Mạng xã hội chặn các kênh do quân đội Myanmar điều hành
VOV.VN - Mạng xã hội của Google đã xóa các kênh khỏi các đài truyền hình do quân đội Myanmar điều hành sau khi bạo lực leo thang nghiêm trọng ở nước này.
Đây là hành động mới nhất trong một làn sóng hành động của các công ty truyền thông xã hội kể từ cuộc đảo chính quân sự ở quốc gia Đông Nam Á này vào ngày 1/2, đã làm dấy lên một loạt các cuộc biểu tình lớn và một cuộc đàn áp đẫm máu từ lực lượng an ninh nhằm vào người biểu tình.
Các kênh YouTube bị xóa hôm 5/3 đến từ các đài truyền hình MRTV và Myawaddy Media. Phát ngôn viên YouTube cho biết: “Chúng tôi đã chấm dứt một số kênh và xóa một số video khỏi YouTube theo nguyên tắc cộng đồng của chúng tôi và luật hiện hành”.
TikTok được điều hành bởi gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc ByteDance cũng đã thông báo vào hôm 6/3 rằng họ đang làm việc để xóa một số nội dung ở Myanmar. Phát ngôn viên công ty cho biết: “Việc kích động thù địch và bạo lực hoàn toàn không có chỗ trên nền tảng của chúng tôi. Chúng tôi đang mạnh tay xóa nội dung vi phạm các nguyên tắc của chúng tôi ở Myanmar và tiếp tục theo dõi tình hình”.
Các mạng xã hội đã buộc phải tăng cường phản ứng trước tình hình chính trị ở Myanmar sau khi quân đội nước này lên nắm quyền.
Vài tuần trước, Facebook đã hạn chế tài khoản của quân đội vì phát tán “thông tin sai lệch”, nói rằng họ đang “coi tình hình ở Myanmar là một trường hợp khẩn cấp”. Công ty cũng “đình chỉ vô thời hạn” các cơ quan chính phủ Myanmar sử dụng các kênh đặc biệt dành riêng cho các quan chức để gửi yêu cầu gỡ bỏ nội dung.
Rafael Frankel, giám đốc chính sách của Facebook cho các nền kinh tế mới nổi ở Châu Á - Thái Bình Dương, đã viết trong một bài đăng trên blog vào thời điểm đó rằng: “Các sự kiện kể từ cuộc đảo chính ngày 1/2, bao gồm cả bạo lực chết người, đã thúc đẩy nhu cầu về lệnh cấm này”.
Sau cuộc đảo chính, các dịch vụ internet và tin tức, bao gồm Facebook và Twitter, đã bị gián đoạn trên khắp đất nước, hạn chế khả năng nhận được thông tin về các sự kiện của người dân.
Báo cáo từ giới truyền thông cho biết, ít nhất 54 người đã bị cảnh sát và quân đội giết chết ở Myanmar kể từ ngày 1/2, trong đó có ít nhất 30 người vào hôm 3/3, theo Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet. Tuy nhiên, số người chết thực tế có thể cao hơn nhiều, cô cảnh báo.
Trong một tuyên bố hôm 4/3, cô Bachelet nói rằng hơn 1.700 người đã bị bắt và giam giữ tùy tiện kể từ tháng Hai, với số vụ việc như vậy đang leo thang trong những ngày gần đây. Cô nói thêm, ít nhất 700 người đã bị giam giữ chỉ trong ngày 3/3./.