Elon Musk đối đầu Twitter: Ai sẽ thắng thế?
VOV.VN - Sau khi tỷ phú người Mỹ Elon Musk đơn phương tuyên bố hủy bỏ thương vụ trị giá 44 tỷ USD, Twitter đã tuyên bố chắc chăn sẽ có các hành động pháp lý đáp trả.
Trong một động thái mới nhất, “gã khổng lồ” công nghệ Twitter thông báo đã thuê công ty luật tiếng tăm Watchell, Lipton Rosen & Katz, có trụ sở tại bang Delaware để kiện Elon Musk vì đã đơn phương hủy bỏ hợp đồng mua lại công ty.
Dự kiến, kế hoạch đệ đơn kiện sẽ được toàn tất trong tuần này. Về phần mình, ông chủ Tesla và SpaceX đã thuê công ty luật Quinn Emanuel Urquhart and Sullivan tại bang California (Mỹ) để chứng minh Twitter vi phạm thỏa thuận sáp nhập khi không cung cấp thông tin về những tài khoản rác và ảo trên nền tảng này.
Chưa rõ bên nào sẽ nắm được phần thắng, song nhiều chuyên gia cho rằng “cuộc chiến pháp lý dai dẳng” này sẽ gây ra thiệt hại kinh tế đáng kể cho cả 2 bên. Thị trường chứng khoán Mỹ đã sụt giảm mạnh sau khi Elon Musk tuyên bố mua lại Twitter, đặc biệt là các công ty công nghệ trong đó có Twitter, có tỉ lệ giảm giá cổ phiếu sâu nhất trên thị trường. Mức giá Elon Musk đồng ý trả Twitter theo đó mỗi cổ phần trên 50USD, thì hiện giờ giá cổ phiếu Twitter chỉ còn khoảng 35USD.
Ông Dan Ives - Giám đốc quản lý công ty đầu tư chứng khoán Wedbush cảnh báo: “Tôi nghĩ chứng khoán của Twitter có lẽ sẽ rơi vào tình trạng rơi tự do, có thể xuống mức từ 25 - 30 USD trong tuần này. Bây giờ tôi nghĩ đối với Tesla, nhà đầu tư sẽ chứng kiến một số đợt phục hồi. Có thể đạt đỉnh tăng khoảng 100 USD và họ sẽ thu lại một số khoản lợi nhuận, song vẫn có rất nhiều rủi ro khó đoán trước. Và kết quả của trận chiến pháp lý giữa Twitter và Elon Musk là không thể nói trước".
Theo ông Adam Sterling - Giám đốc điều hành của Trung tâm Luật - Kinh doanh Berkeley, Twitter đang có lợi thế hơn trong vụ việc này, do lập luận pháp lý của tỷ phú về lý do hủy bỏ thỏa thuận chứa rất nhiều nghi vấn. Giáo sư Ann Lipton thuộc Đại học Luật Tulane cũng cho rằng Elon Musk cần phải đưa ra được bằng chứng về việc hành động của Twitter có thể ảnh hưởng lâu dài đến tiềm năng của công ty thì đây mới có thể coi là “vi phạm nghiêm trọng” khiến hủy bỏ hợp đồng.
Brian Quinn, một Giáo sư tại Boston College Law School cũng cho biết: “Hợp đồng được soạn thảo để cung cấp mức độ chắc chắn cao cho người bán. Vì vậy, trên thực tế, không mấy khi lập luận của bên mua về một vấn đề có thể được chấp thuận để hủy bỏ hợp đồng. Vì vậy, rất, rất hiếm để Elon Musk thành công. Nếu thẩm phán tại tòa án Delaware đưa ra phán quyết liệu công ty không có vi phạm các điều khoản thỏa thuận, Musk có thể sẽ phải thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng và hoàn thành việc sáp nhập".
Hồi tháng 4, Elon Musk đã ký một thỏa thuận ràng buộc pháp lý để mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD. Các điều khoản cũng nêu rõ rằng nếu một trong hai bên phá vỡ thỏa thuận, họ sẽ phải trả khoản phí bồi thường trị giá 1 tỷ USD. Đến tháng 5, tỷ phú người Mỹ đã quyết định tạm ngừng việc mua lại Twitter để có thể đánh giá số lượng tài khoản giả mạo trên nền tảng này. Về phần mình, Twitter khẳng định họ đã chia sẻ toàn bộ thông tin với Musk. Các luật sư của Musk sau đó đã cáo buộc Twitter "vi phạm nghiêm trọng nhiều điều khoản" trong thỏa thuận và tuyên bố hủy bỏ hợp đồng./.