Công dân số sử dụng công nghệ an toàn và có trách nhiệm
VOV.VN - "Làm thế nào để hạn chế tin giả, tin xuyên tạc trên mạng xã hội?" là chủ đề thu hút sự quan tâm của nhiều người tại Diễn đàn Internet Việt Nam 2019.
Có những tin giả, tin xuyên tạc vẫn hàng ngày, hàng giờ đăng trên mạng xã hội, nhận được hàng trăm lượt chia sẻ, hàng nghìn lượt quan tâm, mà không phải ai cũng biết đấy là “tin thất thiệt”.
"Làm thế nào để hạn chế tin giả, tin xuyên tạc trên mạng xã hội?" - đây là chủ đề thu hút sự quan tâm của nhiều nhà báo và diễn giả tham dự Diễn đàn Internet Việt Nam năm 2019. Với chủ đề “Công nghệ số cho những điều tốt đẹp”, những người tham dự diễn đàn mong muốn công dân số có thể sử dụng công nghệ an toàn và có trách nhiệm.
"Làm thế nào để hạn chế tin giả, tin xuyên tạc trên mạng xã hội?" là chủ đề thu hút sự quan tâm của nhiều người tại Diễn đàn Internet Việt Nam 2019. Ảnh minh họa: KT. |
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng vừa ra quyết định xử phạt hành chính đối với bà Trịnh Thị Huế (trú tại Bảo Lộc) về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật về dịch sán lợn xuất hiện tại địa phương trên facebook.
Sau khi bị cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ về thông tin này, bà Huế đã phải đăng thông tin cải chính và chịu mức phạt 10 triệu đồng. Tương tự, chủ tài khoản facebook có tên Nguyễn Bá Mạnh (sinh năm 1987 ở xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), đăng tin thất thiệt về dịch sán lợn cũng đã bị công an huyện Thuận Thành triệu tập. Câu chuyện được phóng viên báo Tiền Phong, xin giấu tên, kể lại.
"Ví dụ là vụ nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh, anh ta dùng facebook đưa hình ảnh về nhiễm sán, nhưng mà đó là thông tin giả. Chúng tôi gặp rất nhiều và nếu không xác minh thông tin một cách thận trọng, thì rất dễ bị mắc lừa. Đó là một cái rất thách thức và hiện nay chúng tôi đối mặt hàng giờ với điều đó", phóng viên báo Tiền Phong cho biết.
Nghị định 174 ngày 13/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện quy định mức xử phạt vi phạm hành chính từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm. Trong trường hợp người tung tin sai lệch, thất thiệt lên mạng xã hội và thông tin thất thiệt đó có tính chất vu khống thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Bộ luật Hình sự 2015, thì người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù đến 7 năm. Ngoài ra, nếu tung tin thất thiệt trên mạng xã hội gây thiệt hại cho tổ chức, các nhân khác thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Mặc dù đã có những quy định cụ thể, nhưng do tốc độ lan truyền của tin thất thiệt trên mạng xã hội nhanh hơn và khó có thể ngăn chặn, đề phòng… nên ông Vũ Thế Bình – Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam – đề xuất: Ở trên Internet, khi cái xấu xảy ra thì tốc độ lan truyền nhanh hơn và phạm vị ảnh hưởng của nó nhiều hơn so với cuộc sống vật lý của chúng ta. Không chỉ Chính phủ Việt Nam mà tất cả các nước đều phải đối mặt với vấn đề xấu xảy ra trên Internet và hơn nữa, nó càng không thể phòng được. Có lẽ là chúng ta cần có 1 văn hoá số, tức là chuẩn mực hành vi của từng công dân số.
Đồng tình với việc xây dựng “Văn hoá số” hay còn gọi là cách ứng xử văn minh trên môi trường Internet, Đại diện Tổ chức Giáo dục – Khoa học và Văn hoá Liên Hợp Quốc - cho rằng, cần thúc đẩy quyền công dân số. Điều này sẽ đồng nghĩa với việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho mỗi công dân khi tham gia môi trường mạng, để họ hiểu rõ quyền và trách nhiệm khi trở thành công dân số.
Các đại biểu tranh luận tại Diễn đàn Internet Việt Nam 2019. Ảnh: Ban Tổ chức. |
Ông Micheal Croft –Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hoá Liên Hợp Quốc UNESCO – nhấn mạnh: "Tôi đã thảo luận về việc làm thế nào để thích ứng được với cuộc sống số hiện nay, bởi hàng ngày, hàng giờ vẫn có nhiều thách thức mà chúng ta phải đối mặt. Những thành tựu công nghệ đã cho chúng ta gửi video dễ dàng hơn, nhưng khiến chúng ta khó có thể phân biệt được thật và giả".
"Nếu công dân số chỉ biết thực hiện hành vi là đăng ảnh, đăng bài, gửi clip… lên mạng; mà nghĩ rằng những người khác trong môi trường số không thể biết chính xác họ là ai, thì điều này là một sai lầm. Chắc các bạn đã thấy, các cơ quan chức năng có thể truy tìm những tội phạm mạng, những kẻ đăng clip, thông tin giả mạo… Do vậy, mỗi công dân số không chỉ hiểu về công nghệ số mà cần phải hiểu quyền lợi và trách nhiệm của mình, hay chính xác hơn là hãy cư xử như trong cuộc sống thật. Cách bạn ứng xử và tham gia môi trường số như thế nào… sẽ góp phần xây dựng văn hoá số trong cuộc sống trên Internet", ông Micheal Croft cho biết thêm.
Công dân số được ví là “trái tim” trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có thể giải quyết những thách thức mà xã hội số đang phải đối mặt. Nếu các công dân số có thể đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới, hiểu rõ quyền và trách nhiệm khi tham gia cuộc sống số… thì chắc chắn sẽ hạn chế được những hành vi tung tin giả, tin xuyên tạc.. cũng như không chia sẻ, bình luận… những thông tin mang nội dung xấu, độc hại, góp phần làm trong sạch nguồn thông tin trên môi trường mạng./. Tăng cường hợp tác triển khai mạng 5G và chuyển đổi số ASEAN
Mạng 5G sẽ thay đổi mạnh mẽ bức tranh internet Việt Nam