Ngập úng ở phía Tây Thủ đô, ai chịu trách nhiệm?

VOV.VN - Ngập úng của Thủ đô Hà Nội một phần Trạm bơm Yên Nghĩa xây dựng chậm tiến độ. Tuy nhiên không phải là cơ bản vì còn tới 12.000 ha chưa có trạm bơm. Các trạm bơm lớn quy hoạch chưa được xây dựng trong khi trạm bơm Yên Nghĩa mới 45% đáp ứng theo quy hoạch

Sáng 7/7, kỳ họp thứ 7 HĐND TP Hà Nội khoá XVI thực hiện phiên chất vấn và tái chất vấn. Phát biểu đầu phiên chất vấn, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cho biết, HĐND thành phố thảo luận, lựa chọn 2 nội dung chất vấn, tái chất vấn được cử tri và nhân dân rất quan tâm đó là: Tái chất vấn về việc thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố đã được chất vấn tại kỳ họp thứ ba và các dự án được HĐND thành phố giám sát trong thời gian qua; chất vấn về công tác quản lý, khai thác, sử dụng quỹ nhà, đất thuộc quản lý Nhà nước trên địa bàn thành phố. 
Đại biểu Nguyễn Nguyên Quân cho biết, tại kỳ họp thứ 3, các vấn đề được đại biểu quan tâm chất vấn UBND TP về tiến độ đầu tư 2 dự án nhà máy xử lý chất thải Châu Can (huyện Phú Xuyên) và dự án Núi Thoong  (Chương Mỹ). UBND TP khẳng định với HĐND TP quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND TP đến nay 2 dự án vẫn đang trong diện điều chỉnh quy hoạch rác thải và chờ điều chỉnh chủ trương đầu tư.  Sau 7 năm phê duyệt dự án đến nay vẫn phải hoàn thiện các thủ tục cho thấy việc giải quyết của TP rất chậm.

Đại biểu Nguyễn Nguyên Quân đặt câu hỏi nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện 2 dự án này. Bao giờ có thể điều chỉnh xong các thủ tục hành chính nếu vẫn quyết tâm giao cho 2 nhà đầu tư này. Trường hợp 2 nhà đầu tư không có năng lực, TP có chủ trương gì để đẩy nhanh tiến độ 2 nhà máy rác này.

Còn theo đại biểu Trần Hợp Dũng, công trình trọng điểm trạm bơm Yên Nghĩa thoát nước cho khu vực phía Tây TP chậm thực hiện trong 10 năm qua. Việc chậm triển khai dự án có phải là nguyên nhân dẫn đến úng ngập cục bộ ở phía Tây TP; nguyên nhân chậm triển khai của dự án này thuộc trách nhiệm của đơn vị nào và giải pháp đẩy nhanh tiến độ?
 

Đề xuất thu hồi dự án xử lý rác chậm 

Trả lời về tiến độ 2 nhà máy xử lý chất thải Núi Thoong và Nhà máy xử lý rác thải Châu Can, ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư Hà Nội cho biết, đối với dự án Núi Thoong theo kiến nghị của nhà đầu tư phải điều chỉnh quy hoạch mới thực hiện được. Đề xuất của nhà đầu tư, hiện nay UBND TP đang giao cho 2 Sở thực hiện. Đối với dự án Châu Can, theo quy định của Luật Đầu tư, khi nhà đầu tư đề xuất thì phải điều chỉnh nội dung quy mô. Sau khi thẩm định, Sở KH-ĐT thấy không đảm bảo khả năng theo Quyết định chủ trương đầu tư ban đầu sẽ kiến nghị UBND TP xem xét nếu không đảm quy mô sẽ thu hồi theo chỉ đạo của UBND TP.

Liên quan đến dự án Nhà máy xử lý rác thải Châu Can, ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết thêm, về quy hoạch và công suất, vị trí của nhà máy xử lý rác thải Châu Can phù hợp quy hoạch. “Trong trường hợp nhà đầu tư không triển khai thực hiện dự án, đề nghị Sở KH-ĐT thu hồi dự án để lựa chọn các nhà đầu tư khác có đủ năng lực hoặc theo chỉ đạo của TP dự kiến nghiên cứu đề xuất giải pháp đầu tư công để chủ động xử lý rác ở phía Nam TP”.

