Lộ thông tin cá nhân trên mạng: Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

VOV.VN - Nếu như cung cấp thông tin cá nhân dễ dàng thì nhiều biện pháp, chế tài xử phạt cũng khó có thể xử lý hết những hậu quả của việc lộ thông tin cá nhân.

Luật An ninh mạng với 7 chương, 43 điều đã được Quốc hội khoá XIV thông qua và chính thức có hiệu lực từ mùng 1/1/2019.

Luật An ninh mạng quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Do đó, không được sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội như chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng Internet, trộm cắp cước viễn thông quốc tế trên nền Internet, vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ trên không gian mạng… Đặc biệt, Luật An ninh mạng có một số điểm quy định về vấn đề bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư dữ liệu của người sử dụng.

Ông Nguyễn Quang Đồng

Ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông IPS, Hội Truyền thông số Việt Nam - cho biết: “Trong Luật An ninh mạng, có 2 lĩnh vực nổi bật rõ nhất, đó là vấn đề về tấn công mạng và dữ liệu và quyền riêng tư của người dùng. Vấn đề dữ liệu và quyền riêng tư của người dùng là vấn đề mới không chỉ với Việt Nam mà đối với cả thế giới. Đây cũng là một phần mới trong Luật An ninh mạng của Việt Nam. Ngoài vấn đề về tấn công mạng, các quy trình bảo vệ hệ thống hạ tầng thông tin và đi kèm với nó là trách nhiệm về báo cáo, thì trong Luật đề cập khá nhiều về phần thông tin, dữ liệu người dùng”.

Nhiều luật sư cho hay, cùng với việc bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư dữ liệu của người sử dụng trong Luật An ninh mạng, thì pháp luật đã có nhiều quy định về các tội cố tình lợi dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm tuyên truyền, kích động dâm ô, đồi trụy, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc…

Ví dụ, theo Điều 253, Bộ Luật Hình sự, người truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Tùy theo mức độ nghiêm trọng do hành vi này gây ra, mà người làm ra, phát tán các hình ảnh nhạy cảm có thể bị phạt tù từ 7-15 năm.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà

Thạc sỹ Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch - Luật sư điều hành Công ty Luật S& B, nêu rõ: “Loại hình tội phạm công nghệ cao gần đây nhiều, những hành vi này gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và đe doạ đến an ninh và an toàn mạng hiện nay. Hình thức tội phạm sử dụng công nghệ cao đã được quy định cụ thể trong Bộ Luật Hình sự. Hiện nay, theo các quy định của Bộ Luật Hình sự thì chế tài quy định rất nặng, từ  phạt hành chính, phạt tiền, phạt bổ sung và có thể xử phạt tù chung thân”.   

Không chỉ tung tin giả, tin thất thiệt, hay truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ trên mạng… mà kể cả người chia sẻ, nhấn like đối với các nội dung xấu, các clip nhạy cảm đó đều có thể bị xử lý về tội vi phạm pháp luật.

Điều 32 và 592 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định, người bị hại có thể yêu cầu gỡ hình ảnh đó xuống, buộc người đăng tải phải xin lỗi, đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần.

Ngoài ra, việc phát tán các clip nhạy cảm nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm mạng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các Điều 121, 155, 253 và 326, Bộ Luật Hình sự về tội “Truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy” và tội “Làm nhục người khác”.

Tuy nhiên, lợi dụng việc khó tìm kiếm chứng cứ trên môi trường mạng, hoặc lợi dụng tính “ẩn danh” khi tham gia mạng xã hội, nhiều “anh hùng bàn phím” đã xuyên tạc sự thật, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của cá nhân; thậm chí tổ chức xúi giục, lừa gạt, lôi kéo thêm nhiều người chống phá Nhà nước, hoặc tung tin thất thiệt trên mạng xã hội…

Ông Lê Quang Tự Do

Ông Lê Quang Tự Do - Phó Cục Trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông - nêu rõ: “Các tài khoản sai trái đó núp dưới danh nghĩa là các tài khoản cá nhân, chưa kể chế tài xử phạt quá thấp, không đủ sức răn đe. Chẳng hạn, một người người phát tán nội dung phản động bằng tờ rơi như kiểu truyền đơn thì có thể bị đi tù từ 15-20 năm. Khi làm như vậy trên môi trường mạng, tác động đến hàng triệu người, thì cũng chưa có giải pháp và biện pháp nghiêm khắc để xử phạt, nên hiện tượng này đang tồn tại khá nhiều”.

Chính vì môi trường mạng đang tồn tại nhiều hành vi đe doạ đến tính riêng tư, gây tác động xấu đến người sử dụng, nhất là những người để mất thông tin cá nhân, nên bất cứ lúc nào người sử dụng cũng cần đề cao cảnh giác.

Ông Nguyễn Kỳ Minh - Giám đốc Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương - nhấn mạnh, người dùng phải được trang bị những kiến thức sơ đẳng để giúp họ nhận biết được những mô hình lừa đảo, biết được cách tham gia vào những hình thức trực tuyến mà uy tín thì sẽ có lợi hơn, giúp người tiêu dùng bảo vệ được quyền lợi tốt hơn. Tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại, email , thông tin nhạy cảm như tài khoản… thì hạn chế tiết lộ.

Các đối tượng lừa đảo thường tận dụng cơ hội khai thác từ một nguồn lớn, đó chính là một trong các thông tin cá nhân của người dùng. Vì thế, người dùng phải biết cách tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình. Nếu không biết được người, website hay địa chỉ trực tuyến mà cung cấp là ai, ở đâu, là cái gì, họ dùng thông tin đó làm gì thì cần tuyệt đối tránh, hạn chế cung cấp thông tin cá nhân.

Môi trường số đang rất cần những người sử dụng có ý thức tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình, coi đó như tài sản số, không dễ dàng cung cấp lên mạng, hay các website mua hàng trực tuyến, các đơn vị thu thập dữ liệu bằng cách khuyến mại sản phẩm…  

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Đường - Giám đốc Trung tâm Ứng cứu Khẩn cấp máy tính Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông - lưu ý: “Với người dùng cần phải làm một số việc sau: Thứ nhất, cần dùng những phần mềm có bản quyền để không bị mất thông tin cá nhân. Thứ hai, khi sử dụng các ứng dụng thì nên dùng các ứng dụng từ nguồn chính thống. Không nên truy cập vào các trang web không rõ hay từ các đường link trong mail, trên facebook. Người dùng cũng nên sử dụng phần mềm diệt virus, diệt mã độc chuyên dùng, nên cập nhật thường xuyên để tránh bị mất thông tin quan trọng trên các thiết bị máy tính hay điện thoại di động”.

Vì vậy, đừng để bị lộ thông tin cá nhân, tức là “mất bò mới lo làm chuồng”, thì người sử dụng sẽ phải gánh chịu không ít hậu quả./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nguy cơ mất thông tin cá nhân khi sử dụng FaceApp?
Nguy cơ mất thông tin cá nhân khi sử dụng FaceApp?

VOV.VN - Quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu cá nhân là những vấn đề mà người dùng cần cân nhắc bởi FaceApp đang thu thập  dữ liệu ảnh cá nhân.

Nguy cơ mất thông tin cá nhân khi sử dụng FaceApp?

Nguy cơ mất thông tin cá nhân khi sử dụng FaceApp?

VOV.VN - Quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu cá nhân là những vấn đề mà người dùng cần cân nhắc bởi FaceApp đang thu thập  dữ liệu ảnh cá nhân.

Người dùng dễ dàng cung cấp thông tin cá nhân để sử dụng dịch vụ
Người dùng dễ dàng cung cấp thông tin cá nhân để sử dụng dịch vụ

VOV.VN - Người dùng Việt hiện nay vẫn quá dễ dãi trong việc cung cấp thông tin của cá nhân trong các giao dịch cần cung cấp thông tin.

Người dùng dễ dàng cung cấp thông tin cá nhân để sử dụng dịch vụ

Người dùng dễ dàng cung cấp thông tin cá nhân để sử dụng dịch vụ

VOV.VN - Người dùng Việt hiện nay vẫn quá dễ dãi trong việc cung cấp thông tin của cá nhân trong các giao dịch cần cung cấp thông tin.

Lộ thông tin cá nhân và những “quả đắng”
Lộ thông tin cá nhân và những “quả đắng”

VOV.VN - Những rủi ro của việc lộ thông tin cá nhân đang đem lại nhiều phiền toái và những nguy cơ bị lừa đảo cho người sử dụng.

Lộ thông tin cá nhân và những “quả đắng”

Lộ thông tin cá nhân và những “quả đắng”

VOV.VN - Những rủi ro của việc lộ thông tin cá nhân đang đem lại nhiều phiền toái và những nguy cơ bị lừa đảo cho người sử dụng.