Nguy cơ thiếu chip do nhu cầu phát triển trí tuệ nhân tạo bùng nổ
VOV.VN - Thế giới đang đứng trước nguy cơ thiếu chip do nhu cầu phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) bùng nổ hiện nay. Trước nguy cơ này, một số tập đoàn công nghệ và quốc gia đang xây dựng, mở rộng cơ sở sản xuất hoặc phát triển theo hướng tự cung tự cấp chip.
Công ty sản xuất chip SK Hynix của Hàn Quốc và công ty Micron của Mỹ vừa thông báo đã bán hết chip nhớ băng thông cao cho năm 2024. Hai nhà cung cấp chip hàng đầu thế giới cảnh báo nguồn hàng cho năm 2025 cũng gần như không còn.
Trước nguy cơ thiếu chip, một số quốc gia và hãng công nghệ đang mở rộng cơ sở sản xuất hoặc hướng đến tự cung tự cấp chip phục vụ huấn luyện AI. Công ty Hàn Quốc SK Hynix có kế hoạch đầu tư vào các cơ sở ở Indiana, Mỹ cũng như tại nhà máy ở cụm công nghiệp bán dẫn công nghệ cao tại hai thành phố Cheongju và Yongin của Hàn Quốc.
Công ty thiết kế chip Arm Holdings thuộc sở hữu của Tập đoàn đầu tư SoftBank của Nhật Bản sẽ thành lập một bộ phận sản xuất chip AI, đặt mục tiêu ra mắt những sản phẩm đầu tiên vào mùa xuân năm 2025. Các công ty công nghệ lớn, trong đó có Apple cũng đầu tư vào việc phát triển chip AI nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhà cung cấp.
Phóng viên Deirdre Bosa, Kênh CNBC, cho biết, việc phát triển chip AI giúp Apple tự chủ hơn. “Dự án có tên là Dự án Apple Chips in Data Center đã hoạt động được vài năm. Nhà sản xuất iPhone đã hợp tác với một công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan, Trung Quốc về thiết kế và sản xuất chip. Loại chip máy chủ của Apple có thể sẽ tập trung vào suy luận AI, thay vì đào tạo các mô hình AI".
Trong khi đó, một số quốc gia tăng cường đầu tư vào các dự án thiết kế và sản xuất chip. Theo hãng tin Bloomberg, các nền kinh tế lớn như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã rót gần 81 tỷ USD để phát triển và sản xuất các thế hệ chip mới. Tháng trước, Mỹ công bố trợ cấp 6,1 tỷ USD cho Micron, hãng sản xuất chip nhớ lớn nhất của Mỹ. Khoản trợ cấp này nằm trong chương trình trợ cấp 33 tỷ USD dành cho những công ty như Intel, TSMC và Samsung Electronics. Ấn Độ cũng có tham vọng trở thành cường quốc sản xuất chip bán dẫn.
Vừa qua, Bộ trưởng Thông tin liên lạc, điện tử và công nghệ thông tin Ấn Độ, ông Ashwini Vaishnaw, cho biết: “Sứ mệnh sản xuất chip bán dẫn của Ấn Độ đã được công bố vào năm 2022. Tính đến nay, 4 dự án lớn với tổng vốn đầu từ 19 triệu USD. Ấn Độ đã phát triển rất nhanh và sẵn sàng trở thành một trong 5 cường quốc về sản xuất chip".
Cơn sốt phát triển AI bùng nổ đã gây ra tình trạng thiếu hụt chip và linh kiện. Bên cạnh việc tăng cường thu mua, sở hữu chip phục vụ huấn luyện AI, các công ty và nhiều quốc gia không bỏ lỡ thời cơ đầu tư cơ sở thiết kế sản xuất chip.