những năm gần đây.
Chuyển đổi số đã đang từng bước thay đổi cách thức mà người dân tiếp cận cũng như cách cơ quan chức năng quản lý, giám sát, điều hành công tác quản trị đất đai. Thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai đã được kết nối với các bộ ngành, địa phương, cơ quan chức năng sẽ có một cái nhìn toàn cảnh về tình hình quy hoạch, quản lý đất đai từng khu vực để có biện pháp chỉ đạo kịp thời, tránh sự chồng chéo, giảm thiểu tối đa các sai sót, trở nên minh bạch, hiệu quả hơn…
Theo Chương trình chuyển đổi số TN&MT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt ra mục tiêu đến năm 2030, ngành TN&MT sẽ thực hiện quản lý, điều hành cơ bản trên phương thức, quy trình, mô hình của công nghệ số và kết quả phân tích, xử lý dữ liệu số; áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao.
Một trong những mục tiêu quan trọng của chương trình là đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; xây dựng và hoàn thiện đúng tiến độ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; bảo đảm quản lý, vận hành, kết nối và chia sẻ thông tin tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương, đảm bảo mọi người dân được tiếp cận thông tin về quản lý, quy hoạch và sử dụng đất. Thực hiện đăng ký bắt buộc về quyền sử dụng đất và mọi biến động đất đai, đồng thời có chế tài cụ thể, đồng bộ ngăn chặn các trường hợp giao dịch không đăng ký tại cơ quan nhà nước….
Để tạo cơ sở và hoàn thiện hóa các quy định, chính sách hỗ trợ công tác CĐS công tác quản trị đất đai ngành tài nguyên môi trường, ngày 17/3/2023, Chính phủ cũng đã có Nghị quyết số 37/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Nghị quyết nhấn mạnh yêu cầu cần thúc đẩy công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số về đất đai. Mục tiêu đến năm 2025, ngành tài nguyên môi trường phải hoàn thành xây dựng cơ dữ liệu và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai thống nhất, đồng bộ và kết nối liên thông.
Tiếp đó, ngày 26/5/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành Công văn 3787/BTNMT-CĐKDLTTĐĐ chỉ đạo về việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai, trong đó đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; rà soát đưa các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai vào quản lý, vận hành, cập nhật, khai thác. Chỉ đạo yêu cầu hệ thống thông tin đất đai quốc gia do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản trị, quản lý, vận hành, có thể chia sẻ cho các địa phương sử dụng để quản lý vận hành cơ sở dữ liệu đất đai của địa phương; vận hành, kết nối, tích hợp cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương vào cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; hướng dẫn, đào tạo kỹ năng về quản trị, vận hành hệ thống thông tin đất đai quốc gia cho người dùng theo phân cấp quản lý.
Hệ thống thông tin đất đai quốc gia sẽ có vai trò cung cấp thông tin, đưa nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thông qua kết nối, liên thông, chia sẻ thông tin với các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin như: dân cư, xây dựng, thuế, sàn giao dịch bất động sản, cơ sở dữ liệu công chứng... phục vụ công tác quản lý, giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Những thành tựu ấn tượng của công tác chuyển đổi số
Cùng với sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ ngành, địa phương và sự quyết tâm trong triển khai đã đem lại những hiệu quả tích cực với công tác chuyển đổi số của ngành tài nguyên môi trường. Tính đến nay, đã có 63/63 tỉnh, thành phố đã và đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai với 455/705 đơn vị hành chính cấp huyện hoàn thành; thực hiện kết nối, chia sẻ với CSDL quốc gia về dân cư với dữ liệu của 461/705 đơn vị hành chính cấp huyện; 6.198/10.599 đơn vị hành chính cấp xã và đang được tiếp tục thực hiện.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã hoàn thành xây dựng CSDL nền địa lý quốc gia và thành lập bản đồ địa hình quốc gia các tỷ lệ 1:25.000; 1:100.000, 1:250.000, 1:500.000,1:1.000.000 phần đất liền và CSDL nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình đáy biển trên vùng biển Việt Nam, góp phần giúp các Bộ, ngành, địa phương phục vụ công tác quy hoạch, chỉ đạo điều hành và phát triển kinh tế xã hội.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã hoàn thành tái cấu trúc quy trình, thực hiện kết nối, tích hợp, công bố, cung cấp dịch vụ công trực tuyến “Đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận” trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, kết nối với CSDLQG về dân cư, đến nay đã có 63 tỉnh thành triển khai; thống kê đã đã có 63/63 tỉnh, thành phố triển khai, trong tháng 6 tháng đầu năm 2024, phát sinh thêm 26.487 hồ sơ.
Bộ cũng đã đang vận hành, cung cấp 88 Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), trong đó 36 DVCTT mức độ toàn trình (chiếm tỷ lệ 40,91%); kết nối với các CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, dân cư và Hệ thống thu thập, đánh giá việc sử dụng thông tin và DVCTT (hệ thống EMC). Đồng thời, tích hợp, cung cấp 86 DVCTT trên Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 97,7% trên tổng số 88 DVC đã triển khai; Thực hiện số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP, dự kiến số hoá các hồ sơ và giải quyết TTHC hoàn thành 100% trong năm 2024.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong thời gian qua, ngành đã quyết liệt ứng dụng CNTT, chuyển đổi số và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Cơ chế chính sách hoàn thiện, công tác xây dựng hoàn thiện dữ liệu của Ngành đã có nhiều chuyển biến, hạ tầng số, nền tảng số, an toàn thông tin được hiện đại hóa, đồng bộ, thống nhất; công tác chỉ đạo, điều hành được thực hiện trên môi trường điện tử; cung cấp đầy đủ qua dịch vụ công trực tuyến, giải quyết thủ tục hành chính của Ngành. Trong đó, thành tựu trong chuyển đổi số công tác quản trị đất đai là một trong những dấu ấn quan trọng, góp phần thiết thực vào công cuộc số hóa quốc gia, thúc đẩy nền kinh tế số.