Mỗi người dân Việt Nam sẽ có một smartphone
VOV.VN - Cùng với đó, mỗi hộ gia đình có 01 đường cáp quang, tạo tiền đề cho chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số và chính phủ điện tử.
Phát biểu tại hội nghị sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm và xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 diễn ra sáng 6/7 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Phan Tâm cho biết, từ nay đến hết năm 2020, Bộ TT&TT hỗ trợ hướng dẫn để 100% các địa phương lập kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông thế hệ mới; nâng tỷ lệ dùng chung cơ sở hạ tầng thụ động lên 17-20%.
sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm và xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 diễn ra sáng 6/7. |
Mỗi người dân có một smartphone
Bộ TT&TT sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp viễn thông, các doanh nghiệp sản xuất smartphone và các doanh nghiệp công nghệ số nói chung hợp tác để đảm bảo mỗi người dân sẽ có 01 máy điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình có 01 đường cáp quang, tạo tiền đề cho chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số và chính phủ điện tử.
Thứ trưởng Phan Tâm cũng cho biết, ngay trong năm 2020, Bộ TT&TT sẽ cho phép các doanh nghiệp viễn thông tiến hành triển khai cung cấp dịch vụ 5G tại các khu công nghệ thông tin tập trung, các khu công nghiệp, nghiên cứu, các trường đại học và tại các khu vực trung tâm các tỉnh/thành phố.
“Trong tháng 7/2020, Bộ TT&TT sẽ cho triển khai thử nghiệm thiết bị 5G Việt Nam và tiến tới triển khai thử nghiệm thương mại mạng 5G sử dụng thiết bị Việt Nam vào tháng 10”, Thứ trưởng Phan Tâm nói.
Cú huých trăm năm Covid-19
Tháng 6 vừa qua, Thủ tướng chính thức thông qua Chương trình chuyển đổi số quốc gia tập trung vào 3 trụ cột là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Theo đó, đến năm 2025, chính phủ số đạt mục tiêu: 80% dịch vụ công mức 4; 90% hồ sơ điện tử cấp bộ, tỉnh; 60% hồ sơ điện tử cấp xã; 100% cơ sở dữ liệu quốc gia hoàn thành.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cùng các đại biểu đi thăm các gian hàng triển lãm của doanh nghiệp công nghệ Việt. |
Về kinh tế số sẽ chiếm tỷ trọng 20% GDP; lọt top 35 chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII). Về xã hội số, hệ thống cáp quang sẽ đến 100% xã và 80% hộ gia đình; Thanh toán điện tử chiếm 50% giao dịch trong xã hội.
Theo ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hóa, đại dịch Covid-19 làm thay đổi nhận thức, quan niệm của con người về phương thức vận động xã hội. Nhu cầu của con người chuyển dần từ đời sống thực sang đời sống trên không gian số. Cuộc chuyển đổi vĩ đại ấy mang tên Chuyển đổi số.
“Đối với Việt Nam, đây là cơ hội và cũng là “cú huých” trăm năm để chuyển đổi số quốc gia. Và ngành TT&TT chịu trách nhiệm mở đường, nhận vai trò tiên phong cho công cuộc chuyển đổi này”, ông Dũng cho hay.
Với phương châm hành động “biến nguy thành cơ”, tư lệnh ngành TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định “Không vì đại dịch mà giảm chỉ tiêu tăng trưởng”. Từ quyết tâm đó, toàn ngành TT&TT đã chủ động, tích cực nắm bắt cơ hội tạo nên cuộc “chuyển mình” nhanh chóng./.