Điện toán đám mây giúp doanh nghiệp tăng hiệu quả quản trị
VOV.VN - Với 97% số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam là DNNVV, việc tiếp cận và ứng dụng điện toán đám mây là thách thức không nhỏ.
Trong khi các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) đầy đủ từ thiết bị đến con người, thì hầu hết các công ty nhỏ hơn lại thiếu thiết bị, nguồn nhân lực, đặc biệt nhân sự có thể chịu trách nhiệm an toàn hệ thống khi công ty dùng các dịch vụ về đám mây (cloud).
Dữ liệu lớn, điện toán đám mây đang trở thành nguồn tài nguyên quý giá. (Ảnh minh họa: KT). |
Theo giới chuyên gia, khi mở rộng quy mô phát triển, các công ty bắt đầu sử dụng nhiều công cụ hỗ trợ kinh doanh và dịch vụ đám mây mới nhằm tạo môi trường làm việc linh hoạt hơn cho nhân viên, tăng hiệu quả quản trị cũng như giảm thiểu chi phí.
Nghiên cứu mới nhất của Kaspersky Lab cho thấy, 63% nhân viên của các công ty (quy mô 249 người trở lên) sử dụng nhiều hơn một ứng dụng dịch vụ đám mây.
Nhiều công ty nhỏ và công ty đang phát triển mạnh đều nhận thấy công nghệ đám mây là một lợi thế giúp quản lý công việc hiệu quả hơn và tiết kiệm chi phí hơn.
Tuy nhiên, xu hướng ở các công ty đang phát triển trong việc sử dụng dịch vụ đám mây ngoài việc tối ưu hóa hoạt động, còn có thể đem lại những tác động tiêu cực như mất an toàn an ninh thông tin, bị chiếm quyền kiểm soát bảo mật ứng dụng và dữ liệu có giá trị của khách hàng.
Theo Kaspersky Lab, hơn 50% công ty với 49 nhân viên và 40% công ty với 50-249 nhân viên có nhân viên thường xuyên làm việc bên ngoài văn phòng và cần truy cập dữ liệu, ứng dụng thông qua đám mây lưu trữ. Với các công ty lớn hơn, nhu cầu sử dụng dịch vụ đám mây cũng tăng lên nhiều hơn. Các dịch vụ đám mây phổ biến như email, lưu trữ thư mục và dịch vụ đi kèm, tài chính và kế toán...
Thế nhưng, việc kích hoạt sử dụng dịch vụ đám mây cũng có mặt trái của nó, cơ sở hạ tầng CNTT trong tổ chức ngày càng bổ sung thêm nhiều dịch vụ và ứng dụng, trong khi đó lại thiếu mức độ kiểm soát cần có và khả năng sử dụng thực tế.
Ông Hà Thế Phương, Phó Tổng giám đốc CMC Infosec (chuyên về an ninh mạng) cho biết, hầu hết các công ty có từ 1-249 nhân viên gặp khó khăn khi quản lý các hệ thống CNTT không đồng nhất, đặc biệt đối với sự đa dạng của điện toán đám mây.
"Càng nhiều dữ liệu càng gia tăng sự phức tạp của điện toán đám mây, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có cách tiếp cận mới để quản lý cơ sở hạ tầng. Vấn đề là không phải chuyên gia CNTT nào cũng có đủ chuyên môn để đáp ứng thách thức này. Chính vì vậy, việc thuê ngoài các công ty đủ chuyên môn để đảm nhiệm việc giữ an ninh mạng là việc cần thiết và quan trọng", ông Hà Thế Phương nhấn mạnh.
Thực tế tại Việt Nam hiện nay là hầu hết các đơn vị, công ty, doanh nghiệp chưa có thói quen hay đủ ý thức về việc thuê ngoài dịch vụ an toàn thông tin, nhất là an toàn thông tin về điện toán đám mây. Bảo mật dữ liệu là thách thức hàng đầu mà doanh nghiệp cần phải giải quyết. Tuy nhiên, dữ liệu giá trị của khách hàng có thể lại được lưu trữ trong điện thoại của nhân viên...
Rò rỉ thông tin có khả năng dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng đến danh tiếng của công ty, cũng như tổn thất tài chính từ các tranh chấp. Trong khi các công ty lớn thường lưu trữ dữ liệu phòng khi gặp bất trắc, thì các công ty nhỏ hơn có thể phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng, như gián đoạn hoạt động công ty hoặc gây thua lỗ.
Maxim Frolov, Phó Giám đốc Kinh doanh toàn cầu tại Kaspersky Lab cho biết, để tận dụng những lợi thế của điện toán đám mây bất kể giai đoạn tăng trưởng nào, các doanh nghiệp cần quản lý hiệu quả hơn các nền tảng và dịch vụ đám mây.
"Điểm quan trọng là có thể chỉ ra ai sẽ là người chịu trách nhiệm về an ninh mạng trong cơ sở hạ tầng CNTT đang ngày càng phức tạp. Dù nó được quản lý bởi nhân viên nội bộ hoặc cố vấn đáng tin cậy, an ninh mạng là vấn đề không thể xem nhẹ. Do đó, tất cả các doanh nghiệp nên thiết lập một vai trò chuyên kiểm soát bảo mật nền tảng đám mây, dữ liệu nhạy cảm và quy trình kinh doanh", ông Maxim Frolov khuyến cáo./. CEO hãng điện toán đám mây Salesforce chi 190 triệu USD mua Time Magazine
IBM chi 34 tỷ USD mua Red Hat