Gắn quảng cáo nhãn hàng trên clip “độc”, cần ý thức từ doanh nghiệp?
VOV.VN - Quảng cáo nhãn hàng gắn trên video có nội dung xấu có thể gây ảnh hưởng lớn đến thương hiệu nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa ý thức điều này.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, mỗi ngày có hơn 1 tỷ nội dung được đẩy lên mạng xã hội, chỉ tính riêng YouTube có tới hơn 5.000 video được đẩy lên. Cùng với đó, nhiều quảng cáo của các doanh nghiệp bị gắn với video, clip phản cảm. Việc các quảng cáo xuất hiện trong những video có nội dung không phù hợp sẽ ảnh hưởng lớn đến thương hiệu đó.
Nhiều quảng cáo của các doanh nghiệp bị gắn với video, clip phản cảm, có thể gây ảnh hưởng lớn đến thương hiệu. Ảnh minh họa: KT. |
Gần đây nhất, Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MSB) là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên tuyên bố tạm dừng tất cả quảng cáo trên YouTube sau khi quảng cáo của đơn vị này xuất hiện trong video của Khá Bảnh.
Lý do mà đại diện MSB đưa ra là do “MSB chỉ lựa chọn quảng cáo trên những nội dung phù hợp với quy định của pháp luật, đạo đức và tích cực. MSB phối hợp cùng đơn vị quảng cáo tiến hành rà soát trước khi thực hiện và rà soát định kỳ hàng tuần các nội dung, chủ đề không liên quan để loại trừ”.
Trước đó, năm 2017, đại diện các nhãn hàng lớn như Vinamilk, Unilever, Vinhomes, Ford Việt Nam… cũng đồng loạt tạm ngưng quảng cáo trên Youtube khi quảng cáo nhãn hàng của doanh nghiệp mình xuất hiện trong các nội dung phản cảm. Đồng thời, khẳng định sẽ dừng tất cả quảng cáo trên YouTube nếu Google không ngăn chặn được tình trạng quảng cáo của họ bị gắn trên các video có nội dung vi phạm pháp luật của Việt Nam.
Thế nhưng, việc các quảng cáo nhãn hàng bị gắn “nhầm” trên các video clip có nội dung không phù hợp vẫn tiếp tục diễn ra…
Doanh nghiệp Việt chưa thực sự quan tâm
Theo giới chuyên gia marketing, nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là do các nhãn hàng phó mặc cho đơn vị cung cấp dịch vụ. Mặc dù, các nhãn hàng có quyền lựa chọn việc quảng cáo của họ sẽ không hiển thị trên kênh nào tuy nhiên đa số các nhãn hàng lại không mấy quan tâm tới vấn đề này.
Nestle là một trong những thương hiệu lớn trên thế giới quyết định ngừng toàn bộ quảng cáo YouTube trên phạm vi toàn cầu. Ảnh: Nestle. |
Trong khi đó các đơn vị thực hiện quảng cáo lại thường dựa theo đối tượng mục tiêu và độ “hot” của kênh để đặt quảng cáo, dẫn tới có trường hợp xuất hiện ở các video clip có nội dung xấu, độc hại.
Mới đây theo hãng tin Bloomberg, các lãnh đạo của YouTube hoàn toàn hiểu và biết được các nội dung độc hại nhưng họ đã làm lơ. Các nhân viên YouTube đã đề xuất lên cấp quản lý các giải pháp để ngăn chặn video độc hại nhưng đều bị phớt lờ vì cấp lãnh đạo sợ mất đi tương tác với người dùng và tăng trưởng của nền tảng này.
Theo Wall Street Journal, chỉ một quảng cáo hiển thị nơi không phù hợp có thể tiêu tan danh tiếng nhãn hàng gây dựng. Nhưng YouTube liên tiếp đặt nhãn hàng vào tình thế nguy hiểm.
Bà Nguyễn Thu Giang, chuyên gia marketing cho rằng, YouTube cần các video có lượt người xem lớn, để đặt quảng cáo nhằm bổ trợ cho thương hiệu có tầm phủ sóng rộng và qua đó để kiếm tiền. Các YouTuber (người tạo các kênh YouTube của riêng mình) cũng không làm không công để chia sẻ miễn phí nội dung. Họ được YouTube trả tiền cho quảng cáo chạy trên nội dung đó.
“Vấn đề là nội dung đàng hoàng thì ít người xem, trong khi các nội dung gây sốc, giật gân, bạo lực, khiêu dâm… sẽ kích thích sự tò mò và thu hút nhiều người xem. Hệ quả tất yếu, cả YouTube muốn kiếm tiền, các nhà quảng cáo muốn mở độ phủ… đều bị ảnh hưởng tiêu cực”, bà Giang phân tích.
YouTube từng tuyên bố sẽ cải thiện thuật toán, tăng cường kiểm duyệt để tránh trường hợp quảng cáo của các nhãn hàng hiện “nhầm nơi” như vậy. Thế nhưng thực tế những biện pháp ngăn chặn nội dung tiêu cực mà YouTube từng cam kết không hiệu quả.
Theo đó từ cuối năm 2017 đến nay, YouTube liên tiếp bị chỉ trích khi để nhiều quảng cáo của các nhãn hàng lớn xuất hiện trước và trong các video clip có nội dung không phù hợp.
Điểm khác nhau là khi sự việc xảy ra, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn khá bị động, chưa đủ cương quyết với YouTube như các thương hiệu nước ngoài, dù từng có khuyến cáo từ cơ quan chức năng.
Ví như, để ngăn chặn nội dung quảng cáo của mình xuất hiện trên các video không phù hợp, thương hiệu nổi tiếng thế giới như Nestle đã quyết định ngừng toàn bộ quảng cáo YouTube trên phạm vi toàn cầu; AT&T, Verizon, GSK, Pepsi, Walmart, Johnson & Johnson… rút quảng cáo khỏi nền tảng này. Thậm chí có hãng tức giận tuyên bố không bao giờ quảng cáo trên YouTube nữa. Nhiều thương hiệu toàn cầu khác như Lidl, Diageo, Mars Inc, Deutsche Bank AG, Adidas AG… cũng đã đình chỉ quảng cáo trên YouTube vì lý do tương tự…/. Video “độc hại” kiểu Khá “bảnh”, môi giới mại dâm dễ tìm song khó gỡ hết
Kênh Khá "bảnh" tái xuất hàng loạt, YouTube “bất lực”?