Người dùng dễ dàng cung cấp thông tin cá nhân để sử dụng dịch vụ
VOV.VN - Người dùng Việt hiện nay vẫn quá dễ dãi trong việc cung cấp thông tin của cá nhân trong các giao dịch cần cung cấp thông tin.
Mới đây, Facebook vừa bị cơ quan chức năng Mỹ tuyên bố phạt 5 tỷ USD (khoảng 116.000 tỷ đồng) sau vụ dữ liệu của khoảng 87 triệu tài khoản người sử dụng mạng xã hội Facebook bị Công ty Tư vấn Chính trị Cambridge Analytica thu thập, tiếp cận trái phép.
Tuy nhiên, đây có lẽ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong hàng loạt nguy cơ mất an toàn thông tin cá nhân mà người dùng đang phải đối mặt. Câu hỏi đặt ra là vì sao thông tin của cá nhân lại dễ bị thu thập và tiếp cận?
Người dùng Việt hiện nay vẫn quá dễ dãi trong việc cung cấp thông tin của cá nhân trong các giao dịch cần cung cấp thông tin. |
Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là việc dễ dãi trong cung cấp thông tin của các cá nhân trong các giao dịch cần cung cấp thông tin như siêu thị, mua hàng trực tuyến, thương mại điện tử...
“Đi siêu thị hoặc cửa hàng tiện ích, nếu muốn tích điểm hay được giảm giá, thì cần làm thẻ. Do đó, tôi vẫn điền các thông tin cá nhân của mình như số điện thoại, email, địa chỉ nhà… nói chung là họ hỏi gì thì tôi cung cấp nấy. Thẻ tôi cầm, tên tôi mà, lo gì đâu”, một người dân cho hay.
“Khi mua hàng trực tuyến, các trang thương mại điện tử, nếu muốn thanh toán tiền trực tuyến, thì ngoài những thông tin cơ bản như tên, tuổi, địa chỉ, chứng minh thư, tôi còn phải liên kết cả thẻ ngân hàng hoặc thẻ Visa…”, một khách hàng thường xuyên mua sắm trực tuyến chia sẻ.
Chị Nguyễn Minh Trang, ở Hà Nội cho biết mình đã cung cấp thông tin cá nhân cho khá nhiều ứng dụng. Chị giải thích “Cứ cài ứng dụng gì lên điện thoại, đều được hỏi: có cho phép truy cập vị trí, rồi ảnh, sử dụng mic… hay không. Cứ nhấn đồng ý tất cả thôi, vì nếu không đồng ý sẽ không sử dụng được ứng dụng đấy”.
Có thể thấy, giao dịch mua bán trực tiếp, trực tuyến, tải các app để sử dụng, sử dụng các mạng xã hội... đều là những nguy cơ mất thông tin cá nhân.
Với hơn 60 triệu tài khoản, đứng thứ 7 thế giới về số lượng người tham gia mạng xã hội Facebook, người dân Việt Nam có nguy cơ cao về việc bị thu thập thông tin cá nhân.
Thế nhưng, “Không sao đâu” có lẽ là câu trả lời của hầu hết người sử dụng mạng xã hội này cũng như nhiều những mạng xã hội khác, dù các cá nhân đều phải cung cấp rất đầy đủ, chi tiết các thông tin cá nhân cho đến các bức ảnh, clip…
Người sử dụng mạng xã hội còn thường xuyên cập nhật các hoạt động của cá nhân, người thân, con cái trong gia đình,… mà không biết rằng tất cả những thông tin, hình ảnh, các hoạt động trên mạng xã hội, các trò chơi trực tuyến,… đều lưu lại những thông tin đó, được tạo thành cơ sở dữ liệu đồ sộ, mà bên thứ 3 có thể tiếp cận, khai thác.
Ông Nguyễn Minh Đức - Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần An toàn thông tin CyRadar - nhấn mạnh: “Hầu hết các thông tin cá nhân của người sử dụng hiện nay ở Việt Nam thì đều do chính người sử dụng tự đưa lên, từ thông tin ngày sinh cho đến địa điểm đang làm việc ở đâu, rồi thông tin trong nhà có những gì.. Gần như là có rất nhiều người sử dụng là mọi hoạt động sinh hoạt của họ trong ngày là họ đều đưa lên Facebook”.
