Mẹo chụp ảnh chuyên nghiệp bằng smartphone
VOV.VN - Để có bức ảnh đẹp chụp bằng smartphone, ngoài chất lượng camera và phần mềm của nhà sản xuất, bạn cần biết một số mẹo nhỏ sau.
Làm sạch ống kính chụp hình. Bụi bẩn, vải vụn nhỏ ly ty trong túi quần, túi áo, balo, túi xách, hay dấu vân tay là những thứ thường xuyên cư ngụ trên ống kính máy ảnh, và nếu bạn không chú ý đến điều này thì tất nhiên, tác phẩm của bạn sẽ trở nên mờ ảo (theo đúng nghĩa đen). (Ảnh: Android Central). |
Bật khung lưới khi chụp ảnh để có những tấm ảnh với bố cục tốt, đây là tính năng rất hữu ích nhằm giúp người dùng tuân thủ quy tắc 1/3 – vốn là một trong những quy tắc đơn giản và cơ bản nhất trong nhiếp ảnh. Quy tắc 1/3 có nghĩa là chủ thể chiếm 1/3 khung hình còn không gian trống chiếm 2/3 diện tích còn lại. (Ảnh: Android Central). |
Cách dùng đèn flash hiệu quả. Đèn flash trên điện thoại thường phát ra nguồn sáng quá gắt, nếu chiếu trực tiếp sẽ khiến đối tượng bị lóa làm mất chi tiết của ảnh. Ngược lại ở những không gian rộng lớn thì nguồn sáng này lại không đủ để bao phủ hết và kết quả đương nhiên là những bức thiếu sáng, mờ nhạt hay thậm chí mất nét. (Ảnh: Android Central). |
Sắm một chiếc chân máy ảnh mini (tripod-loại dùng cho điện thoại) sẽ cải thiện đáng kể chất lượng các bức hình bạn chụp, giảm thiểu tình trạng mờ nhòe do rung tay, thiếu sáng, và đặc biệt rất cần thiết nếu bạn muốn sáng tác nghệ thuật để cho ra những bức hình phơi sáng hay các video time lapse. (Ảnh: Android Central). |
Sử dụng dịch vụ sao lưu ảnh tự động. Những mẹo chụp ảnh trên đây sẽ trở nên vô nghĩa nếu như các bức ảnh chụp ra lại không được sao lưu một cách an toàn. Vì lí do nào đó mà ổ cứng lưu trữ ảnh của bạn bị hỏng thì quả là đáng tiếc phải không bạn? (Ảnh: Android Central). |
Sửa đổi thông số mặc định: Các chế độ mặc định thường đem lại chất lượng hình chụp tốt nhưng không phải lúc nào cũng đẹp. Trong một số điều kiện đặc biệt, người dùng nên chuyển sang chế độ thủ công và tự thay đổi thông số như ISO, tốc độ màn chập, cân bằng trắng và phơi sáng để tạo ra bức ảnh đẹp nhất. (Ảnh: Zing). |
Tư thế chụp ảnh tốt: Một trong những kỹ thuật chủ yếu để giảm nhòe ảnh là cầm điện thoại ổn định. Để tay duỗi hoặc xa cơ thể sẽ khiến điện thoại dễ bị rung. Cách tốt nhất để giữ điện thoại ổn định bằng cách tỳ khuỷu tay lên hông hoặc sử dụng chân máy. (Ảnh: Zing). |
Không sử dụng zoom kỹ thuật số: Khả năng phóng to kỹ thuật số trên điện thoại không thể mang lại bức ảnh tầm gần với chất lượng như hình chụp thông thường được. Để đơn giản chỉ cần chụp bức ảnh bình thường, sau đó cắt phần muốn phóng to ra. (Ảnh: Zing). |
Chụp nhiều ảnh liên tiếp: Những mẫu smartphone thường có bộ nhớ lớn, vì vậy việc chụp nhiều ảnh liên tiếp sẽ không gây trở ngại. Việc này cho phép người dùng lựa ra tấm ảnh tốt nhất để sử dụng. Bên cạnh đó, điện thoại thông minh còn tích hợp tính năng ghép nhiều ảnh chụp vào một hình để tạo ra sản phẩm đẹp nhất. (Ảnh: Zing). |
Chỉnh sửa sau khi chụp: Khâu cuối cùng của một bức ảnh đẹp luôn là chỉnh sửa. Hiện nay, nhiều ứng dụng trên iOS và Google Play Store có thể hỗ trợ công đoạn này. Ngoài ra, người dùng cũng có thể sử dụng các phần mềm chuyên nghiệp hơn như Lightroom hoặc Photoshop trên máy tính. (Ảnh: Zing). |
Chụp ảnh RAW: Hiện nay, nhiều smartphone đã hỗ trợ người dùng chụp những bức ảnh RAW. Ảnh RAW là những bức hình chưa qua chỉnh sửa, cho phép người dùng tinh chỉnh sâu hơn so với định dạng JPEG cơ bản. Nếu có ý định chỉnh sửa ảnh chuyên nghiệp, việc lựa chọn chụp hình RAW sẽ rất cần thiết. (Ảnh: Zing). |
Canh sáng chuẩn: Các cảm biến của điện thoại thường không hoạt động tốt khi gặp điều kiện tối nên cần đảm bảo chủ thể đủ sáng. Khi chụp ảnh, hướng sáng nên nằm phía sau điện thoại và chiều thẳng lên chủ thể, tránh đi trực tiếp vào ống kính. Người dùng cũng có thể sử dụng các tấm phản chiếu như một tờ giấy trắng để điều chỉnh hướng sáng vào đối tượng cách hợp lý. (Ảnh: Zing). |
Biết lúc nào nên dùng chế độ chân dung: Chế độ chân dung đang xuất hiện rộng rãi trong các mẫu điện thoại thông minh. Người dùng cần thử nghiệm trên điện thoại của mình để tìm ra nhược điểm và lựa chọn khi nào nên hoặc không nên sử dụng chế độ chân dung. (Ảnh: Zing)./. |