Trung Quốc phát minh ra tấm pin mặt trời “tối thượng” có thể tái chế 100%
VOV.VN - Trung Quốc đang dẫn đầu trong cuộc đua phát triển công nghệ năng lượng mặt trời với những tiến bộ đáng kể gần đây về tấm pin mặt trời.
Công ty Trina Solar của Trung Quốc đã công bố một giải pháp sáng tạo về pin mặt trời nhằm giải quyết một trong những thách thức lớn nhất của ngành, đó là tái sử dụng chúng khi hết thời gian sử dụng. Trina Solar đã phát triển tấm pin mặt trời silicon đầu tiên với công nghệ tế bào TOPcon (Tunnel Oxide Passivated Contact). Đặc biệt, tấm pin này được sản xuất hoàn toàn từ vật liệu tái chế, góp phần giải quyết vấn đề bền vững trong ngành năng lượng mặt trời.
Mặc dù tấm pin mặt trời mang lại nhiều lợi ích như sản xuất năng lượng sạch và tái tạo, vấn đề quản lý chất thải vẫn là một câu hỏi lớn. Vòng đời của các tấm pin này kéo dài từ 20 đến 30 năm, nhưng việc tái chế hoàn toàn hoặc thu hồi vật liệu vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Việc tái chế các tấm pin truyền thống gặp nhiều khó khăn. Mặc dù khung nhôm có thể được tái sử dụng dễ dàng và kính bảo vệ có thể tái chế tới 95%, việc tách silicon vẫn là một thách thức lớn. Tuy nhiên, Trina Solar đã phát triển 37 công nghệ được cấp bằng sáng chế, cho phép thu hồi và tái sử dụng không chỉ nhôm và thủy tinh mà còn cả silicon và bạc - những thành phần quan trọng nhưng khó phục hồi trước đây.
Những đổi mới này bao gồm việc sử dụng chất phân tách bên trong, công nghệ khắc hóa học để loại bỏ vật liệu không mong muốn, kết hợp phương pháp xử lý ướt để chiết xuất bạc - một trong những vật liệu quý giá nhất. Kết quả là tấm quang điện mới đạt hiệu suất 20,7%, gần sát với hiệu suất 25% của các tấm pin truyền thống nhưng hoàn toàn được sản xuất từ vật liệu tái chế.
Thành tựu này đánh dấu một bước tiến quan trọng hướng tới một tương lai bền vững hơn, nơi việc tái chế toàn bộ các tấm pin mặt trời không chỉ giúp giảm thiểu khai thác kim loại mới mà còn hướng tới một mô hình năng lượng tuần hoàn thực sự.