“Họ mở trang Facebook của mình cho bất kỳ ai cũng có thể xem được. Điều đó dẫn đến là bản thân chưa cần có một bên thứ ba lợi dụng khai thác, thì ai cũng có thể thu thập được thông tin của họ rồi. Tôi nghĩ là phần lớn vấn đề dữ liệu mang tính chất cá nhân riêng tư, thì hiện nay là do bản thân của người sử dụng. Thứ hai là tính cẩn trọng khi hoạt động trên mạng xã hội, nên họ cũng bị lợi dụng dễ dàng hơn”, ông Đức cho biết thêm.
Khi tham gia vào mạng xã hội Facebook, hay Youtube (Google), Instagram, Tik Tok, Zalo, Twitter,… hay các ứng dụng kết nối dịch vụ gọi xe, thuê phòng, giao hàng,… người sử dụng thường bị bắt buộc chia sẻ một số thông tin cá nhân, như số điện thoại, danh sách bạn bè,… để có thể cài đặt ứng dụng hoặc vào trang web sử dụng miễn phí.
Chỉ cần vào các trang web mua hàng trực tuyến, người sử dụng nếu không cẩn thận khi cung cấp các thông tin cá nhân như số điện thoại, tài khoản ngân hàng… cũng có thể trở thành miếng mồi béo bở của tội phạm mạng.
Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng lộ thông tin cá nhân là khi tham gia các trò chơi, ứng dụng trực tuyến, hay các điều tra trực tuyến… người sử dụng thường cung cấp thông tin cá nhân, để có thể nhận được phần thưởng hoặc được chơi trò chơi miễn phí…
Chưa kể, nhiều điểm cho phép truy cập wifi công cộng cũng dễ dàng bị tội phạm mạng xâm nhập, đánh cắp thông tin cá nhân của người sử dụng, khiến họ bị lộ thông tin cá nhân.
Ông Nguyễn Hữu Trung, Chuyên gia bảo mật Tập đoàn Công nghệ BKAV - nêu rõ: “Wifi miễn phí giúp mọi người truy cập dễ dàng. Tuy nhiên truy cập dễ dàng mà không có biện pháp bảo vệ, thì dễ dẫn đến nguy cơ mất an ninh cho người sử dụng. Sau quá trình khảo sát ở một số thành phố cung cấp dịch vụ wifi miễn phí thì có 3 nguy cơ chính ảnh hưởng đến người sử dụng wifi miễn phí là: tấn công nghe lén, tấn công lừa đảo và đánh cắp các thông tin cá nhân”.
Sử dụng điện thoại thông minh, thường xuyên truy cập vào các điểm cung cấp wifi, hoặc dùng 3G, 4G… để sử dụng các tiện ích của Internet, đang là cách mà người dùng để lại “dấu vết” của mình ở bất cứ đâu.
Trong ứng dụng Google Map, mục lưu trữ vị trí di chuyển có thể cho phép người dùng biết lịch sử di chuyển của bản thân trong một khoảng thời gian khá dài. Và đó là lý do mà có một vài địa điểm, chỉ cần đi ngang qua, ứng dụng này đã gợi ý đánh giá của bạn về địa điểm đó.
Lộ thông tin cá nhân có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, song đa phần người sử dụng lại đang có suy nghĩ rất đơn giản là: Thông tin cá nhân mà họ cung cấp chỉ là để dùng các tính năng trên các ứng dụng, các dịch vụ trên Internet, nên sau khi cung cấp thông tin, họ cũng không cần quan tâm xem các thông tin đó sẽ được bảo vệ như thế nào. Đó là chưa kể, đến việc họ không thể làm gì khi mà bên thứ 3 có thể tiếp cận, sử dụng trái phép.
Ông Ngô Việt Khôi, chuyên gia đào tạo về an toàn thông tin mạng phân tích: Người dùng mạng xã hội nói chung nên có ý thức trong việc mình cung cấp những thông tin gì lên… Bạn sử dụng mạng xã hội càng lâu, thì thông tin để vẽ lại chân dung của bạn càng rõ ràng.
“Vì đó là big data, cơ sở dữ liệu lớn, mà những đơn vị vận hành mạng xã hội đấy họ có thể thu thập qua từng ngày, từng giờ, được xử lý, tạo nên những dữ liệu lớn, mà có những đơn vị cần họ sẽ mua. Nên dữ liệu sẽ được bảo vệ như thế nào, sự riêng tư của chúng ta được bảo vệ như thế nào, thì nó nằm ngoài tầm của người sử dụng và không thể can thiệp được”, ông Khôi lý giải./. Infographics: Những vụ lộ lọt thông tin “gây bão” năm 2018