Đối với dự án Núi Thoong công suất 450 tấn, nhà đầu tư Công ty Cổ phần môi trường Xuân Mai đề xuất dự án 2.000 tấn vượt công suất so với quy hoạch. “Năm 2021 Sở Xây dựng đã làm việc với Bộ Xây dựng đề nghị xem xét cho phép cập nhật quy hoạch, triển khai thực hiện dự án theo công suất nhà đầu tư đề xuất. Tuy nhiên, việc này vượt quá công suất và khu vực Núi Thoong hiện nay có đơn từ của các hộ dân ở đây phản ánh đề nghị chưa thực hiện dự án tại khu vực này. Vì thế, quy hoạch cần quan tâm đến vấn đề an ninh, địa chất ở đây. Về việc điều chỉnh quy hoạch, TP cũng chấp thuận việc điều chỉnh quy hoạch cho Sở Tài nguyên- Môi trường”- ông Phong nói.

Nói rõ thêm, ông Nguyễn Trọng Đông, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, về dự án nhà máy rác thải Châu Can, thành phố đã quyết định chủ trương đầu tư và giao Công ty Môi trường đô thị Thăng Long từ năm 2015 và đã xác định ranh giới giải phóng mặt bằng, nhưng đơn vị chưa triển khai.

Ông Nguyễn Trọng Đông đề nghị, Sở Kế hoạch-Đầu tư Hà Nội xem xét kỹ năng lực của nhà đầu tư và nếu không thực hiện sẽ thu hồi để kêu gọi đầu tư hoặc đầu tư công.

Ngập úng phía Tây Hà Nội không hoàn toàn do trạm bơm Yên Nghĩa chậm tiến độ

Trả lời về dự án trạm bơm Yên Nghĩa, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội nhấn mạnh, thời gian thực hiện dự án này đến hết năm 2021. Như vậy, đến nay dự án chậm tiến độ 6 tháng so với được duyệt chứ không phải chậm 10 năm.

Dự án lắp đặt 10 tổ bơm, tổng công suất là 120m3/s đảm bảo tiêu thoát úng cho 6.300 ha của các huyện Hoài Đức, Hà Đông, Từ Liêm và một phần khu vực Mỹ Đình, Đại lộ Thăng Long, còn 12.000 ha chưa có trạm bơm. Việc ngập úng của Thủ đô Hà Nội cũng một phần Trạm bơm Yên Nghĩa xây dựng chậm tiến độ. Tuy nhiên, không phải là cơ bản vì còn tới 12.000 ha chưa có trạm bơm. Các trạm bơm lớn quy hoạch chưa được xây dựng trong khi trạm bơm Yên Nghĩa mới 45% đáp ứng theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, nên việc chậm tiến độ không phải là nguyên nhân chính gây ngập úng khu vực phía Tây Hà Nội.

Hết năm 2018, trạm bơm Yên Nghĩa xây dựng xong phần đầu mối gồm trạm bơm, bể hút, bể xả, ống xả tiêu đảm bảo tiêu úng từ năm 2018.

Năm 2019, đấu thầu xây dựng kênh Đa Khê chiều dài 5,7km, đến thời điểm này đã ép cọc cừ 76,8%. “Đến nay dự án còn vướng mắc 30% kênh, nguyên nhân do tổng diện tích GPMB trên địa bàn quận Hà Đông bàn giao 161.000/307.000m2, còn lại 145.000m2 của 593 hộ chưa bàn giao. Toàn bộ hạ tầng kỹ thuật hai bên bờ sông chưa bàn giao do việc xác định nguồn gốc đất khó khăn và việc di dời hạ tầng kỹ thuật phục vụ thi công chưa xong dẫn đến đơn vị thi công không triển khai được tạm dừng từ cuối năm 2019 đến nay, ảnh hưởng đến tiêu thoát nước của hệ thống và ảnh hưởng thiệt hại đến các đơn vị thi công. Khi có mặt bằng chúng tôi cam kết thi công 6 tháng hoàn thành”- ông Mỹ nói.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, nguyên nhân khiến dự án chậm, trách nhiệm thuộc về Sở NN-PTNT, huyện Hoài Đức và nhất là quận Hà Đông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên