Cơn sốt ChatGPT: Tác động mạnh đến giáo dục, truyền thông
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam, giáo dục và truyền thông sẽ là hai ngành chịu tác động mạnh nhất của ứng dụng chatbot dùng trí tuệ nhân tạo (AI) như ChatGPT. Tuy nhiên, còn quá sớm để đánh giá tác động chi tiết đến các ngành nghề cũng như cuộc sống con người, xã hội của ứng dụng này.
Lý giải về sự bùng nổ của ChatGPT, PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài chia sẻ, lần đầu tiên có một chatbot (chat tự động) AI dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn được mở cho công chúng sử dụng như một sản phẩm hoàn thiện, dù mới là phiên bản thử nghiệm.
Ông cho rằng, ChatGPT mang lại trải nghiệm tốt cho người dùng bởi sự cẩn thận, xuất sắc trong việc làm dữ liệu huấn luyện, tinh chỉnh mô hình. Khả năng viết (tạo sinh) ngôn ngữ của ChatGPT rất tốt, mượt mà, logic, mang lại cảm giác giống như người viết.
Theo PGS Hoài, ChatGPT cho thấy, các mô hình AI nhận thức trong các ứng dụng nhiều người dùng đang trở nên khả thi hơn, tiến gần hơn đến mục tiêu xây dựng những mô hình AI nhận thức có khả năng như con người về suy nghĩ, lập luận, sử dụng ngôn ngữ hay sáng tạo.
Tuy nhiên, theo PGS Hoài, mô hình chatbot AI như ChatGPT vẫn có những hạn chế như chỉ mô phỏng được tốt cách sinh ngôn ngữ (câu trả lời), cách viết của con người chứ không thể đảm bảo tính chính xác của nội dung.
Ông cho rằng, còn quá sớm để đưa ra những nhận định mang tính khái quát hay vĩ mô về ChatGPT. “Cần có thời gian cho những đánh giá nghiêm túc, hệ thống, bài bản hơn về ứng dụng này”, PGS Hoài nói.
PGS. TS Nguyễn Xuân Hoài cho rằng, ChatGPT sẽ không thay thế giáo viên tuy nhiên, những người làm giáo dục có thể sẽ phải thay đổi cách dạy, cách ra đề và các kiểm tra đánh giá. Ông cũng cho rằng, AI tạo sinh và các sản phẩm dựa trên công nghệ AI tạo sinh như ChatGPT chắc chắn là xu thế công nghệ AI trong tương lai gần. “Xu thế trong thời gian tới vẫn là con người kết hợp với sự trợ giúp AI để làm việc”, PGS. Hoài nói.
Về tác động ChatGPT đến hoạt động kinh doanh, xã hội, cuộc sống, PGS. Hoài cho rằng, đây vẫn là câu hỏi mở cần thời gian kiểm nghiệm thêm.
Dù vậy, các công nghệ và sản phẩm AI tạo sinh như ChatGPT sẽ thay đổi đáng kể một số ngành, lĩnh vực, đặc biệt là những ngành có nhu cầu cần tạo ra nhiều nội dung, như giáo dục hay truyền thông.
“Giáo dục và truyền thông sẽ là những ngành chịu tác động đầu tiên và lớn nhất, sau đó có thể là nghệ thuật và các ngành khác”, PGS Hoài chia sẻ.
Ngôn ngữ mượt mà nhưng tính cập nhật chưa cao
Là người làm trong ngành truyền thông, anh Nguyễn Trung Hiếu sớm sử dụng ứng dụng ChatGPT dù sản phẩm chưa được phổ biến tại Việt Nam. Anh Hiếu cho rằng, điểm nổi bật nhất của ứng dụng chatbot này là ngôn ngữ mượt mà, logic.
Nhiều khi chat với ChatGPT cảm giác như đang nói chuyện với một người bạn thông minh và khôn khéo. Chẳng hạn, anh Hiếu đặt câu hỏi “Bạn có thay thế công việc của nhà báo không?”, ứng dụng này trả lời: “Không, tôi không thể thay thế hoàn toàn công việc của nhà báo. Nhà báo có nhiệm vụ tìm kiếm, đánh giá và truyền tải thông tin đến công chúng, trong khi tôi chỉ có thể trả lời câu hỏi và cung cấp thông tin dựa trên dữ liệu của tôi”.
Anh Hiếu cũng cho rằng, ChatGPT không phải là công cụ vạn năng, có thể trả lời nhiều câu hỏi, đặc biệt là câu hỏi ở thời tương lai do hạn chế về dữ liệu. Ngay trong phần giới thiệu ứng dụng cũng lưu ý, các dữ liệu của ChatGPT chủ yếu tập trung từ năm 2021 trở lại. Đặc biệt nhiều thông tin mang tính chất địa phương, vùng miền được ChatGPT cho ra câu trả lời khá hài hước.
Dù vậy, là một người cha có con đang học tiểu học, anh Hiếu lo lắng bởi ChatGPT có thể làm hộ những bài văn, nhất là văn miêu tả, dù còn đôi chỗ cần sửa.
Khi anh Hiếu đặt câu hỏi “Làm một bài văn tả con mèo”, chỉ mất vài giây ChatGPT cho ra một bài văn hoàn chỉnh và khá sinh động, dù đôi chỗ cần sửa mượt mà hơn. Anh Hiếu cho rằng, ngành giáo dục cần xem xét nghiêm túc tác động của những ứng dụng như ChatGPT với giáo dục để có giải pháp phù hợp./.