Nắng nóng gay gắt, sử dụng tủ lạnh như thế nào tiết kiệm điện?

VOV.VN - Đặt chế độ làm việc cũng như sắp xếp thực phẩm trong tủ lạnh hợp lý sẽ đảm bảo an toàn cho sức khỏe và giảm thiểu tiền điện mỗi tháng.

Cả nước hiện đã bước vào những tháng Hè nóng gay gắt, chính vì thế thời gian này tủ lạnh là vật dụng được sử dụng hết công suất trong nhiều gia đình. Tuy nhiên, nên tích trữ thực phẩm sống, đồ ăn chín như thế nào cũng như phân chia và bảo quản thực phẩm ra sao để đảm bảo an toàn, tốt cho sức khỏe là điều nhiều người chưa nắm vững và thường sử dụng tủ lạnh sai cách.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Quý, bộ môn Điện lạnh, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, thông thường ngăn mát của tủ lạnh sẽ để những thức ăn chín hay là rau, củ quả, còn ngăn đông sẽ để bảo quản những thực phẩm tươi sống và được để riêng trong những hộp kín.

Trong mỗi tủ lạnh thường có 3 chế độ điều khiển nhiệt độ là Min, Normal và Max cho nên nếu không dùng cho những trường hợp đặc biệt thì nên đặt tủ lạnh ở chế độ Normal để tủ hoạt động với chế độ bình thường. Trường hợp gia đình vắng người khi đi du lịch hay đi công tác dài ngày và có rất ít thực phẩm thì nên để tủ lạnh ở chế độ Min để hoạt động tiết kiệm điện năng.

Sắp xếp thực phẩm và đồ ăn hợp lý sẽ đảm bảo giữ được chất dinh dưỡng và tủ lạnh sẽ hoạt động hiệu quả.

Còn trong trường hợp gia đình nào tích trữ quá nhiều thực phẩm thì ngay ban đầu cần chuyển tủ lạnh hoạt động ở chế độ Max, khi đó tủ lạnh sẽ hoạt động với công suất tối đa để giúp làm lạnh nhanh, để khối thực phẩm này được cấp đông mới chuyển tủ lạnh hoạt động ở chế độ Nomal để làm việc êm ái và tiết kiệm điện năng.

Một điểm đặc biệt nữa là hiện nay, nhiều tủ lạnh được trang bị ngăn đông mềm nằm sát với ngăn làm đá. Đây là tính năng rất tiện ích của tủ lạnh, bởi cơ chế hoạt động của ngăn này sẽ đưa nhiệt độ về âm 3 độ C, thực phẩm sẽ bám 1 lớp băng mỏng bên ngoài và bên trong thực phẩm gần như không bị đóng băng nên không làm thực phẩm bị mất nước cũng như đông đá hoàn toàn. Tính năng này hết sức hữu dụng cho những thực phẩm cho các gia đình  có nhu cầu chế biến sớm mà không cần phải cấp đông dài ngày ở nhiệt độ âm 20 độ C.

Là thiết bị lưu trữ và bảo quản thực phẩm, vì thế việc giữ vệ sinh cho tủ lạnh là yêu cầu rất cấp thiết nhằm giữ thực phẩm sạch, không nhiễm khuẩn và gây mùi khó chịu. Do đó, mọi người cần bao bao gói thực phẩm cẩn thận, sau đó mới đưa vào tủ lạnh. Trong quá trình sử dụng, cần liên tục quan sát và theo dõi nếu thấy tủ lạnh có mùi lạ hoặc bẩn vì vương đồ ăn hoặc thực phẩm cần phải vệ sinh ngay.

Theo Thạc sỹ Nguyễn Ngọc Quý, cách vệ sinh tủ lạnh nhanh nhất là ngắt điện tủ lạnh, mở hết các cánh cửa tủ lạnh cho không khí bên ngoài tràn vào cho tan hết đá trong tủ, sau đó mới bỏ hết thực phẩm, đồ ăn trong tủ ra ngoài.

Sau khi tháo dỡ hết các khay chứa đồ, có thể mang đi rửa bằng nước xà phòng và rửa lại bằng nước sạch, hoặc có thể dùng khăn ấm, nước xà phòng loãng lau sạch bề mặt trong tủ. Sau khi làm vệ sinh tủ sạch sẽ cần để thêm khoảng 30 phút đến 1 giờ cho tủ khô ráo rồi mới xếp lại các khay thực phẩm, đồ ăn, đóng kín cửa và khởi động lại cho tủ lạnh làm việc.

Để tủ lạnh hoạt động tốt nhất, cần lắp đặt tủ tại những vị trí thích hợp, có nguồn điện ổn định và tránh các nguồn nhiệt. Thứ hai, cần sắp xếp, bố trí các ngăn để thực phẩm hợp lý và nhớ rõ vị trí để thực phẩm, tránh việc phải đảo lộn tất cả thực phẩm để tìm kiếm khiến tủ lạnh bị hao nhiệt. Quá trình lấy thực phẩm ra cũng như cất đồ ăn vào tủ bảo quản cần được tiến hành đồng thời cùng 1 lần mở tủ, tránh việc phải đóng mở cửa tủ lạnh nhiều lần, nhiệt độ bị tổn hao khiến tủ lạnh phải hoạt động lâu hơn để bù nhiệt gây lãng phí điện năng cũng như độ bền của tủ lạnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên