Số lượng điện thoại cơ bản tại Việt Nam giảm tới 70% vào năm tới?
Do quy định dừng nhập điện thoại 2G, 3G từ ngày 1/7, số lượng điện thoại cơ bản hỗ trợ 2G có thể giảm 70% vào năm 2022.
Từ ngày 1/7/2021, Thông tư số 43/2020/TT-BTTTT về ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất - Phần truy nhập vô tuyến” chính thức có hiệu lực, theo đó các thiết bị đầu cuối thông tin di động sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam phải hỗ trợ công nghệ 4G trở lên.
Tất cả các nhà bán lẻ, hãng sản xuất, công ty phân phối khi được hỏi đều khẳng định đã nắm rõ thông tin và có kế hoạch kinh doanh tuân thủ quy định pháp luật.
Các hãng Samsung, Xiaomi, Oppo, Vivo đều trả lời không bị ảnh hưởng từ thông tư này do smartphone của họ đều dùng công nghệ 4G trở lên.
Nhưng theo quan sát của ICTnews, một số hãng như HMD Global (sở hữu thương hiệu Nokia), Itel, Masstel, Mobell đang cung cấp phần lớn điện thoại cơ bản (feature phone) cho thị trường sẽ chịu tác động từ quy định nói trên.
Ông Hồ Hoàng Nguyên Vũ, đại diện nhà phân phối Itel, cho biết nhà phân phối lẫn hãng sản xuất Itel đều đã có lộ trình để điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho phù hợp chủ trương của Chính phủ.
Cụ thể, hãng sẽ dừng nhập các sản phẩm chỉ hỗ trợ 2G, 3G sau ngày 1/7. Song số lượng sản phẩm nhập về hiện tại vẫn đủ kinh doanh cho đến hết năm 2021 do sóng 2G, 3G vẫn còn hoạt động.
“Tuy nhiên, sang năm sau, do chỉ còn điện thoại 4G nên số lượng điện thoại cơ bản 2G của Itel có thể bị giảm 70% so với hiện tại”, ông Vũ dự báo.
Itel đang nằm trong top 3 các hãng có số lượng nhập khẩu điện thoại cơ bản lớn nhất tại Việt Nam. Các điện thoại này hầu hết có giá bán dưới 500.000 đồng, hỗ trợ kết nối mạng 2G. Riêng mẫu hỗ trợ 4G có giá bán 700.000 đồng.
Ông Vũ cho biết đang làm việc với hãng để nhập về các smartphone hỗ trợ 4G với giá dễ tiếp cận hơn nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Trong khi đó, một số hãng kinh doanh smartphone truyền thống không bị ảnh hưởng gì về quy định mới.
“Tất cả các mẫu smartphone hiện tại của Samsung đều phù hợp kết nối 4G trở lên, do đó quy định trên không ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh và sản xuất của Samsung. Trong tương lai nếu có những quy định mới, Samsung sẽ luôn tuân thủ các quy định tại Việt Nam”, phía Samsung Vina cho biết.
Tương tự, Xiaomi khẳng định đã nắm được thông tin về quy định mới, cũng như những định hướng từ Chính phủ. Tất cả các sản phẩm của hãng đều hỗ trợ 4G và đang nhập về điện thoại 5G.
Về phía nhà bán lẻ, ông Nguyễn Thế Kha - Giám đốc ngành hàng viễn thông di động FPT Shop - cho biết điện thoại 2G/3G hiện vẫn hoạt động bình thường sau ngày 1/7 (cho đến khi có hướng dẫn mới), do đó hệ thống này đang chuẩn bị cho kế hoạch trữ hàng, đảm bảo kinh doanh liên tục nhóm sản phẩm 2G/3G trong cả năm tới. Song song đó, chuỗi này lên kế hoạch thúc đẩy bán hàng smartphone 4G thay thế dần trong tương lai.
Trong khi đó, chuỗi quy mô vừa như CellphoneS khẳng định cả năm qua chuỗi này chỉ bán được các mẫu smartphone hỗ trợ 4G, 5G. Chỉ có một phần nhỏ điện thoại phổ thông cơ bản 2G được bày bán, do đó quy định nói trên không ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của CellphoneS.
Việc dừng nhập thiết bị 2G, 3G nhằm tiến tới dừng công nghệ di động mặt đất cũ (2G, 3G), thúc đẩy người dùng smartphone tiến tới xã hội số. Cùng với việc hạn chế thiết bị cũ, Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, chủ trương hỗ trợ smartphone tới các hộ nghèo và cận nghèo đã được đưa vào dự thảo Chương trình viễn thông công ích giai đoạn 2021-2025 trình Chính phủ. Theo đó, chương trình dự kiến sẽ hỗ trợ 2,1 triệu máy smartphone cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn quốc.
Bộ TT&TT đề xuất phương án dừng công nghệ di động mặt đất cũ (2G, 3G) sớm nhất từ năm 2022 với một lộ trình phù hợp. Đến tháng 9/2024 khi các giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động và các giấy phép tần số để triển khai mạng di động hết hạn, Bộ sẽ không tiếp tục gia hạn giấy phép sử dụng băng tần số vô tuyến điện sử dụng cho công nghệ 2G/3G. Do đó, việc chuyển đổi công nghệ, thiết bị, dừng phát sóng công nghệ cũ sẽ được triển khai một cách đồng bộ, quyết liệt trong giai đoạn tới./.