Cứ 2 phút sẽ có khoảng 3 cuộc tấn công vào máy tính có kết nối Internet

VOV.VN - Các tổ chức, cá nhân cần quan tâm, đầu tư cho vấn đề bảo mật an toàn thông tin, đặc biệt nên sử dụng các giải pháp an ninh mạng của Việt Nam.

Hôm nay (10/11), Bộ TT&TT phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Tập đoàn IEC tổ chức Hội thảo và Triển lãm quốc tế về an toàn, an ninh mạng Việt Nam năm 2020, với chủ đề “An toàn bảo mật thông tin trong kỷ nguyên Trí tuệ nhân tạo và Dữ liệu lớn". 

Với tình hình an toàn thông tin phức tạp như hiện nay, các chuyên gia tham gia hội thảo nhận định kỷ nguyên mới đang đem tới nhiều thách thức mới trong việc đảm bảo an toàn thông tin, đặc biệt là đối với các cơ quan, tổ chức nhà nước. Đâu là những giải pháp tối ưu giúp đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng, khi Việt Nam đã có Liên minh Phát triển hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam?

Số liệu thống kê của Bộ TT&TT cho thấy, từ đầu năm đến nay đã có hơn 4.160 cuộc tấn công mạng. Dự báo từ một số nghiên cứu quốc tế cũng chỉ ra, phí liên quan đến vấn đề vi phạm bảo mật, tội phạm mạng, an ninh mạng sẽ tiêu tốn trung bình gần 25 USD/phút (tương đương 600.000 đồng) của các tổ chức, doanh nghiệp trên thế giới, tức là sẽ tăng thêm khoảng 2 USD so với năm nay.

Ước tính, cứ 2 phút sẽ có khoảng 3 cuộc tấn công vào máy tính có kết nối Internet, khoảng 750 sự đe dọa mới. Do đó, hơn lúc nào hết các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cũng như mỗi người sử dụng ở nước ta cần quan tâm, đầu tư cho vấn đề bảo mật an toàn thông tin, đặc biệt nên sử dụng các giải pháp an ninh mạng của Việt Nam.

Ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT nhận định, hệ sinh thái sản phẩm an toàn mạng được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo sát sao, quyết liệt. Hiện nay Cục An toàn thông tin đã cùng với cộng đồng doanh nghiệp an toàn thông tin hình thành 8 dòng sản phẩm, lấp đầy được khoảng 90% các dòng sản phẩm bằng sản phẩm Made in Việt Nam, bằng sản phẩm của Việt Nam.

“Chúng ta phải bảo đảm an toàn cho hệ thống thông tin bằng sản phẩm của Việt Nam sản xuất. Nếu sử dụng các sản phẩm không tin cậy sẽ gây nên nguy cơ về an toàn thông tin và định hướng lâu dài, nằm trong cả một chương trình tổng thể về Made in Việt Nam. Điều này có nghĩa muốn trở thành một cường quốc về an ninh mạng, Việt Nam phải làm chủ hệ sinh thái về sản phẩm về an ninh mạng”, ông Lịch cho biết.

Quá trình chuyển đổi số dẫn đến số lượng thiết bị internet kết nối vạn vật (IoT) cũng như dữ liệu sẽ tăng theo cấp số nhân. Dữ liệu số trở thành nguồn tài nguyên quan trọng cho mỗi quốc gia nói chung, mỗi tổ chức, cá nhân nói riêng. Tuy nhiên, các đối tượng tấn công mạng cũng đã lợi dụng sự phát triển mạnh mẽ của các kỹ thuật mới, để tấn công khai thác lỗ hổng của hệ thống, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu lớn, để tấn công đánh cắp dữ liệu.

Do đó, sử dụng các giải pháp bảo mật mà người Việt sáng tạo và thiết kế sẽ là lợi thế cho mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, mỗi người sử dụng khi muốn đảm bảo an toàn thông tin về dữ liệu.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng, trong 2 năm vừa qua, Bộ TT&TT đã đưa ra nhiều sáng kiến về việc thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm, giải pháp và dịch vụ của Việt Nam, từ đó làm chủ được công nghệ, gần với đời sống của chính người dân và doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Bình cũng bày tỏ vui mừng khi các liên minh này đã có những thành công bước đầu trong việc đưa ra các nhóm giải pháp kỹ thuật. Cụ thể là có đến khoảng 80% các bài toán về an toàn, an ninh bảo mật của Việt Nam; những sản phẩm giải pháp và dịch vụ do các công ty người Việt Nam sản xuất và làm chủ.

“Khi các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến việc cung ứng các giải pháp sản phẩm và dịch vụ an toàn, an ninh bảo mật cho người Việt Nam, đấy sẽ là một dấu hiệu rất là tốt cho việc có thể từng bước kiểm soát được tình hình, làm cho bức tranh về an toàn an ninh, bảo mật của Việt Nam được tốt hơn”, ông Bình chỉ rõ.

Việt Nam đã nằm trong Top 10 quốc gia nhiễm mã độc nhiều nhất thế giới trong nhiều năm qua, nên muốn rời khỏi Danh sách này, thì ngay từ bây giờ mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân phải luôn nâng cao sự cẩn trọng trong việc đảm bảo an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu cá nhân khi tham gia môi trường mạng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cục An toàn thông tin khuyến cáo không nên dùng phần mềm Zoom
Cục An toàn thông tin khuyến cáo không nên dùng phần mềm Zoom

VOV.VN - Phần mềm Zoom tồn tại một số lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng như mã hóa dữ liệu đầu cuối kém, dễ dàng bị dò quét ID cuộc họp...

Cục An toàn thông tin khuyến cáo không nên dùng phần mềm Zoom

Cục An toàn thông tin khuyến cáo không nên dùng phần mềm Zoom

VOV.VN - Phần mềm Zoom tồn tại một số lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng như mã hóa dữ liệu đầu cuối kém, dễ dàng bị dò quét ID cuộc họp...

An toàn thông tin mạng: “Xây tường rào” trước khi “xây nhà”
An toàn thông tin mạng: “Xây tường rào” trước khi “xây nhà”

VOV.VN - “Trước đây, chúng ta xây nhà xong mới xây hàng rào. Bây giờ phải coi hàng rào là một phần tất yếu của ngôi nhà”.

An toàn thông tin mạng: “Xây tường rào” trước khi “xây nhà”

An toàn thông tin mạng: “Xây tường rào” trước khi “xây nhà”

VOV.VN - “Trước đây, chúng ta xây nhà xong mới xây hàng rào. Bây giờ phải coi hàng rào là một phần tất yếu của ngôi nhà”.

Diễn tập quốc gia về ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng
Diễn tập quốc gia về ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng

VOV.VN - Chương trình diễn tập quốc gia về ứng cứu sự cố an toàn TT mạng, chủ đề “Xử lý rò rỉ thông tin và điều trị nguồn gốc tấn công” vừa diễn ra tại Hà Nội.

Diễn tập quốc gia về ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng

Diễn tập quốc gia về ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng

VOV.VN - Chương trình diễn tập quốc gia về ứng cứu sự cố an toàn TT mạng, chủ đề “Xử lý rò rỉ thông tin và điều trị nguồn gốc tấn công” vừa diễn ra tại Hà Nội.