Mỹ không xài Huawei và ZTE, Trung Quốc "nóng mặt"
VOV.VN - Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ (FCC) không muốn có cơ hội cho phép các công ty được coi là mối đe dọa quốc gia đối với hệ thống thông tin liên lạc tại quốc gia này.
FCC đã bỏ phiếu ủng hộ việc thúc đẩy một kế hoạch phê duyệt các lệnh cấm đối với thiết bị trong mạng viễn thông Hoa Kỳ từ các công ty Trung Quốc được coi là mối đe dọa an ninh quốc gia. Theo Reuters, lệnh cấm sẽ ảnh hưởng đến các công ty như Huawei và ZTE. Thiết bị của Huawei đã được nhiều công ty viễn thông ở Mỹ sử dụng để vận hành tại các vùng nông thôn của đất nước.
Sự chấp thuận đã khiến chính quyền Trung Quốc kịch liệt phản đối. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Triệu Lập Kiên, nói “Hoa Kỳ không có bất kỳ bằng chứng nào vẫn lạm dụng an ninh quốc gia và quyền lực nhà nước để đàn áp các công ty Trung Quốc. Một lần nữa chúng tôi kêu gọi Mỹ ngừng kéo dài khái niệm an ninh quốc gia và ngừng chính trị hóa các vấn đề kinh tế”.
Các quy tắc đề xuất đã giành được sự chấp thuận ban đầu, trong đó các giấy phép dành cho thiết bị của các công ty Trung Quốc sẽ bị thu hồi. Đây là điều mà Huawei không hề mong muốn khi cho biết sửa đổi của FCC là “sai lầm và trừng phạt không cần thiết”.
Quyền chủ tịch FCC, Jessica Rosenworcel, cho biết các biện pháp mới sẽ “loại trừ thiết bị không đáng tin cậy khỏi mạng truyền thông của chúng tôi... Chúng tôi đã để ngỏ cơ hội sử dụng (Huawei và các thiết bị khác của Trung Quốc) ở Mỹ thông qua quy trình cấp phép thiết bị của mình. Tuy nhiên, giờ đây chúng tôi đề xuất đóng cánh cửa này”.
Được biết, Mỹ đã chấp thuận hơn 3.000 đơn đăng ký từ Huawei kể từ năm 2018. Vào năm 2019, FCC đã chỉ định 5 công ty Trung Quốc là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia theo luật năm 2019 của Hoa Kỳ nhằm bảo vệ các mạng truyền thông của nước này. Các công ty bị ảnh hưởng gồm Huawei, ZTE, Hytera Communications Corp, Hangzhou Hikvision Digital Technology Co và Zhejiang Dahua Technology Co.
Vào năm 2020, FCC đã chỉ định Huawei và ZTE là mối đe dọa an ninh quốc gia đối với các mạng truyền thông và cấm họ khai thác bất kỳ khoản tài trợ nào mà chính phủ đang cung cấp. Vào tháng 12 cùng năm, FCC đã quyết định rằng thiết bị của hai công ty này sẽ được tháo rời và thay thế. Cơ quan này đề xuất một chương trình bồi hoàn với khoản quỹ 1,9 tỷ USD được xây dựng từ các nhà lập pháp Hoa Kỳ.
Bà Rosenworcel cho biết FCC sẽ bỏ phiếu vào tháng 7 tới để hoàn thiện các quy tắc giám sát quỹ bồi hoàn./.