Chip bán dẫn sắp tăng giá do Trung Quốc cắt điện
Kế hoạch cắt điện luân phiên của Trung Quốc đang làm xáo trộn nhiều ngành công nghiệp, trong đó có chip bán dẫn, do phụ thuộc vào sản lượng silicon sản xuất ở Trung Quốc.
Từ cuối tháng 9, Trung Quốc bắt đầu triển khai kế hoạch cắt điện luân phiên nhằm thúc đẩy mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Kế hoạch này khiến chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghệ, vốn phụ thuộc vào Trung Quốc, bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Giờ đây, những con số cụ thể đã dần hiện ra khi silicon, nguyên liệu chính trong sản xuất chip bán dẫn đã tăng giá gần 300% trong vòng ít tháng qua.
Silicon còn được dùng trong ngành công nghiệp khác như sản xuất kính, bê tông và nhiều vật liệu từ silicon. Mặc dù chiếm tới 28% trữ lượng ở vỏ Trái đất, khai thác silicon đang chững lại do Trung Quốc cắt giảm sản lượng điện, buộc nhiều nhà máy phải ngừng hoạt động.
Trong khi bản thân việc sản xuất chip bán dẫn bị chậm lại do thiếu nước sạch ở các nhà máy tại Mỹ, tình trạng tăng giá silicon có thể góp phần khiến giá thành sản xuất chip bán dẫn đội lên.
Vân Nam, tỉnh đặt nhà máy sản xuất lớn thứ hai ở Trung Quốc, đã được yêu cầu cắt giảm 90% sản lượng điện tiêu thụ so với tháng 8, kéo dài từ tháng 9-12. Điều này khiến giá silicon tăng vọt từ mức 8.000 - 17.000 nhân dân tệ mỗi tấn (1.200 - 1.400 USD) lên hơn 67.300 nhân dân tệ mỗi tấn (10.400 USD) ở thời điểm hiện tại.
Khan hiếm silicon còn ảnh hưởng tới năng lượng sạch với các tấm polysilicon điện mặt trời đã tăng giá tới 13%, cao nhất kể từ năm 2011.
Shanghai Metals Market dự báo nhu cầu tiêu thụ silicon còn tăng cao cho tới mùa hè năm 2022. Cho tới lúc đó, sản lượng được cân bằng lại khi các nhà máy mới được mở.
Còn hiện tại, giá silicon tăng cao có thể ảnh hưởng tới giá thành những sản phẩm cuối đến tay người tiêu dùng như smartphone, laptop./.